Thông tin y học (5/11)

Hương Linh 05/11/2017 07:00

Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân/ Không nên chủ quan khi con bị vàng da

Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân

Bộ Y tế mới đây đã có công văn khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành trong cả nước đề nghị chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch mùa đông xuân, chú trọng phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao trong những năm qua. Đặc biệt triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như cúm A(H7N9), A(H5N1) và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Đối với các dịch bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà..., khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng. Bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên, cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Bộ Y tế cũng cho biết, qua giám sát và số liệu thống kê cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn quốc liên tục giảm trong suốt 9 tuần qua. Đặc biệt, cả nước không ghi nhận thêm ca tử vong. Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không chủ quan vì dịch thường kéo dài tới tháng 11 hàng năm.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 54.000 ca mắc tay chân miệng. Dù chưa có trường hợp nào tử vong, song đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

Không nên chủ quan khi con bị vàng da

Mới đây, lần đầu tiên Bệnh viện Nhi Trung ương và Hội Teo mật bẩm sinh tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ teo mật bẩm sinh. Đây là dịp tuyên truyền, đẩy mạnh phát hiện sớm bệnh nhi teo mật bẩm sinh vì trên thực tế có nhiều trẻ được phát hiện bệnh muộn khi đã xơ gan chỉ vì cha mẹ cho rằng trẻ chỉ bị vàng da sinh lý. Ước tính, cứ khoảng 10.000 trẻ em thì có 1 trường hợp mắc bệnh này.

Bệnh thường khởi phát ngay sau giai đoạn vàng da sinh lý nên gia đình bệnh nhi không để ý và bỏ qua giai đoạn vàng của việc phẫu thuật. Nếu phát hiện bệnh sớm thì phẫu thuật khi trẻ 6 tuần tuổi là tốt nhất và sau đó bệnh nhi sẽ khỏi khỏi bệnh nếu thuộc tuýp bệnh chữa được. Khi trẻ đã 3 tháng tuổi mới phát hiện bệnh, việc phẫu thuật trở nên khó khăn hơn và từ 4 tháng tuổi trở lên, biện pháp điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào việc chờ ghép gan vì lúc đó gan của bệnh nhi đã bị xơ và mất chức năng.

Tiến sỹ Nguyễn Phạm Anh Hoa - trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: “Chúng ta không có chẩn đoán vàng da sinh lý kéo dài. Tất cả những trường hợp vàng da sinh lý kéo dài trên 2 tuần tuổi đều là vàng da bệnh lý, cần được thăm khám và xét nghiệm. Chỉ bằng mắt nhìn thì không ai có thể xác định được vàng da sinh lý và bệnh lý. Nếu có dấu hiệu vàng da đó là 2 dấu hiệu cơ bản bắt buộc phải đưa con tới bệnh viện chuyên khoa nhi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông tin y học (5/11)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO