Thiếu container, cước vận tải tăng

Quang Toàn 22/05/2021 08:20

Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với đứt gẫy về thị trường tiêu thụ, giá cước vận tải biển liên tục tăng cao từ năm 2020 đến nay làm tăng chi phí sản xuất đã gây thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Các hãng tàu biển nước ngoàităng cước vận chuyển khiến doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu chịu nhiều ảnh hưởng.

Với việc thị trường vận tải biển quốc tế phụ thuộc hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài, các DN xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn vì giá cước, phụ phí thuê container rỗng tăng cao, đặc biệt là các tuyến vận tải dài. Để tìm nguyên nhân giá cước vận tải biển tăng cao, Tổ công tác kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển do các hãng tàu nước ngoài thực hiện đã được thành lập. Hiện đã có kết quả kiểm tra của Tổ công tác này.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đa số các hãng tàu hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức doanh nghiệp, thay mặt cho các hãng tàu thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và làm đại lý theo hợp đồng. Doanh thu từ giá cước vận tải và các loại phụ thu ngoài giá được chuyển về công ty mẹ tại nước ngoài, hãng tàu thực hiện nộp thuế nhà thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Qua kiểm tra thực tế tại 7 hãng tàu nước ngoài, Tổ công tác của Cục Hàng hải Việt Nam nhận thấy, các hãng tàu chưa đáp ứng được đúng các quy định tại Nghị định 146/2016/NĐ-CP về việc niêm yết giá, thời gian niêm yết và mức giá niêm yết (Nghị định 146).

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu về việc niêm yết giá theo đúng quy định, tạo sự công khai minh bạch, Tổ công tác của Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước như: đăng ký tuyến vận tải, quản lý tuyến, quản lý khung giá cước và phụ thu ngoài giá cước.

“Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 146/2016/NĐ-CP theo hướng bổ sung một số quy định về hình thức niêm yết, thời gian niêm yết, giải trình lý do thu các loại phụ thu, thời điểm áp dụng…”- đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho hay.

Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, chế tài xử phạt các DN không niêm yết giá được quy định tại Nghị định 142/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng hải hiện tại rất thấp với mức phạt chỉ từ 1.000.000-3.000.000 đồng/lần. Vì thế, chưa đủ sức răn đe đối với các DN vi phạm về niêm yết giá. Do đó, kiến nghị sửa đổi Điều 21 Nghị định 142/2017/NĐ-CP theo hướng bổ sung chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm các quy định về thời gian niêm yết, tăng mức xử phạt đối với các trường hợp DN không niêm yết giá theo quy định.

Lý giải về giá cước vận tải biển tăng cao và tình trạng thiếu hụt container rỗng, đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, theo phản ánh của các hiệp hội, các chủ hàng xuất nhập khẩu, từ cuối tháng 10/2020, giá cước vận tải biển tăng rất cao. Đặc biệt, các tuyến vận tải đi châu Âu, châu Mỹ, cá biệt có tuyến giá cước vận tải tăng đến 10 lần. Ngoài ra, tình trạng chậm chuyến thường xuyên xảy ra do thiếu container rỗng để đóng hàng.

“Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại giá cước đã giảm hơn so với thời điểm cuối năm 2020, nhưng vẫn còn ở mức cao hơn từ 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2019 và tình trạng thiếu container rỗng đã được cải thiện so với cuối năm 2020”- đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam thông tin.

Về nguyên nhân tăng giá cước vận tải, đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải lý giải, do đại dịch Covid-19 kéo dài, một số nước đồng loạt áp dụng biện pháp kiểm soát phòng dịch. Nhiều cảng biển, đặc biệt là ở châu Âu, châu Mỹ trong tình trạng không hoạt động được hết công suất, xuất hiện tình trạng kẹt hàng. Ví dụ tại Mỹ thời kỳ cao điểm (tháng 1/2021) có đến 41 tàu nằm chờ được vào cầu cảng làm hàng tại Los Angeles.

Thời gian xếp dỡ hàng tại cảng này đã tăng trung bình lên 11 ngày cho một lần xếp dỡ (trước đó là từ 3-5 ngày cho một lần xếp dỡ). Mặt khác, các nhà máy và cảng ở châu Á làm việc 24/7 (hoặc 168 giờ/tuần), trong khi các tuyến vận tải container Bờ Tây nước Mỹ chỉ hoạt động 112 giờ/tuần tại cầu cảng, 88-90 giờ/tuần trong bến cảng và các khu vực bên ngoài cảng chỉ làm việc ban ngày.

Về lý do thiếu hụt container rỗng là vì thời gian container nằm chờ trong lưu thông dài gấp 2 lần so với mức trước (nằm trên tàu, tại cảng và nằm tại kho hàng…). Như vậy, thiếu container rỗng, lịch trình tàu kéo dài, thiếu chỗ trên tàu là nguyên nhân của việc tăng giá cước vận tải.

Trước đó, vào đầu tháng 3 vừa qua, trước phản ánh của các hiệp hội, chủ tàu và cơ quan báo chí về giá cước vận chuyển container xuất nhập khẩu tăng cao bất thường từ cuối năm 2020, Cục Hàng Việt Nam đã có công văn gửi các hãng tàu, đại diện hãng tàu tại Việt Nam thông báo sẽ tiến hành kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển. Theo đó, mục đích đợt kiểm tra này là thực hiện quy định của pháp luật về giá cước, phụ thu ngoài giá và các vấn đề liên quan đến dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển. Thời kỳ kiểm tra là từ năm 2020 đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu container, cước vận tải tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO