Thiếu ý chí, sợ trách nhiệm

Nam Việt 11/11/2019 07:41

Chiều 8/11, trả lời chất vấn của các ĐBQH, về kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm.

Lưu ý việc cùng một thể chế và chính sách nhưng một số địa phương tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt trong khi nhiều địa phương khác lại chưa tốt; một số ngành, địa phương giải ngân tốt vốn đầu tư công, nhưng ngược lại nhiều nơi còn rất thấp, Thủ tướng nêu vấn đề: Tại sao cùng vướng mắc như nhau, có địa phương chủ động quyết liệt tháo gỡ để triển khai thành công, có địa phương lại chưa làm được? Câu trả lời chủ yếu nằm ở sự quyết tâm của mỗi chúng ta, ở việc nhận diện những khó khăn, thách thức và năng lực sáng tạo, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm - tinh thần ấy luôn được nêu ra, nhắc nhở, đôn đốc như một khẩu hiệu. Nhưng, trên thực tế, không phải nơi nào, cá nhân vị lãnh đạo nào cũng thực hiện, nếu không muốn nói là né tránh. Ai làm thì làm còn mình thì không. Không làm thì không sai, không bị truy cứu trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra. Nhắc lại, về công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ. Điều đó cũng có nghĩa là ai không làm, ngại làm vì sợ sai thì đứng sang một bên để người khác làm. Việc này cũng đúng trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, khi mà không ít cán bộ lười vận động, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai; nếu không muốn nói là sợ kỷ luật, sợ hầu tòa. Nhân đây, lại nhớ đến ý kiến của một vị lãnh đạo địa phương khi nói rằng, cán bộ bị xử lý nhiều quá khiến “anh em tâm tư”. “Tâm tư” ở đây là gì? Phải chăng từ đó dẫn đến chỗ “án binh bất động” chỉ cốt yên thân.

Mà như thế thì việc nước, việc dân làm sao thông đồng bén giọt cho được. Công bộc của dân mà lại thế sao.

Trước, nhiều người trong chúng ta hay nói đến sự tự thỏa mãn khi viện dẫn “bẫy thu nhập trung bình” như một định mệnh trong khúc quanh phát triển kinh tế. Ý là từ một nước nghèo, thu nhập bình quân thấp, sinh hoạt hàng ngày thiếu thốn…, nên khi khá hơn, trở thành nước thu nhập trung bình theo chuẩn chung của thế giới thì nhiều người thấy thế là đủ rồi; hoan hỉ với những gì mới có. Như thế là bằng lòng, tự thỏa mãn, dẫn tới triệt tiêu ý chí vươn lên. Tuy nhiên điều đó cũng chỉ là một trong những khía cạnh dẫn tới sự trì trệ. Quan trọng hơn và cũng bản chất hơn chính là không làm gì cả vì sợ trách nhiệm và thiếu ý chí vươn lên.

Tại Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công, ngày 26/9, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm nay giải ngân rất chậm, hết tháng 9 mới đạt hơn 192.130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao. Như vậy, nếu nguồn vốn khổng lồ đó “nằm yên trong két”, người có quyền và có trách nhiệm không chịu đưa nó vào hoạt động thì xã hội sẽ không được gì. Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 8 tháng năm 2019 của các bộ, ngành và địa phương thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, và chỉ có 5 bộ, ngành cùng 8 trong số 63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 70%. Ngay cả vốn đến từ trái phiếu Chính phủ cũng giải ngân quá chậm, có tỉnh tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 3,2%.

Không loại trừ khó khăn đến từ phân bổ kế hoạch, giải phóng mặt bằng… nhưng đã đến lúc cần một cái nhìn trực diện hơn: Đó là việc né tránh trách nhiệm, sợ sai của những người được giao quyền thực thi công vụ. Đây là nguy cơ lớn khiến công việc đình trệ. Với những người đó, họ có thể yên thân “hạ cánh an toàn” hoặc là chuyển sang một vị trí công tác khác ít phải đương đầu hơn (trong nhiều trường hợp là chuyển lên cao hơn) để lại bộn bề công việc cho người tiếp quản. Thế thì nói gì đến phẩm chất cán bộ, nói gì đến thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước mà họ luôn rao giảng.

Ý chí bị mài mòn tới mức trơn như đá cuội trong lòng suối; tinh thần dám chịu trách nhiệm bị gác sang một bên - suy cho cùng cũng là căn bệnh cá nhân chủ nghĩa chỉ nghĩ đến mình, chỉ lo cho bản thân khi lương tâm đã ngủ quên không một chút day dứt.

Không thể tồn tại sự “tiêu cực ngầm” như thế. Đã đến lúc trắng đen phải rõ ràng. Việc nước, việc dân phải được giao cho những người có ý chí, dám chịu trách nhiệm. Để kết lại bài viết này, xin được dẫn những câu thơ của Tố Hữu trong bài “Mùa thu mới”, viết năm 1958, in trong tập “Gió lộng” năm 1961:

Yêu biết mấy, những con người đi tới

Hai cánh tay như hai cánh bay lên

Ngực dám đón những phong ba dữ dội

Chân đạp bùn không sợ các loài sên!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu ý chí, sợ trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO