Thời kỳ chuyển mình của nước Mỹ

Phan Quang Vũ 24/01/2021 07:06

Ngay trong ngày đầu tiên chính thức trở thành Tổng thống nước Mỹ, ông Joe Biden đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp, trong đó có quyết định đưa Mỹ quay lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Lập tức, việc này nhận được sự hoan nghênh của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres. Người phát ngôn  của WHO, ông Stephane Dujarri, cho biết Tổng Thư ký LHQ, hiện là thời điểm phải thống nhất và cộng đồng quốc tế phải cùng hợp tác trong khối đoàn kết nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đây không phải là sắc lệnh hành pháp duy nhất mà ông Joe Biden “đã ký ngay lập tức”, theo CNN.

Tổng thống Joe Biden cùng Đệ nhất phu nhân Jill Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cùng Đệ nhị phu quân Doug Emhoff.

Những gì đang chờ ông Joe Biden

Giới quan sát cho rằng, việc Tổng thống mới của nước Mỹ, ông Joe Biden sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề “là lẽ đương nhiên” vì thế giới đã bị xáo trộn bởi đại dịch Covid-19 cũng như những khủng hoảng trong lòng xã hội nước Mỹ đã diễn ra trong một thời gian dài.

Theo tờ Mirror (Anh), trước hết, ông Biden cần nhanh chóng xử lý đại dịch Covid-19 mà tới nay đã khiến hơn 400.000 người Mỹ thiệt mạng. Mà muốn thế thì ông Biden phải thuyết phục Quốc hội thông qua gói giải cứu 1.900 tỷ USD càng nhanh càng tốt.

Số tiền này gồm 20 tỷ USD dành cho chương trình tiêm chủng quốc gia và ông Biden đã cam kết thực hiện kế hoạch tiêm 100 triệu liều vaccine Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên làm Tổng thống.

Ông Biden cũng không thể chần chừ thực hiện lời hứa của mình vào tháng 10/2020 khi nói rằng “là Tổng thống, tôi sẽ làm việc với các bạn để xóa bỏ lòng hận thù khỏi xã hội của chúng tôi để tôn trọng đóng góp của các bạn và mong muốn các bạn đóng góp ý tưởng”.

Điều đó cũng chính là chính sách nhập cư, trong đó nổi lên hơn cả là đối với người đến từ các quốc gia Hồi giáo, Trung Mỹ. Nếu như có luật nhập cư mới thì sẽ mở ra con đường quyền công dân cho khoảng 11 triệu người đang ở Mỹ mà không có giấy tờ hợp pháp.

Bằng chữ ký “còn tươi roi rói”, ông Biden cũng chính thức đưa nước Mỹ gia nhập lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, có nghĩa là nước Mỹ sẽ chi nhiều hơn cho việc cùng nhân loại bảo vệ môi trường, điều đã và vẫn đang nhận được dư luận trái chiều trong lòng nước Mỹ.

Brian Deese, người được ông Biden chỉ định làm Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia, cho biết nếu Mỹ chỉ gia nhập lại Thỏa thuận Paris là không đủ, vì nhân loại đang trên con đường tiến tới nền kinh tế ít carbon.

Kiểm soát súng đạn cũng là vấn đề làm nhiều đời Tổng thống Mỹ đau đầu. Tới đây, ông Biden cũng sẽ phải đưa ra được các biện pháp đối với vũ khí tấn công, thắt chặt kiểm tra lý lịch người mua súng, kiểm soát tàng trữ vũ khí và đặc biệt chấm dứt việc bán vũ khí trên mạng. Nhưng, cũng cần biết rằng các lực lượng vận động hành lang cho súng đạn đặc biệt mạnh ở Mỹ, vì rằng đây là mối lợi khổng lồ.

Đáng chú ý, ngay trong ngày ông Joe Biden nhậm chức thì Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lập tức hối thúc chính quyền mới của Mỹ quay lại Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Thỏa thuận này đã chấm dứt vào năm 2018 với quyết định của ông Donald Trump.

Trong lễ nhậm chức tại Đồi Capitol, ông Joe Biden nói: “Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí Tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ”. Nói như một ký giả theo dõi chính trường Mỹ trên Reuter thì “đó là lời hứa nặng nề vì còn quá nhiều việc đang đợi ông Biden ở ngay trước mặt”. Mà trong đó, nhiệm vụ được coi là khó khăn nhất là “hàn gắn nước Mỹ”.

Người ta nói rằng, thiệt hại mà đại dịch Covid-19 để lại cho người dân Mỹ sẽ kéo dài nhiều năm, thậm chí là thập kỷ. Con số hơn 10 triệu người thất nghiệp được cho là nguyên nhân chính dẫn đến những cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng trăm nghìn người, dẫn đến sự chia rẽ xã hội sâu sắc, mà đỉnh cao là việc hàng nghìn người tràn vào Tòa nhà Quốc hội (ngày 9/1) là việc chưa bao giờ xảy ra.

Nếu như ông Biden từng nói sẽ “chữa lành vết thương” cho nước Mỹ, song để đạt được điều đó thì không chỉ là việc khởi đầu mà là một tiến trình rất lâu dài.

Trong một phóng sự truyền hình The Newsroom (Mỹ), phát thanh viên Will McAvoy nhận định rằng nước Mỹ có thể làm được nhiều điều phi thường bởi “chúng ta đã được báo trước, bởi những con người vĩ đại, đáng kính”. Tuy nhiên, ngay sau đó là câu hỏi: Liệu ông Joe Biden có phải là con người ấy? Câu trả lời là “niềm hy vọng không bao giờ bị dập tắt”.

Nữ “phó tướng” ấn tượng - “người phá vỡ các rào cản”

Truyền thông thế giới cho rằng, trong nhiều “cặp đôi” Tổng thống - Phó Tổng thống của nước Mỹ thì lần này bà Kamala Harris là “phó tướng” ấn tượng nhất.

Tại Đồi Capitol, trưa ngày 20/10 (giờ địa phương), bà Kamala Harris đã tuyên thệ nhậm chức trước Thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor, trở thành tân Phó Tổng thống Mỹ. “Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Mỹ chống lại tất cả mọi kẻ thù, bên ngoài và trong nước. Tôi sẽ giữ vững lòng tin và trung thành, tôi nhận bổn phận này một cách tự nguyện, không hề đắn đo hay có ý tránh né và rằng tôi sẽ hoàn thành tốt và trung thực các bổn phận của vị trí tôi đảm nhiệm”.

Trước đó một ngày, phát biểu trước người ủng hộ tại Chase Center (thành phố Wilmington, bang Delaware), bà Harris khẳng định rằng nước Mỹ đã “mở ra một ngày mới” với một thông điệp “hy vọng và đoàn kết; khoa học và sự thật”.

Giới quan sát cho rằng, bà Harris sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong Nhà Trắng, chứ không phải chỉ là “hình bóng của Tổng thống” trên chính trường. Điều đó là có cơ sở khi người ta nhìn lại quá trình hoạt động của bà Harris, cũng như những phát ngôn ấn tượng và phong thái đĩnh đạc của bà trong suốt chiến dịch tranh cử.

Còn nhớ, ngày 3/12/2020, trong cương vị Phó Tổng thống đắc cử, bà Kamala Harris đã công bố danh sách lựa chọn các phụ tá cho mình ở Nhà Trắng. Điều đó cho thấy thái độ rõ ràng, quyết đoán và tính cách mạnh mẽ của một vị lãnh đạo nữ.

Theo đó, bà Tina Flournoy, một phụ tá của cựu Tổng thống Bill Clinton, được lựa chọn làm Chánh Văn phòng của bà Harris; ông Rohini Kosoglu - cố vấn cấp cao trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của liên danh Biden-Harris, sẽ đảm nhiệm cương vị cố vấn chính sách đối nội; trong khi bà Nancy McEldowney - một nhà ngoại giao kỳ cựu - sẽ là cố vấn về an ninh.

Việc bà Kamala Harris trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên của Mỹ và là người Mỹ gốc Phi, gốc Á đầu tiên đảm nhiệm cương vị này đã thực sự truyền cảm hứng cho nước Mỹ. Cha của bà là người gốc Jamaica, còn mẹ là một phụ nữ gốc Ấn. Đài CNN đã đặt cho bà Harris một danh xưng đầy kiêu hãnh: “Người phá vỡ các rào cản”.

“Có cảm giác như những cô gái da đen như em có thể tranh cử chức lớp trưởng, những cô gái da đen như em có thể tham gia những điều lớn lao trong đời như cô ấy” - CNN dẫn lời Paris Bond, một nữ sinh da màu 14 tuổi. Còn bà Elinor Earl, 77 tuổi, không giấu được sự xúc động khi nói rằng “tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ thấy một phụ nữ da màu như mình vượt lên trên hàng ngũ lãnh đạo như Harris. Thật tuyệt vời vì cô ấy vẫn còn trẻ. Coi như cả đời này tôi không còn gì để tiếc nuối nữa sau khi được thấy cô ấy”.

Cũng cần nhắc lại, trước khi là nữ Phó Tổng thống dầu tiên của nước Mỹ, thì bà Harris là Chưởng lý đầu tiên của hạt San Francisco là người da màu, Tổng chưởng lý đầu tiên của bang California là người da màu.

Một chi tiết thú vị nữa là với việc trở thành nữ Phó Tổng thống thì bà Harris cũng đã “giúp” chồng, ông Douglas Emhoff, trở thành “đệ nhị phu quân” đầu tiên của nước Mỹ.

Ở tuổi 57, bà Harris chứng tỏ mình đầy sung sức. Trả lời một câu hỏi trong trương trình “60 phút” của Đài CBS, ông Biden không ngần ngại nói rằng: Nếu một ngày nào đó bà Harris lên thay mình ngay trong nhiệm kỳ Tổng thống, thì đó cũng không phải là điều gì đó quá khó hiểu. Ông Biden nêu ra 5 lý do ông tin bà Harris sẵn sàng cho vị trí đó.

Bà Kamala Harris lớn lên ở California (Mỹ) nhưng thường xuyên đến Ấn Độ để thăm đại gia đình. Năm 12 tuổi, bà và em gái cùng mẹ chuyển đến Montréal của Canada, nơi người da trắng chiếm đa số. Để nuôi dạy hai con nên người, mẹ của Harris, bà Shyamala Gopalan làm song song hai việc: vừa giảng dạy tại Đại học McGill vừa nghiên cứu bệnh ung thư tại một bệnh viện của người Do Thái.

“Mẹ đã nuôi nấng chị em tôi. Bà ấy rất cứng rắn và dù chỉ cao 1,5 m. Nhưng nếu bạn có gặp bà ấy, bạn chắc chắn sẽ nghĩ bà ấy cao tới 3 m” - bà Harris nói một cách đầy tự hào và cảm mến về người mẹ quá cố, người đã qua đời vào năm 2009.

Trở thành Phó Tổng thống nước Mỹ, bà Kamala Harris sẽ được hưởng những đặc quyền riêng. Trong đó có mức lương hậu hĩnh cùng chi phí sinh hoạt. Trong khi lương của Tổng thống Mỹ được giới hạn ở mức 400.000 USD/năm, thì lương của Phó Tổng thống lại linh hoạt hơn, do không được đề cập trong Hiến pháp. Có thể lấy ví dụ trường hợp ông Mike Pence (Phó Tổng thống trước bà Harris) với mức lương 235.100 USD/năm. Tiếp đó, Phó Tổng thống Mỹ sẽ sống tại Number One Observatory Circle - một dinh thự rộng 2.789 mét vuông, xây dựng từ năm 1893, gần Nhà Trắng.

Bà Harris cũng sẽ được sử dụng chuyên cơ Không lực 2 (Boeing 757) và được sử dụng cả máy bay quân sự trong các chuyến đi lại chính thức, chi phí do chính phủ chi trả. Phó Tổng thống cũng có quyền sử dụng xe bọc thép, xe Limousine có khả năng chống đạn và chống bom. Hiến pháp nước Mỹ quy định, trong trường hợp Tổng thống không còn khả năng đương nhiệm vị trí thì Phó Tổng thống có thể sẽ trở thành Tổng thống. Tới nay, chỉ có Phó Tổng thống Gerald R.Ford trở thành Tổng thống do ông Richard Nixon từ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời kỳ chuyển mình của nước Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO