Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ‘Người cha của Chánh niệm’ được cả thế giới kính trọng

Minh Tuấn (THEO THE GUARDIAN) 23/01/2022 12:15

Hôm 22/1, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu (Huế), hưởng dương ở tuổi 96. Tuy cả thế giới đã mất đi vị lãnh đạo Phật giáo vĩ đại, những di sản ông để lại cho hậu thế là vô cùng to lớn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dẫn mọi người đi thiền hành. Ảnh: Zuma Press / Alamy.

Trước khi phát bệnh, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng đưa ra ý nguyện: “Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung”.

Sự ra đi của bậc trí giả người Việt Nam đã tạo một làn sóng tiếc thương trên toàn thế giới, trong đó có những chính khách và lãnh tụ tôn giáo có tầm ảnh hưởng nhất. Không chỉ vậy, những di sản “phi thường” ông để lại cho đời đang được tri ân bởi các môn đồ trên khắp châu lục.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo Phật giáo có sức ảnh hưởng lớn nhất ở phương Tây đã bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Tôi vô cùng đau buồn khi biết rằng người bạn, người anh em tôn giáo quý mến Thích Nhất Hạnh đã viên tịch. Tôi xin gửi lời chia buồn đến quý đệ tử của ngài ở Việt Nam và trên toàn thế giới”.

Bậc chân tu Thích Nhất Hạnh bên cạnh Mục sư Martin Luther King tại một cuộc họp báo ở Chicago vào năm 1966. Ảnh: Edward Kitch / AP.

Trong thông cáo chia buồn về việc Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời đăng trên tài khoản Facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, bà Marie Damour, Đại biện lâm thời, Phái đoàn Mỹ tại Việt Nam nói, trong hơn 60 năm qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người thầy, nhà lãnh đạo tinh thần được yêu mến và là nhà hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình.

Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink chia sẻ: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được nhớ đến như một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới”.

“Tôi tìm thấy ở nhà sư tình yêu thương nhân loại trong từng hành động, hành trình khắp thế giới với sứ mệnh ủng hộ hòa bình và quyền con người”,Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng gửi lời chia buồn trên trang Twitter sau khi hay tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch.

Các tăng ni, Phật tử kính chào Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại một ngôi chùa ở Huế. Ảnh: Linh Phạm / Getty Images.

Trên trang Twitter cá nhân, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cũng gửi lời chia buồn: “Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà sư Phật giáo nổi tiếng, người với những bài thuyết giảng trong nhiều năm có ảnh hưởng trên toàn thế giới”.

Bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông Rahul Gandhi, lãnh đạo đảng Quốc Đại của Ấn Độ nhấn mạnh tới những lời giảng dạy của Thiền sư về hòa bình, lòng biết ơn và phi bạo lực.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em. Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.

Ông được biết đến với danh xưng “Người cha của phép Chánh niệm" và cũng là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân: (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire, do ông viết. Mục sư Martin Luther King từng đề cử Thiền sư cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ‘Người cha của Chánh niệm’ được cả thế giới kính trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO