Thổ Nhĩ Kỳ quyết sửa Hiến pháp để kiểm soát quân đội sau đảo chính

Khánh Duy 31/07/2016 19:42

Cuối tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ cho hay họ sẽ đóng cửa các học viện quân sự và đặt toàn lực lượng vũ trang dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng trong một động thái nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ đối với quân đội sau sự kiện đảo chính bất thành.

Những thay đổi mà Tổng thống Erdogan hứa hẹn sẽ giúp ông kiểm soát chặt chẽ lực lượng vũ trang. (Nguồn: AFP).

Các thay đổi trên, một trong số này được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng sẽ đưa ra trong một buổi họp chính phủ sắp tới, được công bố sau khi hơn 1.700 quân nhân của nước này bị cho ra khỏi ngành trong tuần qua vì có liên quan tới cuộc đảo chính diễn ra đêm 15, rạng sáng 16/7.

Ông Erdogan, người đã thoát hiểm trong gang tấc ngay đêm đảo chính, đã nói với hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng hùng hậu thứ hai trong khối NATO, cần phải được “thay máu”. Được biết, chiến dịch này đến nay đã sa thải khoảng 40% số tướng lĩnh trong quân đội.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiếp tục cáo buộc giáo sỹ Fethullah Gulen đứng đằng sau kế hoạch đảo chính mà trong đó một phe phái của quân đội đã triển khai nhiều xe tăng, trực thăng, chiến đấu cơ để lật đổ chính phủ. Ông Erdogan cho hay, 237 người thiệt mạng và 2.100 người khác bị thương trong cuộc đảo chính này.

“Lực lượng vũ trang của chúng tôi sẽ mạnh mẽ hơn nhiều sau sắc lệnh mới mà chúng tôi đang chuẩn bị. Các tướng lĩnh quân đội sẽ báo cáo trực tiếp với Bộ Quốc phòng” - ông Erdotan nói trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần qua.

“Các học viện quân sự sẽ bị đóng cửa, và chúng tôi sẽ thành lập một Đại học Quốc phòng quốc gia” - ông Erdogan nói, thêm rằng ông muốn cơ quan tình báo quốc gia và Tổng tư lệnh quân đội làm việc trực tiếp với phía chính phủ, một động thái cần phải thay đổi Hiến pháp nước này và nhận được sự ủng hộ từ các đảng đối lập.

Cả Tổng tư lệnh và cơ quan tình báo quốc gia giờ sẽ phải làm việc trực tiếp với văn phòng Thủ tướng. Việc đặt các cơ quan này dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống sẽ phải phù hợp với việc thúc đẩy Hiến pháp mới. Ông Erdogan cũng cho hay tổng số người bị bắt giữ sau vụ đảo chính đã lên tới 10.137 người.

Cũng do sa thải quá nhiều nhân sự cùng lúc trong lực lượng vũ trang mà quân đội nước này đang bị “quá tải” và hứng chịu tình trạng bạo lực ở khu vực tập trung người Kurd ở Đông Nam nước này, và tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở biên giới chung với Syria.

Tổng thống Erdogan thậm chí còn cho hay ông có kế hoạch giảm số lượng dân quân trong cuộc chiến với các phiến quân người Kurd ở Đông Nam, và sẽ bù lấp chỗ trống bằng việc cung cấp cho họ thêm nhiều vũ khí hiện đại hơn.

Bất đồng với phương Tây

Cuộc thanh trừng kinh hoàng nhất trong lịch sử đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây nên mối bất hòa giữa chính phủ nước này và các nước phương Tây.

Tổng thống Erdogan nói rằng, việc các nước phương Tây lo lắng hơn cho số phận của những tù nhân đảo chính hơn là đứng về phía một thành viên NATO như họ là điều “đáng xấu hổ”, và chỉ trích giới lãnh đạo phương Tây vì không đến thăm Ankara sau đảo chính.

Trong một động thái bất ngờ hơn, ông Erdogan còn nói rằng ông sẽ bỏ qua mọi cáo buộc đối với những người từng bêu xấu ông, nói rằng là để thúc đẩy sự đoàn kết sau vụ đảo chính. Động thái này được cho là nhằm chấm dứt những lời chỉ trích của giới phê bình phương Tây nhằm vào ông thời gian qua liên quan tới chiến dịch thanh trừng.

Trong khi đó, giới lãnh đạo phương Tây cũng lo ngại rằng bất đồng của họ với ông Erdogan có thể khiến ông này đáp trả bằng cách chấm dứt một thỏa thuận lịch sử ký kết hồi tháng Ba vừa qua, nhằm ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt đổ tới châu Âu.

“Sự thành công của thỏa thuận này hiện nay rất dễ đổ vỡ. Tổng thống Erdogan đã vài lần hàm ý rằng ông ta sẽ hủy thỏa thuận” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Clade Juncker nói với tờ Kurier của Áo trong một bài phỏng vấn tuần trước.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bất mãn với chính quyền Washington sau khi ông Erdogan kêu gọi Mỹ dẫn độ giáo sỹ Gulen về nước, trong lúc đó Mỹ khẳng định rằng Ankara cần phải đưa ra chứng cứ cho thấy ông Gulen có liên quan tới vụ đảo chính bất thành trước.

Cuối tuần qua, 56 nhân viên làm việc tại Tòa án Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình chỉ do có liên quan tới đảo chính; hãng thông tấn Haberturk cho hay, thêm rằng trong số này có trên 20 phóng viên tòa án bị bắt giữ. Sau sự việc, hiện số người bị sa thải kể từ sau đảo chính đã tăng lên đến 66.000 người, trong đó 43.000 người thuộc ngành giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thổ Nhĩ Kỳ quyết sửa Hiến pháp để kiểm soát quân đội sau đảo chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO