Thống nhất nội dung dạy học trực tuyến và trên truyền hình

Lam Nhi 25/03/2020 08:00

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam (Hiệp hội) đã có văn bản số 12 gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT kiến nghị một số giải pháp bổ sung việc triển khai phương thức dạy học từ xa trong đợt dịch Covid-19.

Thống nhất nội dung dạy học trực tuyến và trên truyền hình

Để chủ trương triển khai đại trà các phương thức học từ xa thực sự phát huy hiệu quả, Hiệp hội đề nghị Bộ GDĐT cần quy định rõ nội dung dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình; thành lập Ban chỉ đạo đổi mới phương thức dạy và học trong đợt Covid-19, đồng thời ban hành hướng dẫn quy định các điều kiện công nhận kết quả học từ xa.

Những hạn chế

Qua theo dõi, Hiệp hội nhận thấy có một số biểu hiện không chuẩn trong thực hiện ở cơ sở, cần sớm được chấn chỉnh kịp thời. Về dạy học qua truyền hình cho khối giáo dục phổ thông, hiện vẫn còn thiếu sự thống nhất trong chỉ đạo triển khai ở quy mô cả nước. Do đó, mức độ triển khai dạy học từ xa ở các địa phương có thể rất khác nhau. Thí dụ như Hà Nội là nơi đã triển khai triệt để nhất, theo đó các nội dung dạy trên truyền hình phải mới, tiếp nối với những nội dung đã học và phải bao quát tất cả các khối lớp của giáo dục phổ thông (từ lớp 4 đến lớp 12).

Trong khi đó đa số các tỉnh hiện chỉ hướng dạy học trên truyền hình cho 2 khối lớp 9 và lớp 12, chủ yếu tập trung ôn tập các nội dung đã học. Một vài địa phương lại rất đủng đỉnh, không tổ chức dạy trên truyền hình mà chỉ dạy thí điểm qua internet cho một vài trường trong tổng số hàng nghìn trường phổ thông của địa phương.

Về dạy học trực tuyến qua internet, mới được triển khai ở một số ít trường, chủ yếu do các trường này chủ động thực hiện, không có sự chỉ đạo nhất quán, nên hiệu suất và chất lượng nhìn chung chưa cao. Đa số các trường (cả đại học lẫn phổ thông) đều lúng túng với cách dạy học trực tuyến còn quá mới mẻ. Không ít trường có quan niệm rất đơn giản về dạy học trực tuyến, chẳng hạn như thầy không cần giảng mà để học sinh tự học, thầy giao bài tập qua điện thoại thông minh và trò nộp bài cho thầy cũng qua điện thoại thông minh. Có trường tuy gọi là học trực tuyến nhưng tỉ lệ tham gia học chỉ 60-70% và số còn lại do gặp khó khăn về kinh tế, gia đình không có khả năng mua các dụng cụ học tập đắt tiền nên không tham gia...

Trước đó, Bộ GDĐT cũng lưu ý các kênh như Facebook, Mail, Zalo... không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu và không chính thức vì không kiểm soát được quá trình học tập.

Đảm bảo 100% học sinh của cơ sở được học trực tuyến

Để chủ trương triển khai đại trà các phương thức từ xa thực sự có hiệu quả, Hiệp hội đề nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT cần có quy định rõ các nội dung dạy trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương; phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ ban hành, phải kế tiếp với những nội dung đã học trước đợt dịch. Bộ cũng nên khuyến khích tất cả các cơ sở giáo dục (bao gồm cả đại học và phổ thông) đủ điều kiện chủ động chuyển qua hình thức học trực tuyến trong thời gian phải đóng cửa trường do dịch.

Tuy nhiên, chỉ cho phép áp dụng đại trà dạy và học trực tuyến ở những cơ sở giáo dục phổ thông có phương thức dạy thực sự “trực tuyến” và phải bảo đảm cho 100% học sinh của những cơ sở đó có đủ điều kiện để học trực tuyến. Trong trường hợp ngược lại, dạy học trực tuyến chỉ nên áp dụng riêng lẻ cho các bài học nâng cao hoặc bổ trợ cho những nhóm học sinh có điều kiện về kinh tế.

Cùng với đó, cần trình Chính phủ sớm cho phép Bộ GDĐT chủ trì và phối hợp với Bộ TTTT, Truyền hình Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng phương án dạy học trên truyền hình cho học sinh phổ thông trong cả nước với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không chần chừ, không cầu toàn.

Bộ GDĐT cũng cần trình Chính Phủ sớm thành lập Ban chỉ đạo đổi mới phương thức dạy và học trong đợt dịch Covid-19 để thống nhất hoạt động này trong cả nước, chứ không chỉ dừng ở các hoạt động riêng biệt ở từng địa phương, từng trường như hiện nay.

Đặc biệt, Bộ GDĐT nên nghiên cứu để sớm có văn bản hướng dẫn điều kiện để công nhận các kết quả học tập theo các phương thức học từ xa (bao gồm học qua truyền hình, học trực tuyến…) cho phù hợp tinh thần của Luật Giáo dục 2019. Về lâu dài cần kiến nghị Chính Phủ giao nhiệm vụ cho Bộ GDĐT xây dựng Đề án triển khai đại trà “Giảng dạy trực tuyến và phát triển tài nguyên giáo dục mở” trong những năm tới nhằm thay thế dần cho phương thức dạy học truyền thống hiện nay khi có nhu cầu, như nhiều quốc gia đã và đang triển khai để chủ động đối phó trước mọi thiên tai, hiểm họa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thống nhất nội dung dạy học trực tuyến và trên truyền hình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO