Thông điệp từ một cuộc tập trận

Thế Tuấn 05/07/2020 07:30

Theo giới quan sát, cuộc tập trận chung giữa hải quân Ấn Độ và Nhật Bản tại Ấn Độ Dương cho thấy hai nước đang ngày càng xích lại gần nhau hơn trước “mối đe dọa chung”. Cần nhắc lại rằng, giữa Nhật Bản và Ấn Độ không thường xuyên có các cuộc tập trận. Vì thế, động thái này diễn ra ở thời điểm cả hai nước đều có phát sinh các căng thẳng với Trung Quốc, lại càng được chú ý.

Các tàu chiến Ấn Độ và Nhật Bản tham gia tập trận ở Ấn Độ Dương.
Các tàu chiến Ấn Độ và Nhật Bản tham gia tập trận ở Ấn Độ Dương.

Trước đó, ngày 15/6, quân đội Ấn Độ và quân đội Trung Quốc đã đụng độ ở biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong. Hai bên đổ trách nhiệm cho nhau trong vụ xung đột.

Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Weidong cho rằng quân đội Ấn Độ phải chịu trách nhiệm vì đã vượt ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) chia cắt biên giới hai nước.

Đổi lại, Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vikram Misri cảnh báo về hậu quả đối với quan hệ ngoại giao 2 nước bởi Trung Quốc cố gắng “thay đổi hiện trạng trên thực địa bằng giải pháp quân sự”.

Trong khi đó, Nhật Bản và Trung Quốc cũng lại “khẩu chiến” về động thái của Tokyo đổi tên đơn vị hành chính quản lý quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi động thái của Nhật Bản là “khiêu khích chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kano phản hồi rằng Tokyo sẽ theo dõi sát ý định của Bắc Kinh.

Đồng thời Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn thành lập một lực lượng mới để đẩy mạnh quan hệ hải quân với Mỹ, Ấn Độ, Australia và một số quốc gia Nam Á.

Về cuộc tập trận chung hải quân Ấn Độ - Nhật Bản, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho rằng đây là dấu hiệu mới cho thấy đối đầu địa chính trị đang “nóng lên” ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, Mỹ đã tiến hành 3 cuộc tập trận tại Biển Philippines và Biển Đông. Trong 2 cuộc tập trận, có sự tham gia của tàu sân bay USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt. Cuộc tập trận thứ 3 được tổ chức chung với Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản.

Trong khi đó, cựu Đại sứ Ấn Độ Rajiv Bhatia cho biết cuộc tập trận hải quân là tín hiệu gửi tới Trung Quốc cho thấy ngoại giao là cần thiết. Ông Rajiv Bhatia nói: “Những cuộc tập trận trên thực tế là lời nhắc nhở với Trung Quốc rằng điều tốt nhất là theo đuổi các giải pháp ngoại giao.

Cũng cần nhắc lại, khi đến thăm Ấn Độ năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi thiết lập quan hệ hàng hải thân thiết hơn giữa hai quốc gia. Kể từ đó, Ấn Độ và Nhật Bản từng bước thắt chặt hơn hợp tác quân sự, tham gia vào các sự kiện chung như tập trận Dharma Guardian, tập trận trên không Shinyu Maitr và cuộc tập trận 3 bên với Mỹ có tên gọi Malabar.

Thủ tướng Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi thường gặp gỡ song phương, riêng năm 2019 đã có tới 3 lần. Hai quốc gia còn tổ chức hội nghị song phương hàng năm, điều hiếm thấy đối với Nhật Bản.

Theo giới quan sát, việc gia tăng các hoạt động ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cho thấy sự quay trở lại của “Bộ tứ Kim cương”- một liên minh quân sự không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Theo ông Rajiv Bhatia- thành viên tại Viện chính sách Gateway House ở Mumbai thì sự tăng cường hợp tác quân sự giữa 4 quốc gia trên là cần thiết, tuy nhiên cũng cần hành động nhiều hơn, từ việc gắn kết các nước ASEAN đến tiến hành tập trận chung. Nhiều quan chức hải quân đã hối thúc Chính phủ Ấn Độ đẩy mạnh sự hiện diện trên biển, để kiềm chế các chiến thuật xâm lược leo thang.

Về xung đột biên giới Ấn Độ - Trung Quốc (đỉnh điểm là đêm 15/6, tại thung lũng Galwan), một động thái khác cho thấy cả hai bên đều cố gắng tìm cách giảm nhiệt, tránh lặp lại việc đối đầu vũ trang. Theo Hãng tin PTI, vòng đàm phán cấp trung tướng lần thứ ba giữa hai nước diễn ra tại khu vực thuộc Ấn Độ gần ranh giới kiểm soát thực tế (LAC).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông điệp từ một cuộc tập trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO