Thói quen nguy hiểm

Tinh Anh 04/12/2021 13:26

Với nhiều người, việc tụ tập cà phê “tám chuyện”, bia rượu “chém gió” là một thú vui, sở thích, thậm chí trở thành thói quen trong cuộc sống thường nhật. Vì thế, những ngày một số địa phương thực hiện giãn cách theo các chỉ thị của Chính phủ, họ cảm thấy vô cùng bức bối, khó chịu. Không ít người bất chấp các quy định phòng dịch để thỏa mãn nhu cầu của bản thân.

Thống kê của cơ quan chức năng, trong 6 ngày (25/11 đến 1/12), Hà Nội ghi nhận 1.751 ca mắc Covid-19 mới, riêng ngày 2/12 có 509 trường hợp nhiễm bệnh mới. Như vậy là trung bình mỗi ngày Hà Nội có 322 người mắc Covid-19, trong đó có nhiều ca cộng đồng (tỷ lệ gần 40%). Như vậy, vẫn còn không ít F0 đang “lang thang” ngoài xã hội.

Nguy hiểm hơn, trong số các ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, tỷ lệ mắc thứ phát chiếm khoảng 70%. Điều đó có nghĩa người dân đã quá lơ là, chủ quan không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định. Nếu như trong một gia đình còn bảo khó tránh bởi sinh hoạt, ăn, ngủ chung, nhưng lây lan ngoài cộng đồng thì hoàn toàn do ý thức.

Thực ra mọi việc diễn ra đều có nguyên nhân và hệ quả trực tiếp của nó. Con số có tới gần 40% ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, khoảng 70% trong số đó là mắc thứ phát đã nói lên tất cả. Nếu mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, trong đó có biện pháp 5K, có lẽ tình hình không xấu dần đi như vậy.

Nói có sách, mách có chứng. Khi mà Hà Nội cho phép các hàng ăn, quán cà phê... được mở cửa trở lại, nhiều người dân đã bắt đầu “quên” việc đeo khẩu trang, không đảm bảo khoảng giãn cách an toàn phòng dịch. Rất nhiều nơi đã không chấp hành quy định bắt buộc là tạo QR Code để khách hàng có thể khai báo y tế, hoặc có nhưng chỉ để cho... đẹp.

Không chỉ riêng ở Hà Nội, mà hầu như ở tỉnh, thành nào cũng vậy, rất nhiều người có thói quen rủ nhau tụ tập đông người đi uống cà phê để “tám chuyện”, hay vào quán nhậu để “chén chú, chén anh” bù khú, hàn huyên chuyện trên trời dưới biển. Dĩ nhiên, không có quy định cấm uống cà phê hay rượu, nhưng cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Đáng tiếc, rất nhiều người đã không chấp hành các quy định phòng dịch, bao gồm chủ các quán cà phê, hàng ăn và cả thực khách. Chủ quán thì có tâm lý càng đông khách càng tốt, doanh thu càng cao, thu nhập càng nhiều, cớ sao phải “đuổi” bớt? Khách hàng thì uống cà phê hay rượu bia thì phải một nhóm đông mới vui, có hứng, bất chấp khoảng cách.

Họ không ngần ngại tụ tập hàng chục người, hai chục người... say sưa đánh chén, cười nói rôm rả, không cần biết đến hậu quả là rất có thể sẽ mắc Covid-19 trong quá trình “tửu nhập ngôn xuất” văng mạng ấy. Đó là lý do mà chỉ cần một F0 có mặt trong cuộc vui, rất nhiều người trong số đó sẽ là bệnh nhân tiếp theo được SARS-CoV-2 “gọi tên”.

Nói đi thì cũng phải nói lại. Đã đành là ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân khá kém trong việc chấp hành các quy định phòng dịch. Song, họ sẽ không dám vi phạm, hay chí ít là đắn đo trước khi vi phạm, nếu như các cơ quan quản lý nhà nước làm tròn phận sự và nhiệm vụ được giao. Quán hàng cà phê, hàng ăn làm sao có thể để khách tụ tập đông người nếu chính quyền địa phương, cơ quan y tế trên địa bàn sát sao, luôn “để mắt” tới?

Từ việc các cơ quan được giao nhiệm vụ lơ là chức trách, đến việc thiếu ý thức của một bộ phận người dân đã dẫn đến hệ lụy là số ca mắc Covid-19 mới của Hà Nội tăng nhanh từng ngày. Vậy nên, đã đến lúc chấn chỉnh thái độ làm việc của nhà chức trách, “rèn” thói quen xấu của người dân. Có vậy mới mong sống chung được với dịch. Nếu mỗi người vẫn giữ nguyên những thói quen nguy hiểm, tới lúc nào đó sẽ phải trả giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thói quen nguy hiểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO