Thông điệp về sự thay đổi

Nam Việt 21/01/2021 07:26

Chiều 19/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Tổ tư vấn kinh tế, để nghe ý kiến của các chuyên gia về tình hình kinh tế và chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Quang cảnh một buổi “Đối thoại chuyển đổi số” thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng năm 2020 là năm đặc biệt, đầy thách thức nhưng Việt Nam đã vượt qua một cách thành công. Chính phủ đã hành động quyết liệt, quyết đoán, qua đó, kiểm soát được dịch bệnh, góp phần thúc đẩy kinh tế.

Dự báo tình hình năm 2021, các chuyên gia cho rằng, chỉ có thể khả quan khi dịch bệnh được kiểm soát. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục chú trọng các nhóm giải pháp bao gồm: Phòng chống dịch bệnh, kích thích xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư công…

Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chúng ta đã chuẩn bị nền tảng quan trọng cho năm 2021 và 5 năm tới một cách căn bản, về năng lực sản xuất kinh doanh, về hệ thống kinh tế vĩ mô. Nhất là người dân đã vào cuộc mạnh mẽ trước thử thách của dịch bệnh.

Có thể nói một dân tộc bừng lên sức sống mãnh liệt, đoàn kết thống nhất cao, ý chí khát vọng phát triển, đây chính là nền tảng rất quan trọng để chúng ta thổi luồng sinh khí mới trong phát triển thời gian tới, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại cần tiếp tục tháo gỡ để đẩy nhanh sự phát triển. Vì thế, Thủ tướng cho rằng thời gian tới Chính phủ phải làm nhiều việc, nhất là thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược.

Cải cách hành chính, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững. Đặc biệt, chuyển đổi số quốc gia là con đường tất yếu.

Tháo gỡ vướng mắc, tìm động lực mới cho phát triển - đó vừa là định hướng vừa là quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ. Đường hướng đó, quyết tâm đó cần phải được quán triệt, lan tỏa, để thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng cần nhắc lại, ngay từ đầu năm mới, ngày 1/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Đây là nghị quyết rất quan trọng, được coi là “thông điệp đầu năm” xác đinh mục tiêu cho cả năm và cũng là nền tảng cho những năm tiếp theo. Nghị quyết 01 đã nêu lên 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành cùng 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Trong các mục tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2021 thì tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%); GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.

Đây là những nhiệm vụ, chỉ tiêu rất cụ thể, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao.

Chính vì thế, để đạt được những mục tiêu đặt ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thì cùng với quyết tâm phải là cách làm. Quyết tâm đã có, “virus trì trệ” đã được đẩy lùi, tuy nhiên cách làm cần phải mới hơn, đặc biệt hơn, có sự đột phá.

Việc ngay trong tháng đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, lắng nghe giới chuyên gia được coi là để tìm ra cách làm phù hợp hơn, đúng đắn hơn, hiệu quả hơn.

Cũng chính vì thế mà tại buổi làm việc với giới chuyên gia, Thủ tướng đề nghị cần chấp nhận sự thay đổi trong điều kiện mới, thay đổi cả thói quen, thậm chí phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế.

Thay đổi - đó chính là điều vô cùng cần thiết để không đi lại lối mòn quen thuộc, không “ngủ quên” trong chiến thắng và cũng không chấp nhận thái độ tự bằng lòng, không cố gắng vươn lên. Từ một quốc gia nghèo, nay chúng ta đã ở vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình.

Đó là nỗ lực rất lớn. Nhưng, như thực tế nhiều quốc gia đã chỉ ra “bẫy thu nhập trung bình”, nếu như sớm vội bằng lòng, luẩn quẩn trong phạm vi đó thì không thể phát triển, có thể còn bị tụt hậu.

Trong năm 2020, chúng ta đã không khoanh tay chờ Covid-19 đi qua, mà vẫn vừa duy trì, hồi phục vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Thì nay việc không để bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” đòi hỏi cả sự tỉnh táo, quyết tâm và cách làm. Mà một trong những cách làm đó, con đường tất yếu, theo Thủ tướng, chính là chuyển đổi số quốc gia.

Đây là vấn đề lớn và mới không chỉ với Việt Nam mà là của thế giới nói chung. Thành tựu công nghệ của loài người phải được khẩn trương áp dụng để guồng quay của xã hội nhanh hơn, tạo ra giá trị gia tăng lớn, đồng thời việc chuyển đổi số cũng sẽ xóa đi cách nghĩ cũ, cách làm cũ không còn phù hợp.

Trong công cuộc chuyển đổi lớn lao này, đòi hỏi mỗi người, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, từng địa phương phải chuyển động. Thông điệp khách quan về sự thay đổi đã rất rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông điệp về sự thay đổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO