Thời của dòng cổ phiếu đầu cơ

18/11/2021 10:29

Hai tháng qua, tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm đầu cơ, dù nhiều chuyên gia cho rằng đà tăng của nhóm này khó bền.

Thanh Tùng, 28 tuổi, là nhân viên tín dụng một ngân hàng tại Hà Nội. Dù học chuyên ngành kinh tế, Tùng không có kiến thức sâu về chứng khoán, ngoài những lý thuyết đại cương học từ năm hai đại học. Đầu năm nay, cũng như nhiều nhà đầu tư F0 khác, Tùng rút hết tiền tiết kiệm để bỏ vào chứng khoán với mục đích tìm kiếm kênh sinh lời cao hơn.

Mới bập bẹ tập chơi, Tùng chỉ tìm hiểu về những doanh nghiệp vốn hóa lớn trên sàn. Hỏi về cổ phiếu nửa năm trước, câu trả lời của cậu chỉ xoay quanh TCB, HPG, MSN hay MWG.

Tuy nhiên, hai tháng gần đây, danh mục của Tùng không còn bóng dáng một mã bluechip nào, thay vào đó là một loạt cổ phiếu dưới mệnh giá. Môi giới của Tùng nói rằng giờ muốn lãi cao, giai đoạn hiện nay chỉ có chơi "hàng nóng". Chỉ trong vài tuần đầu tư, mức sinh lời đã ngang với việc ôm các mã bluechip trong cả nửa năm.

Sự thay đổi của nhà đầu tư này cũng là một xu hướng trên thị trường trong vài tháng gần đây. Nửa đầu năm 2021, chi phối thị trường chứng khoán là nhóm vốn hóa lớn (bluechip), với sự bứt phá của các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép. Nhờ tỷ trọng cao trong tổng vốn hóa, nhóm này giúp VN-Index liên tục phá đỉnh. Tuy nhiên, những tháng gần đây, dòng tiền chuyển sang nhóm đầu cơ.

Trong ba tháng gần nhất, sàn HoSE, HNX và thị trường UPCoM ghi nhận gần 200 mã có mức tăng trên 100%, trong đó 161 mã có xuất phát điểm dưới mệnh giá. 6/10 mã tăng mạnh nhất thị trường, với biên độ tăng 3-14 lần, có mức giá cách đây ba tháng cũng chỉ vài nghìn đồng, chủ yếu giao dịch trên HNX và UPCoM.

Đơn cử nhóm liên quan đến Tổng công ty Sông Đà, như SDJ, SD1, SD3, SD6, SD7, SD9... đều tăng với biên độ ba chữ số những tháng gần đây. Một số cái tên khác như PVL, SJF, khởi điểm chỉ quanh vùng 3.000-4.000 đồng cách đây ba tháng, đến nay đều vượt 15.000 đồng. Nhiều doanh nghiệp trong diện bị cảnh báo, chỉ được giao dịch phiên thứ 6 hàng tuần như PVX, SGO cũng đứng trong danh sách những mã tăng tốt nhất.

Không chỉ nhóm penny, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm mid-cap, đặc biệt là bất động sản, xây dựng, cũng trở thành hiện tượng. Trên các diễn đàn, những cái tên như HBC, CEO, CII, SCR được nhắc tới liên tục với sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.

Đầu tư vào các mã "hàng nóng" có thể mang lại lợi nhuận cao, nhưng cũng dễ bốc hơi nếu đảo chiều. Ảnh: Quỳnh Trần.

"Một lý do thôi, là tiền đổ vào thị trường quá nhiều", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta nói với VnExpress.

Trong khi nhóm bluechip đã dẫn dắt thị trường từ đầu năm, với mức định giá không còn quá hấp dẫn, nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận sẽ hướng nhà đầu tư đến những nhóm chưa tăng, như bất động sản, xây dựng.

Điểm rơi về lợi nhuận của nhóm này thường vào hai quý cuối năm. Quý vừa qua, nhiều doanh nghiệp nhóm này thua lỗ, tồn kho tăng cao, thanh khoản gặp khó, nhưng nhà đầu tư đang đánh giá cơ hội dựa trên kỳ vọng rằng quý III đã là đáy và quý IV sẽ có sự bứt phá mạnh.

"Nhà đầu tư đang đánh cược vào nhóm này, nhưng đa phần là dựa trên sự kỳ vọng", ông Minh nhận xét.

Bà Lê Thu Hằng, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán FPT (FPTS) cũng đánh giá, việc dòng tiền chuyển hướng hiện nay một phần do lượng nhà đầu tư mới tăng đột biến. Lượng lớn những nhà đầu tư F0 tìm tới chứng khoán do kỳ vọng sẽ đạt được tỷ suất lợi nhuận cao trong ngắn hạn, hấp dẫn bởi việc quan sát những người đi trước. Với lượng vốn ban đầu không cao, khẩu vị chấp nhận rủi ro của họ lớn hơn và muốn tìm những mã có khả năng sinh lời nhanh.

"Nhiều nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường do bị hấp dẫn bởi những nhà đầu tư đi trước 'khoe lãi'. Bởi thế, họ muốn làm những điều tương tự trong ngắn hạn", Thu Hằng nhận xét.

Ngoài ra, một lý do khác là trông chờ vào các "game" tăng vốn. Việc tiếp cận nguồn vốn vay với những doanh nghiệp bất động sản hiện nay là điều không dễ, giải pháp khả dĩ nhất là tăng vốn cổ phần. Giai đoạn hiện tại, theo ông Minh, giống với thị trường chứng khoán những năm 2015 khi doanh nghiệp càng tăng vốn mạnh, thì càng được chú ý, dòng tiền càng đổ vào nhiều. Tâm lý chờ đợi sẽ có "sóng" khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận cuộc chơi với mức độ rủi ro cao.

Tuy nhiên, khi được hỏi về đánh giá của xu hướng dịch chuyển này, các chuyên gia cùng chung quan điểm rằng "sẽ không bền vững". Bởi việc cổ phiếu có duy trì được mặt bằng giá hiện tại hay không sẽ phụ thuộc vào nội tại doanh nghiệp có "xứng đáng" với mức giá đó.

"Xu hướng có bền hay không sẽ xoay quanh câu chuyện yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Những mã được chú ý bởi dòng tiền đầu cơ vừa qua có thể mang tính chất nhất thời khi nội tại doanh nghiệp không có sự chuyển biến", ông Minh nói. Những mã vốn hóa lớn gần đây đi ngang, nhưng sẽ hút dòng tiền trở lại khi "sóng đầu cơ" kết thúc.

Ngoài ra, một rủi ro hiện nay là khả năng điều chỉnh của thị trường khi quy mô cho vay ký quỹ (margin) đang "căng". Theo chuyên gia từ Yuanta, tốc độ tăng quy mô margin từ năm 2014 đến nay đã vượt trội so với giá trị vốn hóa. Tỷ lệ margin trên vốn hóa toàn thị trường đã lên khoảng 2,75%, kỷ lục từ trước đến nay, trong khi các thị trường cùng phân khúc như Việt Nam chỉ trong khoảng 2,1-2,5%.

Xét về dài hạn, dư địa cho việc nới quy mô margin vẫn còn. Mức độ cho vay căn cứ theo quy mô vốn điều lệ của các công ty chứng khoán và trong tương lai, việc tăng vốn của các thành viên thị trường vẫn được tiếp tục. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, áp lực "căng margin" sẽ xuất hiện.

Ông Minh dự báo thị trường có thể có nhịp điều chỉnh mạnh để cơ cấu lại dòng tiền. Khi đó, các nhóm cổ phiếu đầu cơ, vốn chỉ hấp dẫn bởi khả năng sinh lời cao, sẽ là mục tiêu bị bán đầu tiên. Sau đó, dòng tiền có thể trở lại bluechip để tìm điểm cân bằng.

Phiên hôm qua (16/11), một loạt các mã "hàng nóng" trong danh mục của Tùng đỏ lửa, nhiều mã giảm gần kịch biên độ. Nhìn mức lợi nhuận bốc hơi trong chớp mắt, Tùng không khỏi bồn chồn. Tuy nhiên, môi giới của cậu trấn an rằng, nhóm này sẽ sớm quay lại đường đua. Tùng quyết định không bán ngay trong phiên giảm mạnh, nhưng nói rằng sẽ nhanh chóng "xuống tàu" nếu các mã này phục hồi.

"Đầu tư những mã này giống đi tàu lượn, có lẽ mình phù hợp hơn với dòng ăn chắc, mặc bền", Tùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời của dòng cổ phiếu đầu cơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO