Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam

Minh Quân 16/03/2022 10:14

Ngày 15/3, du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa trở lại sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Đến cuối năm 2021 đã có trên 35% doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh. Cùng với đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Du khách quốc tế đến Việt Nam . Ảnh: Quang Vinh.

Đa dạng các hoạt động kích cầu

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông Live fully in Vietnam (Sống trọn vẹn ở Việt Nam), ngành Du lịch đã chuẩn bị tốt cho lộ trình phục hồi với hàng loạt các sự kiện kích cầu đã được triển khai rộng khắp. Đáng chú ý, vào ngày 22/3 tới đây, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và một số đơn vị sẽ tổ chức chương trình phát động mở lại du lịch Việt Nam.

Tại chương trình sẽ có buổi tọa đàm công bố phương án mở cửa lại hoạt động du lịch, công tác chuẩn bị phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế với những sản phẩm đa dạng, thích ứng trong bối cảnh “bình thường mới”; diễn ra lễ phát động “Mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn”, nhằm kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng các phương án, sản phẩm, hoạt động quảng bá để đón khách, nhanh chóng phục hồi thị trường…

Tại các địa phương, nhiều hoạt động kích cầu cũng đang được các doanh nghiệp lữ hành triển khai một cách rộng khắp. Ngày 19/3 tới đây, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Công ty lữ hành Hanoitourist đã cho ra mắt tour ngắm hoa gạo và một số hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng.

Theo ông Phùng Quang Thắng- Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, việc xây dựng tour ngắm hoa gạo tháng 3 đã được Công ty lữ hành Hanoitourist và Bảo tàng Lịch sử quốc gia ấp ủ từ lâu với mục đích tăng thêm sản phẩm du lịch mới, có tính đặc thù riêng cho Hà Nội.

Ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã lên kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện để quảng bá du lịch. Đáng chú ý trong số đó là chuỗi chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn” và “Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh” được thực hiện từ tháng 4. Lễ hội Ẩm thực Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức vào tháng 6. Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức vào tháng 9…

Tỉnh Quảng Nam cũng đang gấp rút chuẩn bị cho Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia (25/3), tỉnh Điện Biên vừa tổ chức khai mạc Lễ hội hoa ban (13/3), tỉnh Khánh Hòa lên kế hoạch tổ chức Liên hoan du lịch biển vào tháng 6...

Đặc biệt, tháng 5/2022 là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31), việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN, địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tương đối cao.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút khách

Nhận định thị trường du lịch trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, với những tín hiệu tốt từ thị trường du lịch nội địa và quốc tế, du lịch Việt Nam có thể sẽ sôi động trở lại vào mùa hè năm nay. Cũng theo ông Bình, chúng ta phải bắt đầu phải triển khai tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm. Nhà nước cũng phải triển khai chiến dịch xúc tiến một cách bài bản về điểm đến Việt Nam đối với du khách tại các quốc gia.

Ngoài ra cần tạo ra những “liên minh” về nghỉ dưỡng, hàng không, dịch vụ, lữ hành lớn mạnh, đáp ứng các chuyến bay nguyên chuyến, bay thương mại xuyên suốt quốc tế và nội địa, đưa du khách tới các điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam. “Mục tiêu trong năm 2022, Việt Nam đón từ 5 đến 6 triệu lượt khách quốc tế. Khách nội địa khoảng 60 triệu lượt” - ông Bình cho biết.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cũng cho rằng, thời gian qua Nhà nước đã ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ như giảm thuế, giảm tiền ký quỹ, trợ cấp cho hướng dẫn viên du lịch… Nhưng thời điểm này, điều doanh nghiệp cần nhất là Nhà nước hỗ trợ đơn vị trong công tác đào tạo, khôi phục nguồn nhân lực để lực lượng này kịp thời quay trở lại phục vụ du khách. Cụ thể, phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nghề, kỹ năng cho người lao động, đội ngũ quản lý của các đơn vị du lịch. Thực hiện các chương trình ưu đãi, gói tín dụng hỗ trợ đối với doanh nghiệp để hoạt động khôi phục kinh doanh, trả lương người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp.

“Hiện ngân sách cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam chỉ 2,9 triệu USD/năm, bằng 2,9% của Thái Lan và 2,5% của Singapore, nên Chính phủ cần tăng thêm ngân sách cho hoạt động này để Tổng cục Du lịch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút khách, đó là vấn đề rất cần thiết, phải làm ngay cùng với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế” - ông Thắng chia sẻ.

Ngày 15/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc miễn thị thực cho công dân các nước Đức, Pháp, Italia, Tây Ba Nha, Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ailen, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chính sách miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước trên được thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 15/3/2022 đến 14/3/2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO