Thiếu hiểu biết, “giết” di sản

Ngọc Mai 25/11/2022 06:41

Nằm trong sự kiện Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam kết hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 là diễn đàn Doanh nhân, doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa. Có lẽ là bất ngờ với nhiều người khi không ít ý kiến đã thẳng thắn nêu lên xung quanh vấn đề trùng tu di sản.

Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã ghi nhận sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân vào bảo tồn di sản, trùng tu di tích những năm qua. Tuy nhiên, ông Thành cũng nhắc nhở bảo tồn, giữ gìn di sản phải đảm bảo tính khoa học để giữ những gì cha ông trao truyền lại, chứ không đơn thuần bỏ tiền ra xây to dựng lớn.

Theo Cục Di sản văn hóa, mỗi năm cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp vài nghìn tỷ đồng để bảo tồn các di tích, tương đương với ngân sách nhà nước phân bổ cho công tác này. Nhờ đó, nhiều đình, đền, chùa đã được các doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư tôn tạo. Như vậy, trước hết phải ghi nhận tấm lòng của doanh nhân, doanh nghiệp đối với những di sản văn hóa tiền nhân để lại trong ý nghĩa gìn giữ và trao truyền.

Nhưng, ở lĩnh vực này, cũng thật đáng tiếc nhiều khi có lòng, có tâm, có tiền nhưng kết quả sau tôn tạo di tích trong nhiều trường hợp lại không hiệu quả. Bằng chứng là nhiều di tích đã biến dạng, khác xa với nguyên gốc, từ đó làm mất đi một phần ký ức văn hóa rất quan trọng của cộng đồng. Di tích chỉ có nhung tuyết chứ không còn hồn vía khi đã mất đi giá trị cốt lõi. Đáng ngại hơn là có di tích sau khi được đổ tiền vào trùng tu thì đã “trẻ hóa”, bị làm mới như thể “không liên quan” đến di tích vốn có.

Nói như giáo sư Sử học Lê Văn Lan thì ở nhiều nơi, việc bảo tồn giá trị văn hóa lại theo tâm lý riêng, sở thích cá nhân, “vì doanh nhân đó thích như thế". Việc bảo tồn rất cần sự hiểu biết và cái tâm trong sáng của các doanh nhân, doanh nghiệp. Ông Lan cũng cho rằng đang có vấn đề rất lớn về sự hiểu biết các giá trị đích thực và truyền thống của di sản với những doanh nhân đứng ra để bảo tồn. Thậm chí có doanh nhân bỏ tiền ra dưới danh nghĩa bảo tồn giá trị văn hóa nhưng lại là để kiếm lời.

Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng trong quá trình khai thác giá trị văn hóa để làm du lịch, nhiều đơn vị chưa chú trọng bảo tồn các giá trị nguyên gốc mà chỉ đơn thuần vì mục đích kinh tế. Ông Tuấn thốt lên “đó là thực tế đau buồn”.

Trước những ý kiến như vậy, tất nhiên phía doanh nghiệp sẽ “nói lại cho rõ”. Ví dụ như ý kiến của ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group, khẳng định doanh nghiệp du lịch rất trân quý di sản vì đây giống như "mỏ kim cương".

Đó là nói đến những di tích nổi tiếng và sự “đồng hành” của những doanh nhân, doanh nghiệp dày vốn; còn thì trên thực tế rất nhiều ngôi chùa, đình, đền ở làng vốn thân thương, ấm áp cũng đã phôi phai khi tiếp nhận đóng góp. Người góp công, người góp của rồi vô tư đưa vật liệu mới vào để nâng cấp, làm cho di tích trở nên lạ lẫm.

Khoảng 10 năm trước, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 18 quy định các tổ chức và cá nhân tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận, chứng chỉ hành nghề. Nhưng thực tế những vụ việc xảy ra trong suốt thời gian qua lại cho thấy chứng chỉ hành nghề không nhiều giá trị. Còn nhớ có lần KTS Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn di tích) kể câu chuyện một học viên trong khóa bồi dưỡng cho người làm công tác phục dựng di tích đã vừa khóc vừa nói với ông rằng: “Học rồi em mới hiểu hóa ra từ trước đến nay mình toàn phá di tích mà không biết”.

Nói về chứng chỉ hành nghề trùng tu di tích, theo ông Vinh, đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Chứng chỉ hành nghề (học qua loa ít ngày) đơn giản chỉ là tờ giấy thông hành, hợp thức hoạt động trùng tu cho đúng luật, chứ không đảm bảo việc người được cấp chứng chỉ có đủ hiểu biết để không làm biến dạng, phá hỏng di tích.

Nước ta có rất nhiều di tích, đó là di sản tổ tiên để lại cho con cháu. Nhưng bảo tồn thế nào, phát huy ra sao lại là vấn đề khác. Nếu không “căn chỉnh” lại ngay thì càng lúc chúng ta sẽ càng mất mát thêm các giá trị cốt lõi của di sản vì sự thiếu hiểu biết, cho dù tấm lòng là đáng được ghi nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu hiểu biết, “giết” di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO