Trang phục 'bàn thờ' gây tranh cãi

Minh Quân 30/05/2019 06:56

BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vừa đăng tải thiết kế trang phục “Bàn thờ” lọt vào top các thiết kế được bình chọn để Hoàng Thùy diện khi tham gia cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới năm nay. Thế nhưng dường như ý tưởng “độc và lạ” này đang tạo ra những phản ứng trái chiều.

Trang phục 'bàn thờ' gây tranh cãi

Mẫu thiết kế trang phục “Bàn thờ”.

Cụ thể, bài thi của thí sinh Phạm Quang Minh với trang phục “Bàn thờ” theo đánh giá của hội đồng “Tây” thì “Bài thi này có ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Là sự kết hợp hình ảnh thân quen: ảnh thờ, bát hương (là điểm nhấn cho trang phục, lấy cảm hứng từ gốm sứ Bát Tràng), lọ hoa (đem đến không gian tự sự, đầy thanh tịnh cho người xem), mâm cỗ (sự tâm linh, lòng thành tâm hiếu nghĩa đối với người đã khuất).

Để lột tả hết ý nghĩa của trang phục này, người trình diễn cần một phong thái trang trọng, với một thái độ thành tâm. Đến giữa sân khấu thể hiện cái tâm, lòng thành bằng cách thắp 3 cây nhang để vái và xá 3 cái. Sau đó, người trình diễn xoay lưng lại phía sau để giúp người xem thấy được vật phẩm dâng lên bàn thờ (mâm cỗ dần dần hạ xuống nhờ vào động cơ). Mặt sau trang phục có khung thờ thể hiện sự bất ngờ cho người xem nên trang phục có thiết kế động cơ vào mâm cỗ giúp nâng lên hạ xuống trong lúc trình diễn”.

Trao đổi với báo chí nghệ sĩ Chiến Thắng bày tỏ: “Tôi cũng hay mặc trang phục thiết kế đi biểu diễn nhưng thấy rằng, thiết kế Bàn thờ thật đáng sợ. Khi nhìn thấy, tôi hoảng hốt và cạn kiệt lời, không hiểu nhà thiết kế này nghĩ gì mà lại thiết kế trang phục như vậy? Một thiết kế vô duyên và phản văn hóa. Sáng tạo là vô biên, nhưng cũng phải để ý đến văn hóa của người Việt, bởi bàn thờ là tâm linh, là nơi cần thanh tịnh của tục thờ cúng. Vì thế, phá cách trong sáng tạo nhưng vẫn có những “vùng cấm” cần cân nhắc và thận trọng”.

Còn dưới góc độ độ đồng nghiệp, nhà thiết kế Hà Duy cho rằng: “Tôi nghĩ là nghệ thuật không có giới hạn, chẳng qua đó là cách mọi người tiếp nhận cái mới thôi. Áo dài Việt Nam cũng trải qua cả một chặng đường thay đổi để có rất nhiều hình thù khác nhau nhưng cuối cùng vẫn đưa về một chuẩn mực chung, nên những cái gì mới quá thường sẽ bị ném đá”.

Cũng theo nhà thiết kế trẻ này, trong một chừng mực nào đó, kiến thức và sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta nhận định thế nào là đẹp và phù hợp. Tác giả của trang phục này có sự sáng tạo nhưng nó không phù hợp khi mang đi quốc tế để quảng bá văn hóa Việt Nam. Đưa hình ảnh bàn thờ lên trang phục thì có người sợ, người không nhưng nó không phù hợp khi đưa vào quần áo. Với những nhà thiết kế, ý tưởng rất quan trọng nhưng cũng phải tính đến các yếu tố như văn hóa, thói quen của mọi người. Những người “ném đá” trang phục có thể họ thấy không hợp mắt. Đã nổi loạn thì thường hơi khác biệt trong mắt mọi người.

Có thể thấy, sai hay đúng có thể do những “người phán xử” là do cộng đồng mạng đang bày tỏ. Nhưng thực tế họ chẳng sai. Bởi thực tế dù đúng hay sai thì việc đưa “Bàn thờ” làm trang phục đã là một điều sai. Sai ở chỗ ở chốn linh thiêng thờ cúng đâu phải là lúc phải chỗ lấy đó làm bản sắc. Hoa hậu đại diện cho một dân tộc chứ đâu phải là việc ngày rằm, mùng 1. Và rồi họ hiểu, làm hoa hậu nhất là đại diện cho một đất nước làm gì mới xứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trang phục 'bàn thờ' gây tranh cãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO