Thiếu giáo viên: Hạ chuẩn hay điều chỉnh chính sách đãi ngộ?

Hàn Minh 25/10/2022 07:58

Vấn đề thiếu giáo viên ở nhiều địa phương đang là bài toán khó vì dù có chỉ tiêu cũng không có nguồn tuyển do quy định giáo viên cấp tiểu học, THCS phải có trình độ đại học. Cùng với câu hỏi có nên hạ chuẩn để tuyển đủ giáo viên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra cần tăng cường chính sách đãi ngộ để thu hút và giữ chân nhà giáo.

Cần tăng cường chính sách đãi ngộ để thu hút và giữ chân giáo viên. Nguồn: TTXVN.

Có chỉ tiêu nhưng thiếu nguồn tuyển

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được 3 năm nhưng nhiều thách thức đặt ra vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong đó, tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương đã tồn tại một thời gian dài vẫn chưa thể khắc phục. Khó khăn chồng khó khăn khi sau vài năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chỉ xin thêm được hơn 65.000 biên chế cho ngành giáo dục từ nay đến năm 2025. Trong khi đó, năm nay dự kiến sẽ tuyển 27.850 giáo viên thì 2 năm vừa rồi đã có gần 29.000 giáo viên bỏ việc.

Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tình trạng thiếu giáo viên chủ yếu là ở môn Tiếng Anh và Tin học. Nếu như ở các thành phố lớn, những cử nhân đáp ứng được yêu cầu này không ít nhưng không phải ai cũng đầu quân vào ngành giáo dục ở các trường công lập thì ở vùng sâu vùng xa, nguồn tuyển cho những vị trí này gần như là con số 0. Đơn cử như tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), năm học trước, thị xã chủ trương tuyển 86 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 41 giáo viên do không có nguồn, đặc biệt là giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học. Năm học 2022-2023, thị xã còn thiếu 187 biên chế giáo viên.

Theo Trưởng phòng GDĐT thị xã Sa Pa Nguyễn Trường Chinh, một khó khăn với Sa Pa và nhiều địa phương khác nói chung hiện nay đó là quy định giáo viên cấp tiểu học, THCS phải có trình độ đại học. Ông Trinh bày tỏ mong muốn ngành giáo dục xem xét và điều chỉnh để thuận lợi trong việc tuyển dụng giáo viên. Chẳng hạn, có thể hạ chuẩn trình độ xuống cao đẳng đối với các môn đang thiếu như Tiếng Anh, Tin học do trên thực tế, những giáo sinh trình độ cao đẳng được đào tạo bài bản và có kỹ năng sư phạm tốt thì vẫn có thể đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu giảng dạy môn học.

Với số lượng 17 trường tiểu học và trường phổ thông cơ sở, trường bán trú có khối tiểu học, nhưng huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng hiện có chỉ có 9 giáo viên môn Tin học và Tiếng Anh biên chế ở bậc tiểu học. Số giáo viên 2 môn học còn thiếu là 33 người.

Sở GDĐT Cao Bằng cho biết tỉnh đang thiếu 482 biên chế ngành giáo dục so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, thiếu 87 giáo viên tin học và 83 giáo viên Tiếng Anh trong năm học 2022-2023. Cũng trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục, nhưng vẫn thiếu 204 người so với chỉ tiêu được giao, nguyên nhân do không có nguồn để tuyển dụng.

Thông tin từ Sở GDĐT tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh chỉ có 167 giáo viên dạy Tiếng Anh, 85 giáo viên dạy Tin học. Tỉnh cần tuyển bổ sung thêm 105 giáo viên cho 2 môn học này. Đối với khối lớp 10, có thêm môn mỹ thuật, âm nhạc… nhưng tỉnh chưa có giáo viên, cần tuyển bổ sung 23 giáo viên dạy Mỹ thuật, 23 giáo viên dạy Âm nhạc cho 23 trường THPT cả tỉnh. Ngoài khó khăn về nguồn tuyển, một thách thức đặt ra với các trường ở đây đó là do thiếu giáo viên nên nhà trường khó sắp xếp giáo viên đang giảng dạy đi học bồi dưỡng để đạt chuẩn theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019. Nhiều nơi giáo viên chưa đạt chuẩn vừa phải dạy học trên lớp, cuối tuần lại tham gia học bồi dưỡng chương trình mới, học nâng chuẩn… rất vất vả, mệt mỏi.

Chuẩn không phải là để đẹp lòng nhau

Là người công tác nhiều năm trong ngành giáo dục, đào tạo nhiều giáo viên, GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, xu thế chung của thế giới là không hạ thấp chuẩn giáo viên. Quan điểm lớp thấp thì trình độ giáo viên thấp, lớp cao thì trình độ giáo viên cao là không đúng.

Về giải pháp đối với việc thiếu nguồn tuyển giáo viên ở nhiều địa phương hiện nay, theo nhiều chuyên gia không nằm ở việc hạ chuẩn mà là ở chính sách, đãi ngộ với giáo viên phải được nâng lên. Thực tế tuyển sinh đại học ngành sư phạm những năm gần đây cho thấy đã nhận được sự quan tâm đáng kể của người học, thí sinh trúng tuyển đã tăng lên nhờ chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí được áp dụng. Đặc biệt, nhiều ngành của nhiều trường tuyển sinh với mức điểm cao, thậm chí “chạm trần, vượt trần” ở những ngành, trường có cam kết về vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ở một góc nhìn khác, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ ra tình trạng khó khăn về điều kiện dạy và học ở các vùng sâu, vùng xa so với đồng bằng khiến nhiều sinh viên e ngại khi đăng ký thi tuyển biên chế. Ông Minh đề xuất cần tập trung kiên cố hóa trường học, nhà công vụ đối với giáo viên ở các vùng khó khăn. Bởi tuyển dụng được giáo viên đạt chuẩn đã khó, giữ chân giáo viên ở lại những nơi này càng khó khăn hơn.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã thẳng thắn chỉ ra hiện nay, chúng ta có các loại chuẩn về giáo viên, chuẩn trường học, chuẩn cơ sở vật chất,… Để đảm bảo chất lượng thì chuẩn phải theo thông lệ. Chuẩn về tỷ lệ giáo viên đối với các nước của khối EU là 15 học sinh phải có 2 giáo viên, nước mình còn xa mới có một cái chuẩn như thế nhưng có đặt ra một cái chuẩn nhưng chuẩn đó có thể “tổn hại” đến thành tích của địa phương.

“Đặt ra chuẩn để các nơi cố gắng phấn đấu, yêu cầu các địa phương và nhà nước đầu tư để đạt chuẩn chứ không phải làm đẹp lòng nhau. Thế nhưng lại có người đề nghị hạ chuẩn xuống để địa phương đạt được chuẩn. Đó mới là bệnh thành tích” - ông Sơn tâm tư và chia sẻ thêm rằng, các cháu muốn được chăm sóc chu đáo thì phải đủ giáo viên, nơi nào chưa đạt thì phải cố gắng đạt chứ không phải làm đẹp lòng nhau mà hạ xuống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu giáo viên: Hạ chuẩn hay điều chỉnh chính sách đãi ngộ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO