Thiếu trường học, chờ đến bao giờ?

M.DUY-H.NHÂN 06/11/2022 08:02

Trước tình trạng thiếu trường học trên địa bàn TP Hà Nội, mới đây Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Chính quyền TP Hà Nội sẽ quyết liệt lập kế hoạch nhằm khắc phục những tồn tại với những giải pháp cụ thể, khả thi, giải quyết hài hòa các lợi ích, nhất là quyền lợi của cộng đồng dân cư”. Bên hành lang quốc hội, các đại biểu cũng nhấn mạnh việc siết chặt khâu quản lý quy hoạch cũng như quá trình đầu tư xây dựng, điều chỉnh quy hoạch trong giải bài toán thiếu trường lớp tại Hà Nội.             

Một ô đất được quy hoạch làm trường học tại phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) bị bỏ hoang nhiều năm nay.

“Bỏ quên” trường học?

Những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở đã làm thay đổi diện mạo đô thị trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, văn minh. Mặt khác, theo quy chuẩn chung, mỗi phường có không quá 20.000 người, nhưng thực tế một số phường ở Hà Nội như: Định Công, Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai); Mai Dịch, Trung Hòa (quận Cầu Giấy); Minh Khai, Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm)… có dân số gấp từ 2 đến 4 lần. Do dự án đầu tư xây dựng chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án, nhất là việc xây dựng trường học. đã dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp học trên địa bàn, đặc biệt là ở địa bàn các khu đô thị mới, đồng thời dẫn đến quá tải cho các trường công lập khu vực lân cận.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2ha trở lên, trong đó có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật (chiếm 63%). Đặc biệt là thiếu hạ tầng xã hội như sân chơi, vườn hoa, trường học, bệnh viện trong khu đô thị đã kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Trong đó, thực trạng thiếu trường, lớp đã và đang xảy ra ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội. Người ta vẫn còn nhớ cảnh phụ huynh xếp hàng bốc thăm giành suất cho trẻ ở một trường mầm non tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai một ngày cận kề năm học mới 2022-2023. Với các cấp học, phụ huynh cũng chạy đôn đáo để lo được chỗ học cho con em. Năm nay, quận Hoàng Mai trở thành “điểm nóng” thiếu trường, lớp với hơn 79.600 học sinh khối trường mầm non, tiểu học và THCS công lập, tất cả lớp học ở quận Hoàng Mai có sĩ số vượt quy định, toàn quận thiếu 36 trường học. Trong khi trên địa bàn quận có 227 nhà chung cư cao tầng mới được xây dựng và 202 khu nhà chung cư cũ. Dân số quận Hoàng Mai đông nhất trong các quận, huyện tại Hà Nội với gần 538.000 người, mật độ gần 13.000 người/km2.

Không riêng quận Hoàng Mai, nhiều khu đô thị tại Hà Nội cũng đang có không ít khu đất bị bỏ hoang. Nhất là ở các quận lõi, các khu đất được quy hoạch để xây trường nhưng chủ đầu tư nhượng lại cho nhà đầu tư thứ cấp hoặc chậm triển khai gây quá tải cho các trường công lập được xây dựng trước đó. Tại huyện Thanh Oai nơi có khu đô thị Thanh Hà ước tính sẽ có khoảng 20 vạn dân sinh sống đã kiến nghị thu hồi 21 điểm trường công lập để địa phương đầu tư công. Còn quận Hà Đông có 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị thì đến nay mới có 8/22 dự án trường học hoàn thành và đưa vào sử dụng. Rồi Khu đô thị mới Phùng Khoang, khu nhà ở Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì, dự án chức năng đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); khu đô thị thành phố giao lưu, khu Ngoại giao đoàn, khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); khu chức năng đô thị Ao Sào (quận Hoàng Mai); khu nhà ở Vĩnh Hoàng (huyện Thanh Trì); khu đô thị Nam Cường (quận Hà Đông)... là những dự án vẫn còn các ô đất quy hoạch mà chủ đầu tư chưa xây trường học.

Có thể thấy, chủ đầu tư đã “bỏ quên” trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện hạ tầng xã hội, trong đó có trường học phục vụ khu dân cư đã trở thành “điệp khúc” được nhắc đi nhắc lại từ rất nhiều năm qua. Dù vậy, mỗi năm học đến, câu chuyện thiếu trường, thiếu lớp lại được mang ra “mổ xẻ”, người dân kiến nghị, rồi chính quyền họp bàn nêu giải pháp, nhưng rồi đâu lại vào đó và cuối cùng là những khu đất để xây trường vẫn “ngủ yên”. Đáng lưu ý, đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho thấy, một điểm bất cập là Hà Nội chưa ban hành quy trình bàn giao hạ tầng các khu đô thị, không có quy định về thời điểm bàn giao hạ tầng trong bối cảnh nhiều dự án đều vừa xây dựng, vừa đón dân về ở. Bên cạnh đó cũng không có quy định về điều kiện hạ tầng như thế nào mới được bàn giao nhà ở cho dân. Đó cũng là những rào cản dẫn đến tình trạng hàng loạt dự án chậm bàn giao hạ tầng như hiện nay.

Khu đất xây trường bỏ hoang tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp được quây tôn từ nhiều năm nay.

Cần giải pháp quyết liệt

Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về vấn đề thiếu trường, thiếu lớp mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thừa nhận có sự buông lỏng quản lý, giám sát đầu tư dự án của các sở, ngành trong thời gian qua. Đề cập tới các giải pháp cụ thể, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, đã chỉ đạo Sở GDĐT rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chỉ tiêu riêng về trường học cho quận Hoàng Mai và một số địa bàn có mật độ dân cư đông đúc. Phải điều chỉnh tỷ lệ trường công, trường tư và xem xét đề xuất Bộ GDĐT điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học. Đồng thời chính quyền TP Hà Nội sẽ quyết liệt lập kế hoạch nhằm khắc phục những tồn tại với những giải pháp cụ thể, khả thi, giải quyết hài hòa các lợi ích, nhất là quyền lợi của cộng đồng dân cư.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, thu hồi các lô đất dự án chậm triển khai để ưu tiên xây trường học, bệnh viện... Sở Tài nguyên và Môi trường đã cùng các quận, huyện vào cuộc, kết quả là rà soát được 130 dự án phải bàn giao với 314 lô đất, tổng diện tích 249ha.

Các quận, huyện có nhu cầu sử dụng các lô đất này để xây trường học cần báo cáo UBND thành phố để được bàn giao. Với các lô đất chưa bàn giao do chưa giải phóng mặt bằng và chưa xong hạ tầng kỹ thuật, trong thời gian tới, các địa phương phải đôn đốc chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chủ động đầu tư theo nguồn vốn ngân sách...

Đề cập tới giải pháp lâu dài, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ: Trong thể chế đã quy định, một khu đô thị phải đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội thì mới được khai thác sử dụng. Nếu chủ đầu tư xây dựng nhà trước để bán thu lợi nhuận trước và đưa ra các lý do chưa xây trường học thì không chỉ thu hồi mà còn phải xử phạt. Thực hiện nghiêm chế tài về quy hoạch và xây dựng để các chủ đầu tư khác thấy được trách nhiệm đối với xã hội. “Vừa rồi HĐND thành phố đã có cơ chế tổ chức các đoàn giám sát và rà soát lại, nếu quá thời hạn mà không thực hiện thì thành phố có quyền thu hồi để dùng vốn ngân sách xây hoặc giao cho chủ đầu tư khác xây dựng. Đây là giải pháp linh hoạt của Hà Nội đối với các khu đã xây dựng nhưng không thực hiện đúng quy hoạch”, ông Nghiêm nêu quan điểm.

Về tình trạng thiếu trường lớp tại Hà Nội, bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng: Không ít chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây nhà để bán, đầu tư khu vực thương mại sinh lợi nhuận, các công trình như trường học lại không được quan tâm dẫn đến tình trạng thiếu trường lớp tại các khu vực có nhiều chung cư, khu đô thị. Hay khi điều chỉnh quy hoạch, trước đây chỉ có 5 tòa chung cư, nhưng khi xây thêm 5 tòa khác, quy mô dân số tăng gấp đôi nhưng cũng không tăng thêm diện tích đất cho trường học, đương nhiên sẽ làm mất cân đối, thậm chí có những nơi khi điều chỉnh quy hoạch thì chuyển luôn cả trường học sang vị trí khác. “Để giải bài toán thiếu trường lớp tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội hiện nay, cần siết chặt khâu quản lý quy hoạch cũng như quá trình đầu tư xây dựng, điều chỉnh quy hoạch”, ông Cường đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: Thực hiện nghiêm chế tài về quy hoạch và xây dựng

Cần phải thanh tra toàn bộ đất dành cho giáo dục tại các khu đô thị khi mà nhiều khu đô thị ở Hà Nội đang “bỏ quên” trường học. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan thanh tra vào cuộc, xử lý rõ trách nhiệm của địa phương và các chủ đầu tư không hoàn thành trách nhiệm xây dựng hạ tầng xã hội nhưng đã bán nhà cho người dân. Việc giám sát và triển khai công tác quy hoạch ở các khu đô thị là quan trọng nhất với nội dung trọng tâm là giám sát quỹ đất dành cho trường học trong khu đô thị triển khai đến đâu. Nếu chủ đầu tư xây dựng nhà trước để bán thu lợi nhuận trước mà chưa xây trường học thì phải kiểm tra, nếu đã quá hạn rồi thì không chỉ thu hồi mà còn phải xử phạt. Thực hiện nghiêm chế tài về quy hoạch và xây dựng để các chủ đầu tư khác thấy được trách nhiệm của mình đối với xã hội.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định): Chủ đầu tư chú ý đến xây nhà để bán hơn các công trình xã hội

Hiện nay là các quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, tốc độ, tiến độ phát triển của các tòa chung cư và các thiết chế giáo dục, y tế chưa tương xứng, còn “độ vênh” nhất định gây thiếu hụt trường lớp tại nhiều khu vực. Thậm chí có trường hợp khi điều chỉnh quy hoạch, các công trình về giáo dục còn bị thay đổi về vị trí, hoặc bị “lấn ép” bởi những công trình khác. Tình trạng phụ huynh phải bốc thăm để giành suất học cho con tại trường mầm non công lập diễn ra trong thời gian qua là một sự cảnh báo mạnh mẽ đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc quản lý quy hoạch đô thị, công tác giám sát, việc thực hiện quy hoạch cũng cần có sự chỉ đạo thông nhất, đảm bảo đúng nguyên tắc trong kế hoạch được phê duyệt ban đầu.

Nguyên nhân khác dẫn đến bất cập, quá tải trường lớp tại các khu đô thị còn do sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch. Mỗi ngành đều có chiến lược phát triển riêng, song quá trình “khâu nối” kế hoạch các ngành để có một quy hoạch đồng bộ còn mang tính chắp nối, chưa phù hợp, dẫn đến “độ vênh” về tổ chức thực hiện. Ví dụ, như ngành giáo dục đang có nhu cầu về trường lớp ngay tại thời điểm này, nhưng quy hoạch khu vực đó lại chuẩn bị cho tương lai từ 3-5 năm tới, thì đương nhiên hiện tại sẽ không thể đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, trong việc xây dựng chung cư, nhà ở, nhiều chủ đầu tư vẫn chú ý đến việc xây nhà để bán hơn các công trình xã hội khác do sức hấp dẫn của lợi nhuận, còn các công trình về giáo dục, y tế lại có tâm lý “chưa xây, chưa làm cũng chưa chết”, dẫn đến tình trạng quy hoạch bị phá vỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu trường học, chờ đến bao giờ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO