Thư gửi người xa xứ: Xứng danh hạt vàng

29/04/2021 09:05

Năm nay trong trạng thái bình thường mới vừa phòng chống Covid-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội, ngày Giỗ Tổ đã được tỉnh điều chỉnh phù hợp nhưng vẫn đảm bảo sự trang trọng, thành kính, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Ngày mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hà Phương thân,

Ngày Giỗ Tổ 10/3 vừa qua, tại điện Kính Thiên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên đã có công dựng nước.

Năm nay trong trạng thái bình thường mới vừa phòng chống Covid-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội, ngày Giỗ Tổ đã được tỉnh điều chỉnh phù hợp nhưng vẫn đảm bảo sự trang trọng, thành kính, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Dịch Covid-19 hai năm qua khiến nhiều bà con kiều bào không thể về đất Tổ, nhưng Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và đoàn kiều bào trong nước đã lên dâng hương tỏ lòng thành kính và tri ân công đức Tổ tiên, cầu xin Tổ tiên phù hộ cho đất nước ngày càng phồn thịnh, khang thái; phù hộ cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn mạnh khỏe, đoàn kết vươn lên, góp phần cùng với người Việt Nam ở trong nước dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu.

Còn ở quê mình, nhà nào cũng làm mâm cơm dâng cúng lên ban thờ gia tiên. Trong mâm cơm ấy không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy và cơm tẻ. Nếu bánh chưng, bánh giầy là hai sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài thì cơm tẻ cũng do Vua Hùng dạy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày tự bao đời nay.

Và hôm nay những hạt gạo ấy đã và đang tự tin xưng danh trên thị trường quốc tế. Bạn biết không, chỉ tính riêng trong tháng 1/2021, hơn 60 tấn gạo thơm thượng hạng của Việt Nam đã xuất cảng đi ra thế giới, nối tiếp những thành công của năm 2020 với khoảng 6,15 triệu tấn gạo xuất khẩu, trị giá 3 tỷ USD. Nhiều thời điểm, giá gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan, vươn lên dẫn đầu thế giới. Gạo trở thành mặt hàng nông sản hiếm hoi có tăng trưởng dương, và liên tục được nhắc đến trên thế giới.

Nhìn những con số xuất khẩu ấn tượng của hạt gạo, thấy ST25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới, ST26 đang được các kỹ sư ươm giống…là người Việt dù ở trong hay ngoài nước mình tin ai nấy đều rất đỗi tự hào.

Người trẻ có lẽ không phải ai cũng biết, sau giai đoạn Cách mạng tháng Tám thành công, nước ta phải đối diện với “kẻ thù” là giặc đói, giặc dốt. Giặc đói xuất hiện là bởi nền kinh tế nông nghiệp nước ta vốn đã lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hậu quả của nạn đói cuối năm 1944 chưa khắc phục được, lại thêm nạn lụt lớn, làm vỡ đê ở 9 tỉnh Bắc Bộ, hạn hán kéo dài, nửa tổng số ruộng đất không canh tác…

Vì vậy, ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa diễn ra ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách, trong đó theo Người, quan trọng nhất là phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay một cuộc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo. “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo…”.

Những ngày tháng ấy, đồng bào ta chắt chiu từng hạt lúa, hạt gạo để dìu nhau qua nạn đói. Rồi chúng ta từng bước đi lên, khẳng định bản lĩnh của người Việt. Để hôm nay hạt gạo đã đồng hành mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập của Việt Nam với thế giới và đang còn tiếp tục đi rất xa, vào một số thị trường mà chúng ta vừa ký kết FTA mới.

Mình nhớ rất rõ cảm xúc của Phương khi gọi về khoe, “tớ đã nhìn thấy những hạt gạo Việt trong siêu thị ở Brussels (Bỉ), hạt gạo của ta đã vào bếp ăn châu Âu rồi Lam ơi”. Nghe mà mừng cho bà con nông dân quê nhà. Vẫn biết mồ hôi thấm ruộng đồng mới làm nên những mùa gặt, nhưng nhìn chung đời sống của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có diện tích đất trồng lúa hơn 3,2 triệu ha, đóng góp hơn 50% sản lượng lúa và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu đang ngày càng khấm khá hơn. Giờ hầu hết đất lúa đều trồng được hai, ba vụ chứ không chỉ một vụ lúa mùa như trước.

Và điều đáng mừng theo PGS.TS Võ Công Thành, người con của vựa lúa, đó là không chỉ nâng về số lượng mà Đồng bằng sông Cửu Long đang từng ngày chuyển hóa thành vựa gạo chất lượng của thế giới. Nâng cao chất lượng đang là lối đi chính của lúa gạo Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Phương biết không?

Cùng với hạt gạo, tôm, cá da trơn và trái cây cũng đang ngày càng khuếch trương thương hiệu Việt Nam trên bản đồ hàng hóa quốc tế. Nhiều người trẻ đã từ bỏ nơi phồn hoa đô thị trở về quê lập nghiệp. Họ vay vốn, cải tạo đồng ruộng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều người đã thành công ngoài sự mong đợi từ con tôm, con cá trên đồng đất quê nhà.

Nói như ông Tiến sĩ Hồ Quốc Lực thì nếu như năm 1995, tôm Việt vẫn còn bị xếp vào chiếu thấp trên thị trường thế giới với trình độ chế biến giản đơn và giá bán thấp lè tè thì những năm qua tôm Việt đã ngồi vào chiếu trên, trong nhóm cao cấp nhất cùng Thái Lan và Indonesia.

Và dù năm 2020 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành xuất khẩu tôm vẫn đạt được 3,8 tỉ USD, tăng so với 3,3 tỉ năm 2019. 7.000ha cá tra đã được nuôi và phát triển tại 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, với sản lượng hơn triệu tấn, năng suất hơn 200.000 tấn mỗi hecta.

Cũng trong năm 2020, khi thị trường gạo châu Á nóng lên vì nhiều khách hàng tiềm năng ký hợp đồng mua gạo, thì Việt Nam vẫn tự tin vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước vừa xuất khẩu ra thế giới.

Trong những ngày này, còn gì tự hào và vui hơn thế phải không Phương?

Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và cũng phải đến 3 năm rồi bạn chưa có dịp về thăm quê nhỉ? Mình ước được một lần, chúng ta dành cho nhau cả một khoảng thời gian đi từ Bắc chí Nam. Tận mắt chứng kiến những bước đi thần kỳ của đất nước, mình chắc chắn sẽ có những bất ngờ mà chỉ trong lá thư này không thể kể hết cho Phương.

Bạn gái,

Theo Hồng Lam
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thư gửi người xa xứ: Xứng danh hạt vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO