Thổ Nhĩ Kỳ 1 năm sau đảo chính: Những bí ẩn không lời giải

Khánh Duy 16/07/2017 08:00

Thứ Bảy đánh dấu tròn 1 năm cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, sự kiện đến nay vẫn gây ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của toàn thể người dân nước này, nhưng vẫn còn vô số bí ẩn chưa có lời giải đáp về những diễn biến và con người đứng sau âm mưu này.

Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ đứng trên một chiếc xe tăng trong đêm đảo chính, rạng sáng 16/7/2016. Nguồn: AFP.

Kể từ sau sự kiến đảo chính bất thành, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan càng nắm quyền lực sâu rộng hơn, cho phép ông áp đặt tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc mà đến nay vẫn có hiệu lực, sa thải khoảng 150.000 nhân viên chính phủ và bắt giữ 50.000 người liên quan tới vụ đảo chính. Nhưng trong lúc mà tầm ảnh hưởng của sự kiện đảo chính vẫn còn chưa chấm dứt, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về nội tình của sự kiện này.

Ai chủ mưu đảo chính?

Chính phủ Ankara cho rằng đứng đằng sau âm mưu đảo chính đã khiến hơn 240 người thiệt mạng- chính là Fethullah Gulen, một giáo sỹ Hồi giáo từng là một đồng minh của ông Erdogan, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ. Những người ủng hộ ông Gulen đã thâm nhập vào các thể chế nhà nước trong suốt nhiều thập kỷ qua để reo tầm ảnh hưởng.

Ankara đã đưa ra vô số bằng chứng cho rằng những người ủng hộ Gulen dính líu tới cuộc đảo chính. Ví dụ, 2 người trong số đó- Adil Oksuz và Kemal Batmaz đã bị bắt giữ tại khu vực gần một căn cứ quân sự nơi bị coi là “trụ sở” của cuộc đảo chính.

Hulusi Akar, tướng lĩnh quân đội bị bắt giữ bởi những kẻ âm mưu đảo chính, đã nói trong một lá thư viết tay rằng một vị tướng quân đội dính líu tới vụ đảo chính đã cho ông cơ hội được nói chuyện điện thoại với ông Gulen. Và một tù nhân đã tổ chức bắt giữ ông Akar vào buổi tối lúc diễn ra vụ đảo chính cũng thừa nhận rằng ông là một người ủng hộ Gulen.

Nhưng sau tất cả, người ta vẫn chưa rõ liệu chỉ có nhóm ủng hộ Gulen thực hiện đảo chính hay còn có bên nào khác. Một số người thuộc nhóm ủng hộ Gulen đã thừa nhận tham gia vào âm mưu đảo chính, nhưng lại bác bỏ mối liên hệ trực tiếp với ông Gulen.

Vào đêm xảy ra đảo chính, một số tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ công khai tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Erdogan, làm dấy lên sự ngờ vực rằng một trong số họ có thể đã ủng hộ âm mưu đảo chính này lúc đầu, nhưng sau đó thay đổi quyết định vào phút chót.

Cơ quan tình báo của Liên minh châu Âu (EU) sau đó tuyên bố rằng họ tin rằng những kẻ âm mưu đảo chính bao gồm hàng loạt những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thế tục cũng như nhóm ủng hộ Gulen. Giới chức cơ quan này cũng như cơ quan tình báo Đức đều tin rằng ông Gulen không đứng ra chỉ thị cuộc đảo chính này.

Những lời khai mâu thuẫn

Bản cáo trạng dành cho những kẻ chủ mưu đảo chính đưa ra một cách nhanh chóng đã cho thấy giới chức cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã được cảnh báo trước về âm mưu này, ít nhất là 6 giờ đồng hồ trước khi nó xảy ra vào đêm thứ Sáu, ngày 15/7/2016.

Được biết, trong bản cáo trạng này, một vị Đại tá quân đội chỉ được nêu tên viết tắt là “OK” ban đầu được những kẻ chủ mưu đảo chính chỉ định để tổ chức bắt cóc Giám đốc cơ quan tình báo nước này, ông Hakan Fidan.

Nhưng thay vì làm như chỉ thị của kẻ chủ mưu, vị Đại tá tên “O.K” này đã trình báo kế hoạch bắt cóc trên tới văn phòng của ông Fidan vào lúc 15h30 chiều 15/7, và văn phòng này sau đó báo tin cho ông Akar.

Trong một tuyên bố mà vị Đại tá nọ đưa ra, ông nói rằng âm mưu bắt cóc này có thể là một phần trong âm mưu lật đổ chính phủ.

Và kết quả là, một số nhà phân tích đã nhận thấy rằng phản ứng mà ông Fidan và ông Akar đưa ra khá rời rạc và chậm một cách khó hiểu. Trong tuyên bố viết tay gửi Quốc hội, ông Fidan nói rằng ông gọi điện cho văn phòng Tổng thống vào lúc 19h26 cùng ngày, và thậm chí đã không nói chuyện trực tiếp với Tổng thống hay giải thích chính xác điều gì đang xảy ra. Vào tối muộn hôm đó, tức lúc cuộc đảo chính sắp nổ ra, ông Fidan vẫn đón tiếp một lãnh đạo của phe nổi dậy Syria như thể không có gì phải lo lắng.

Tướng Akar cũng cho hay phải đến 18h30 cùng ngày ông mới ra chỉ thị cấm xuất kích lực lượng không quân, và cũng chỉ cấm đối với một số căn cứ nhất định. Ông còn khiến nhiều người bất ngờ khi phải mất vài tháng mới đưa ra lời trần tình trước Quốc hội về sự việc diễn ra, trong đó còn khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi hơn là nhận được câu trả lời.

Các tuyên bố của Tổng thống Erdogan cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về chuỗi sự kiện đảo chính. Trong một tuyên bố đăng tải trên website chính thức của Tổng thống, ông Erdogan nói rằng ông được cảnh báo lần đầu về các hoạt động quân sự bất thường là vào lúc 16h30 qua một người em rể. Sau đó ông cố gắng liên lạc với ông Fidan và Akar vào lúc 17h00 nhưng không gặp được ai trong số họ.

Sự lẫn lộn trong lời khai về diễn biến xảy ra trong vài giờ trước khi đảo chính nổ ra hồi tháng 7 năm ngoái đã làm dấy lên nhiều sự ngờ vực trong đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ rằng chính phủ có khả năng đã để cho cuộc đảo chính xảy ra, hoặc thậm chí khuyến khích nó, để có cớ thực hiện chiến dịch thanh trừng sâu rộng như hiện nay. Lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ- ông Kemal Kilicdaroglu từng mô tả điều xảy ra là một “cuộc đảo chính được điều khiển”.

Những diễn biến khó hiểu

Vào lúc đảo chính mới nổ ra, các binh sỹ đảo chính bắt đầu chặn nhiều tuyến đường và các cây cầu vào lúc 22h30 tối thứ Sáu, ngày 15/7/2016, thời điểm mà phần lớn người dân vẫn thức; điều trái ngược với một âm mưu cần có tính bất ngờ.

Một số nhà quan sát cho rằng cuộc đảo chính đáng lẽ ra phải được thực hiện vào lúc muộn hơn, khi người dân đã đi ngủ, hoặc có khả năng những kẻ chủ mưu đã biết rằng âm mưu đảo chính đã bị lộ nên cần đẩy nhanh tiến độ.

Một diễn biến khác cũng rất khó để lý giải. Đạo quân đảo chính đã tấn công kênh truyền hình nhà nước T.R.T ngay vào chập tối nhưng lại không gây ảnh hưởng gì tới các kênh truyền hình phát sóng trên cả nước.

Các kênh này vẫn phát sóng trực tiếp một số quan chức chính phủ trong suốt tối hôm đó. Và đáng lẽ ra phải tìm cách bắt giữ Tổng thống Erdogan, thì những kẻ chủ mưu dường như lại chỉ muốn bao vây các quan chức chính phủ khác.

Âm mưu bắt cóc ông Erdogan sau đó cũng đổ bể. Các binh sỹ đảo chính được cử đến bắt giữ ông phải mãi vài giờ sau khi đảo chính bắt đầu mới đến được nơi cần đến.

Trong một phiên tòa xét xử mới đây nhất, một trong số các binh sỹ này, Chuẩn tướng Gokhan Sonmezates, cho hay họ đã được chỉ thị chờ đợi, điều mà ông cũng thấy khó hiểu.

“Không hiểu ai đã ra chỉ thị sai lầm và để chúng tôi chờ đợi vài giờ như vậy?”- ông Sonmezates nói trong phiên tòa xét xử.

Các nước phương Tây biết trước?

Sau sự kiện đảo chính, rất nhiều chính phủ nước ngoài, đặc biệt là các nước đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là đưa ra phản ứng quá chậm trước sự kiện này, khiến nhiều người ngờ rằng họ đã được báo trước về sự kiện này.

Tuyên bố của ông Michael T. Flynn- vị Tướng Mỹ từng giữ chức cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Trump trong một thời gian ngắn, càng khiến người ta ngờ vực hơn.

Phát biểu sau khi cuộc đảo chính xảy ra, ông Flynn lúc bấy giờ nói rằng ông đã được báo tin về sự việc bởi một người bạn trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thể hiện sự ủng hộ. Nhưng sau đó ông lại thay đổi quan điểm và cáo buộc giáo sỹ Gulen chủ mưu vụ đảo chính, khiến nhiều người ngờ rằng ông đã biết trước về vụ đảo chính.

Bên cạnh đó, chính phủ Nga cũng nói rằng họ đã biết trước về kế hoạch đảo chính và đã cảnh báo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tờ The Hurriyet, ông Aleksanfr Dugin, một học giả Nga có quan hệ với Điện Kremlin, đã cảnh báo giới lập pháp và giới chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ về các hoạt động quân sự bất thường trước khi vụ đảo chính xảy ra.

Kẻ cầm đầu biến mất bí ẩn

Adil Oksuz, một giáo sư ngành thần học, là 1 trong 2 người thuộc nhóm ủng hộ Gulen đã bị bắt gần một căn cứ không quân ngay vào sáng sau đảo chính. Người này bị cáo buộc cầm đầu vụ đảo chính.

Nhưng chỉ 2 ngày sau khi bị bắt giữ, Oksuz được một vị thẩm phán- người mà sau đó được phát hiện cũng thuộc nhóm thân Gulen tuyên bố trả tự do. Ngay khi được trả tự do, Oksuz đã biến mất một cách bí ẩn mà đến nay vẫn không ai rõ đang ở đâu.

Một số hãng truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ từng cho rằng Mỹ đang che giấu Oksuz, dẫn một số báo cáo cho rằng các quan chức lãnh sự Mỹ từng cố gắng liên hệ với ông này vào ngày 21/7, tức 6 ngày sau cuộc đảo chính. Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ sau đó nói rằng họ chỉ cố gắng thông báo với người này rằng thị thực của ông tới Mỹ đã bị thu hồi theo đúng yêu cầu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thổ Nhĩ Kỳ 1 năm sau đảo chính: Những bí ẩn không lời giải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO