Thủ đoạn của tội phạm tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép

Xuân Tùng - Nguyễn Thắng 15/05/2021 07:00

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số đối tượng, gây nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19, phát sinh tội phạm, ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự.

Lực lượng chức năng khu vực biên giới tuần tra, kiểm soát phát hiện người nhập cảnh trái phép.

Lẩn tránh ở những chung cư mới

Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, sau khi phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh và các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 10 vụ án/17 bị can (trong đó có 5 bị can là người Trung Quốc, 12 bị can là người Việt Nam), về tội “tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”, quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự.

Đối với 10 vụ án trên, các bị can đã tổ chức, môi giới cho 173 người nước ngoài (trong đó 163 người Trung Quốc, 10 người từ các nước khác) nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Qua công tác điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội nhận định: Các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép chủ yếu là người Trung Quốc, có độ tuổi từ 18 đến 30. Mục đích nhập cảnh trái phép là để tìm kiếm việc làm; sử dụng mạng internet thực hiện các loại tội phạm công nghệ cao (đánh bạc online, chạy phần mềm quảng cáo để lừa đảo....); trốn truy nã của nước sở tại; trung chuyển qua Việt Nam để đến nước thứ 3 (Campuchia, Thái Lan, Lào....) để tìm việc làm.

Thượng tá Nguyễn Thị Dung, Phó Trưởng Phòng An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội cho biết, qua công tác điều tra đối với các vụ án trên, nổi lên các phương thức thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để tổ chức cho các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh ở lại Việt Nam trái phép.

Số đối tượng người nước ngoài này đều khai nhận nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch tại khu vực các tỉnh biên giới phía Bắc, thường đi thành nhóm 2-5 người. Các đối tượng sau khi nhập cảnh vào Việt Nam được các đối tượng tổ chức đưa về Hà Nội bằng xe ô tô cá nhân (không đi xe khách).

Khi về đến Hà Nội, các đối tượng thường lựa chọn những khu chung cư mới đưa vào sử dụng làm nơi tạm trú (ít dân cư sinh sống; công tác quản lý còn chưa chặt chẽ, nhiều kẽ hở....) và thường xuyên thay đổi chỗ ở (khoảng 2-3 ngày/lần)... để đối phó với sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó các đối tượng lợi dụng chính sách đưa chuyên gia vào Việt Nam để đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép thông qua các công ty của Việt Nam. Đối tượng tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực hợp pháp trước, hình thức thông qua các công ty của Việt Nam mời chuyên gia vào Việt Nam làm việc.

Sau khi hết cách ly y tế sẽ liên hệ thuê nhà ở sau đó đón các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào ở cùng. Quá trình sinh sống tại Việt Nam, đối tượng nhập cảnh hợp pháp thực hiện đi mua đồ dùng sinh hoạt cho nhóm đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép, số đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép thường hạn chế ra ngoài, chỉ sinh sống trong phòng để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra phòng ở thì đối tượng nhập cảnh hợp pháp sẽ yêu cầu các đối tượng nhập cảnh trái phép lẩn tránh ra ngoài để không bị kiểm tra, không bị phát hiện.

Một số đối tượng sử dụng danh nghĩa công ty, lợi dụng sự thông thoáng trong xét duyệt hồ sơ gia hạn thị thực, hồ sơ cấp giấy phép lao động cho chuyên gia là người nước ngoài để làm thủ tục gia hạn thị thực (thị thực du lịch 1 tháng hoặc thị thực chuyên gia có giấy phép lao động 1 năm) để bảo lãnh khống (không tổ chức tour du lịch, không làm việc cho doanh nghiệp) cho các đối tượng người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép.

Các đối tượng thường liên hệ thuê nhà qua các phần mềm trên mạng Internet, để liên hệ với trung gian, môi giới, công ty cho thuê nhà. Khi trao đổi sử dụng phần mềm google dịch, các đối tượng không liên hệ trực tiếp với chủ nhà để tránh bị phát hiện là người nước ngoài. Đây là thủ đoạn nhằm gây khó khăn cho công tác điều tra.

Trục lợi cao

Theo Thượng tá Nguyễn Thị Dung, nhằm trục lợi, các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội.

Qua điều tra cho thấy, đối tượng tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép tại khu vực biên giới, hưởng lợi từ 5 - 20 triệu đồng/1 người. Đối tượng vận chuyển người nước ngoài từ khu vực biên giới đến Hà Nội, thường mỗi lần vận chuyển hưởng từ 1- 3 triệu đồng/lượt.

Đối tượng tổ chức cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép thu từ 10-15 triệu đồng. Đối tượng bảo lãnh hoặc trung gian môi giới cấp thị thực, gia hạn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép: thu từ 1-5 triệu đồng/ 1 người.

Một số đối tượng tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện chuyên gia hưởng lợi từ 75-100 triệu đồng/người (người nhập cảnh không thuộc diện chuyên gia).

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và phục vụ công tác bảo vệ an ninh trật tự an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân: Hãy nâng cao cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật; Tuyệt đối không vì bất cứ lý do gì tiếp tay cho các đối tượng tổ chức, môi giới cho người nước ngoài nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép; Khi phát hiện cần kịp thời báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ đoạn của tội phạm tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO