Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trưng cầu quyết định vận mệnh tương lai

Khánh Duy 17/04/2017 08:00

Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm 16/4 đã bắt đầu tiến trình bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý nhằm mở rộng quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, và sẽ quyết định vận mệnh chính trị tương lai của đất nước này dù kết quả trưng cầu vẫn là điều cực kỳ khó đoán.

Người dân Thổ tham gia cuộc trưng cầu sửa đổi Hiến pháp quan trọng trong hôm 16/4. (Nguồn: Reuters).

Khoảng hơn 55,3 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ được coi là cử tri hợp lệ tham gia cuộc trưng cầu liên quan tới những thay đổi lớn đối với vai trò của Tổng thống mà nếu được thông qua, sẽ cho ông Erdogan thêm quyền lực hơn bất kỳ vị lãnh đạo nào ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ thời người sáng lập đất nước Mustafa Kemal Ataturk.

Các điểm bỏ phiếu đã mở cửa ở Diyarbakir và nhiều thành phố khác ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ từ lúc 11h00 sáng (giờ Việt Nam), trong khi quá trình bỏ phiếu ở các thành phố lớn như Istanbul và Ankara cùng các thành phố khác diễn ra sau đó khoảng 1 giờ đồng hồ.

Các lá phiếu thăm dò, luôn được theo dõi một cách hết sức thận trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ, trước đó đã đưa ra viễn cảnh rằng kết quả trưng cầu sẽ rất sát sao, dù một số thăm dò cho rằng những người nói “Có” với các thay đổi hệ thống chính trị sẽ đông hơn những người phản đối.

Trước đó, khi các bên tổ chức chiến dịch vận động đến giờ cuối cùng được cho phép trong hôm 15/4 để tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri chưa quyết định, Tổng thống Erdogan đã tự tin dự đoán rằng phía chiến dịch nói “Có” đã nắm chắc phần thắng trong tay. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi người dân không nên thờ ơ với cuộc trưng cầu, nói rằng “kết quả càng mạnh mẽ thì càng tốt”.

“Một kết quả nói “Có” trỗi dậy trong cuộc trưng cầu lần này với cách biệt lớn sẽ là một bài học đối với phương Tây” - ông Erdogan nói tại quận Sariyer của thành phố Istanbul, trong chiến dịch vận động cuối cùng trước ngày bỏ phiếu.

Điểm bước ngoặt

Với Hiến pháp hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia theo chế độ Nghị viện, trong đó quyền lực thực chất thuộc về Thủ tướng trong khi Tổng thống đóng vai trò thứ yếu. Đây là điều mà đương kim Tổng thống Erdogan muốn thay đổi, dù trên thực tế ông đã là chính trị gia nắm giữ quyền lực lớn nhất trong nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ hơn một thập kỷ qua.

Nếu Hiến pháp mới được thông qua, chức danh Thủ tướng sẽ bị xoá bỏ và Tổng thống khi đó sẽ được Hiến pháp trao quyền bổ nhiệm các Phó Tổng thổng và Bộ trưởng trong nội các. Tổng thống cũng được bổ nhiệm 12/15 thành viên của Toà Hiến pháp và 6/13 thành viên của Hội đồng thượng thẩm.

Sức đối trọng của Nghị viện khi đó sẽ bị hạn chế. Tổng thống có quyền ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp mà không cần sự đồng ý trước của Nghị viện. Ngoài ra, Tổng thống có thể điều hành toàn bộ quốc gia bằng các sắc lệnh song song với các luật do Nghị viện soạn thảo và ban hành. Trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, Tổng thống cũng chỉ có thể bị miễn nhiệm nếu có 3/5 số Nghị sĩ tán thành.

Hệ thống mới sẽ có hiệu lực sau kỳ bầu cử tháng 9-2019. Ông Erdogan, người đã nắm giữ chức vụ Tổng thống từ năm 2014 sau khi đóng vai trò Thủ tướng từ năm 2003, có thể tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ 5 năm mới.

Nó cũng đóng vai trò lớn hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên quan trọng của NATO, vốn đã theo đuổi con đường gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong suốt nửa thế kỷ qua. Ông Erdogan từng cảnh báo rằng trong trường hợp Hiến pháp mới được thông qua, ông sẽ ký bất kỳ dự luật nào được Quốc hội thông qua để áp dụng lại hình thức tử hình, một động thái sẽ tự động chấm dứt nỗ lực gia nhập EU của họ.

Phản ứng của phương Tây đối với kết quả trưng cầu này sẽ là đặc biệt quan trọng, sau khi Tổng thống Erdogan cáo buộc các đồng minh của họ đã thất bại trong việc thể hiện sự đoàn kết sau sự kiện đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-7 năm ngoái.

Trong lúc cuộc trưng cầu diễn ra, phe đối lập đã cho rằng sự kiện bỏ phiếu này đã được tổ chức một cách không công bằng, khi các biểu ngữ chiến dịch ủng hộ sửa đổi Hiến pháp tràn ngập trên đường phố trong khi tiếng nói của họ bị giới truyền thông trong nước bỏ qua. Cuộc bỏ phiếu cũng diễn ra trong khi tình trạng khẩn cấp đang được áp đặt, và 47.000 người bị bắt giữ trong cuộc thanh trừng quy mô lớn chưa từng có sau cuộc đảo chính.

Những người ủng hộ xem hệ thống chính trị mới như một bước hiện đại hóa quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng phe đối lập lại lo ngại rằng nó cho ông Erdogan quá nhiều quyền lực.

Phe chủ yếu phản đối sửa đổi Hiến pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ là đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP). Ngoài ra, một nhân tố đáng kể khác có thể ảnh hưởng tới kết quả trưng cầu chính là đảng Phát triển và Công lý (AKP).

Sau khi phải hứng chịu hàng loạt các vụ tấn công khủng bố hồi năm trước, thì vấn đề an ninh được hết sức chú trọng trong ngày diễn ra cuộc trưng cầu. Có trên 33.500 sỹ quan cảnh sát đã được triển khai chỉ tính riêng ở thành phố Istanbul trong hôm cuối tuần qua để đảm bảo quá tình bỏ phiếu diễn ra suôn sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trưng cầu quyết định vận mệnh tương lai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO