Thổi hồn vào đá

TRẦN DUY HƯNG 12/10/2022 20:10

Công việc của những người thợ đá ở Ninh Vân (Hoa Lư - Ninh Bình) xưa cũng như nay đều rất vất vả, cực nhọc, về cả “cơ bắp” lẫn trong tư duy sáng tạo. Đúng như ai đó đã mô tả về họ: “Đục và búa/ Chát chúa/ Đập nát chính mình/ Tạc tâm linh/ Hình hài nghệ sĩ/ Lao động như nô lệ/ Sáng tạo như thượng đế…”

Lăng Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy (Nam Định), một trong những công trình do thợ đá Ninh Vân chế tác, tạo dựng.

Không ngạc nhiên khi người dân xã Ninh Vân chọn nghề chế tác đá làm kế mưu sinh. Theo lẽ thường, đất nào nghề đó. Sống gần biển thì đánh cá, ra khơi vào lộng; sống ở rừng thì trồng cây, “kéo cưa lừa xẻ”. Và, sống ở một vùng như cố đô Hoa Lư - nơi được mệnh danh là “kinh đô đá”, núi non trùng điệp, đá nhiều hơn đất thì việc người dân xã Ninh Vân chọn nghề chế tác đá để mưu sinh là điều rất dễ hiểu.

Lần giở lại những trang ghi chép cũ mới hay, nghề chế tác đá ở Ninh Vân đã manh nha hình thành ở vùng đất cố đô từ những thế kỷ thứ 9, thứ 10. Theo đó, dưới thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, người Ninh Vân đã tham gia làm những công trình tường thành và những công trình kiến trúc bằng đá nổi tiếng ở cố đô Hoa Lư. Trong đó có cột kinh phật bằng đá, có tên là Nhất Trụ, đặt trong chùa Một Cột, nằm ở phía đông thành Hoa Lư.

Dấu tích để lại cho biết công trình do đích thân vua Lê Đại Hành chỉ đạo tạo tác. Cột cao 4,16m, hình bát giác, trên mỗi mặt đều có những bài kinh phật được khắc bằng chữ Hán… cho thấy sự tài hoa của những thợ đá Ninh Vân ở cái thời đến đánh giặc vua tôi khi ấy cũng chỉ có bông lau làm cờ, gậy tầm vông làm vũ khí. Không chỉ có vậy, trên khắp vùng cố đô Hoa Lư ngày nay không khó để tìm kiếm, bắt gặp những công trình kiến trúc cổ, những vật dụng bằng đá như cối đá, bàn ghế, lư hương… do các thế hệ người thợ Ninh Vân xưa tạo dựng, chế tác.

Tại các thôn làng của xã Ninh Vân ngày nay vẫn còn nguyên những công trình kiến trúc cổ bằng đá như vậy, như đình làng Hệ, đình làng Xuân Vũ. Riêng cặp rồng đá tại đền thờ Thần hoàng làng Xuân Vũ đã có niên đại cách đây hơn 700 năm. Rồi nữa, thế hệ ngày nay vẫn có thể xem, đọc hơn 40 bài thơ cổ (bằng chữ Hán, chữ Nôm), gắn liền với những sự kiện lịch sử ở cố đô Hoa Lư của các tác giả Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Lê Hiển Tông, Tự Đức, Thiệu Trị, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi..., được khắc khắc trên núi đá chùa Non Nước, bên sông Vân là nhờ tiền nhân người Ninh Vân ngày nay kỳ công chạm khắc bằng tâm huyết, tài hoa của mình.

Linh vật là một trong những sản phẩm chế tác chủ lực của thợ đá Ninh Vân.

Ấy là thời xa xưa, ở thời cận đại, “cấp độ” tài hoa của thợ đá Ninh Vân được nâng lên ở mức đỉnh cao khi là những người đã tham gia thi công nhiều công trình kiến trúc bằng đá đồ sộ về quy mô, tinh xảo về kỹ thuật, mỹ thuật, cho đến nay chưa có một phường thợ nào trong nước có thể vượt qua. Một trong những công trình đó chính là quần thể công trình nhà Nhà thờ đá Phát Diệm, ở ngay Ninh Bình. Như đã biết, công trình này được xây dựng trên diện tích 22 héc ta, khởi công năm 1892, sau 30 năm mới hoàn thành. Đây là công trình nhà thờ Công giáo nhưng được thiết kế kết hợp giữa kiến trúc đình chùa của phương Đông và lối kiến trúc Gothic của phương Tây.

Vật liệu thi công chính chỉ là đá và gỗ, việc thi công do vậy khó, cầu kỳ hơn rất nhiều những công trình nhà thờ có gác chuông cao, thẳng đứng như thường thấy. Vậy nhưng, những người thợ đá Ninh Vân đã rất thành công, góp sức để lại chp đời một công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc. Dù được làm bằng đá nhưng nhìn ngắm công trình không hề thấy sự nặng nề mà chỉ thấy vẻ mềm mại, uyển chuyển, vững chãi trước thời gian.

Tương tự, ai đã đến Lăng vua Khải Định nổi tiếng ở cố đô Huế không thể không trầm trồ trước quy mô, sự độc đáo, cầu kỳ của công trình có sự kết hợp của nhiều trường phái kiến trúc (Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique) này. Không ai khác, chính những phường thợ đến từ Ninh Vân là một trong những phường thợ đã góp sức làm nên công trình, kéo dài trong suốt 11 năm.

Thực tế cho thấy không phải cứ nghề nào có từ xa xưa thì sẽ mãi trường tồn, phát triển. Không ít ngành nghề hình thành từ rất sớm, từng phát triển, thịnh vượng nhưng theo thời gian, biến đổi của thời cuộc đã mai một, mất hẳn. Nghề chế tác đá ở Ninh Vân không gặp cảnh như vậy. Trái lại, càng về sau càng phát triển về quy mô, năng lực chế tác.

Công việc của những người thợ chế tác đá rất vất vả và đòi hỏi nhiều tính sáng tạo.

Ở thời hiện đại, thợ chế tác đá Ninh Vân tiếp tục ghi dấu ấn tài năng của mình ở nhiều công trình bề thế ở trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến cụm tượng đài ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, tượng đài Thanh niên xung phong ở Quảng Trị, tượng đài Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng Trần Hưng Đạo ở Hải Dương, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An; tượng đài Liên minh đoàn kết Việt Nam-Campuchia trong Hoàng cung Campuchia...

Thợ chế tác đá Ninh Vân cũng chính là những người đã tạo tác ra 500 bức tượng La Hán bằng đá đang đặt ở hành lang chùa Bái Đính (Ninh Bình). Điều đặc biệt ở tác phẩm có một không hai này là 500 bức tượng là 500 kích cỡ, dáng vẻ và biểu cảm trên gương mặt khác nhau. Thật quá sức tưởng tượng về công sức, trí tuệ và sự tài hoa của những người thợ!

Ở thời điểm hiện tại, về xã nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân nức tiếng, chúng tôi như lạc vào một đại công trường chế tác đá. Đá nguyên liệu nằm chất đống, ngổn ngang ở khắp nơi. Bên những phiến đá to nhỏ đủ loại những thợ đá mặt bịt kín, miệt mài tay cưa tay đục. Tiếng máy khoan, máy xẻ, máy cạo khi rin rít, khi kèn kẹt vang lên khắp làng trên xóm dưới. Toàn xã có 12 thôn thì có đến 10 thôn người dân hành nghề chế tác đá; có vài chục cơ sở sản xuất theo quy mô doanh nghiệp, mấy trăm cơ sở sản xuất theo quy mô tổ hợp.

Tính cả người địa phương và nơi khác đến thì ở Ninh Vân hiện có khoảng 4.000 lao động đang hành nghề chế tác đá. Với tầm nhìn xa, ngoài kiến thức, kinh nghiệm thừa hưởng từ cha ông, nhiều người trong số thế hệ trẻ ở Ninh Vân ngày nay lựa chọn, theo học các ngành kiến trúc, điêu khắc một cách bài bản, sau đó trở về quê hoặc đi khắp mọi miền thi thố tài năng.

Tại đây, chính quyền cho thành lập hẳn một Cụm công nghiệp, rộng 30 héc ta để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề chế tác đá. Nhìn những thành phẩm được trưng bày ở đây thì thấy sản phẩm của xã nghề chủ yếu để phục vụ đời sống tâm linh, như: am đá, lư đá, đỉnh đá, hoành phi đá, bình phong, trụ, cột đình chùa, miếu mạo; các loại linh vật như rồng đá, sư tử đá, nghê, tỳ hưu, chó đá… với nhiều hình thù, dáng vẻ.

Trò chuyện với một số chủ cơ sở sản xuất, thợ làm nghề ở đây, chúng tôi được biết, cách nay mấy năm các phường thợ ở Ninh Vân có chút “lao xao” khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra khuyến cáo các cơ sở thờ tự, công sở “không trưng bày, không sử dụng, cung tiến những biểu tượng, sản phẩm, linh vật, vật phẩm lạ”.

Nói “lao xao” bởi khi đó linh vật bằng đá là một trong những “dòng” sản phẩm chủ lực của xã nghề. Khi được khuyến cáo hạn chế đồng nghĩa với việc đầu ra của sản phẩm của xã nghề gặp khó khăn. Tuy nhiên chuyện đó qua rất nhanh với những người thợ. Như chia sẻ của họ, từ lâu các cơ sở ở đây đã phát triển theo hướng chế tác đa sản phẩm chứ không chỉ chuyên chế tác linh vật. Để rồi sau đó, thợ đá ở Ninh Vân lại tiếp tục cần mẫn gọt mài bên những phiến đá, như đã thế từ nhiều thế kỷ qua…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thổi hồn vào đá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO