Thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm: Cần giải pháp căn cơ

Tường Lam 23/06/2022 11:30

Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã có nhiều giải pháp để thu hồi được hàng trăm ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trước đây theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến nay việc thu hồi đất vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Người dân không hợp tác?

Gần đây, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà thực hiện tiến hành khai thác gần 33 ha rừng gỗ Tếch (cây giá tỵ) ở Đội 4, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. Việc khai thác nằm trong kế hoạch song song với việc kiểm kê, rà soát thu hồi diện tích đất bị lấn chiếm. Theo Ban giám đốc công ty, quá trình khai thác rừng Tếch và kiểm kê, rà soát thu hồi diện tích đất bị lấn chiếm gặp rất nhiều khó khăn. Chủ yếu là từ sự thiếu hợp tác của người dân đang chiếm dụng đất của công ty.

Một khoảnh rừng và đất rừng do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp La Ngà quản lý.

Theo đó, ngày 14/4/2022, Ban điều hành Công ty đã làm việc với Đảng ủy, chính quyền xã Thanh Sơn để lấy ý kiến, đề xuất biện pháp làm việc với các hộ dân liên quan đến diện tích gần 33 ha rừng Tếch công ty đang khai thác. Qua đó xác định, mời làm việc đối với 16 trường hợp chia làm 2 đợt. Cụ thể đợt 1 ngày 22/4/2022, mời 7 hộ được xác định là có hợp đồng giao khoán thì có 1 hộ dân không tham gia xác minh; Đợt 2 ngày 4/5/2022, mời 9 hộ được xác định là không có hợp đồng giao khoán nhưng chỉ có 5 hộ tham gia làm việc.

Đến ngày 9/5/2022, công ty phối hợp cùng UBND xã Thanh Sơn, Hạt kiểm lâm Định Quán mời 4 hộ không có hợp đồng giao khoán để xác minh hiện trường. Tuy nhiên, các hộ dân không hợp tác.

Theo lãnh đạo công ty, các hộ dân không những không đến mà còn có thái độ bất hợp tác, chây ỳ trong việc phối hợp xác minh diện tích đất lâm nghiệp đang canh tác.

Với số diện tích gần 33 ha này, ông Đỗ Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp La Ngà cho biết, “Đối với trường hợp các hộ dân không hợp tác kiểm tra hiện trường, chúng tôi tiếp tục phối hợp với UBND xã Thanh Sơn, Hạt kiểm lâm Định Quán vận động, mời các hộ dân đến tại văn phòng UBND xã Thanh Sơn để làm việc, đối thoại, ghi nhận các ý kiến và nguyện vọng của các hộ dân để có biện pháp xử lý tiếp theo. Riêng đối với các trường hợp đã hợp tác kiểm tra hiện trường và cung cấp hồ sơ, nếu vị trí canh tác đúng với hồ sơ giao khoán do hộ dân cung cấp, cũng như hồ sơ lưu tại công ty, chúng tôi sẽ thanh lý hợp đồng khoán theo đúng nội dung hợp đồng đã ký và quy định của pháp luật. Còn nếu vị trí canh tác không đúng với hồ sơ giao khoán do hộ dân cung cấp cũng như hồ sơ lưu tại công ty sẽ giải quyết như trường hợp không có hợp đồng giao khoán (đồng nghĩa với việc thu hồi đất). Trường hợp không có hợp đồng giao khoán, công ty sẽ thực hiện thỏa thuận, hỗ trợ đối với cây trồng dưới tán rừng (nếu có) và thu hồi đất trồng rừng theo mô hình quốc doanh”.

Đâu là giải pháp tối ưu

Theo Kết luận số 1452/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, tổng diện tích đất bị lấn chiếm là 492,3 ha. Hiện, công ty đã tiến hành kiểm tra, xác minh được 325,52 ha/110 hộ (đạt 66%), bên cạnh đó đã lập thu hồi đất được 189,56 ha, trong đó, diện tích công ty tự thực hiện thu hồi là 162,2 ha, khởi kiện để thu hồi là 27,36 ha.

Đối với diện tích 302,74 ha chưa thu hồi được, công ty dự kiến thực hiện trong 3 năm, từ 2022 đến 2024.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 02/2022/QĐ-UBND ngày 11/1/2022 (hiệu lực từ ngày 26/1/2022) về việc bãi bỏ một phần quy định về giá bồi thường, hỗ trợ tài sản tại Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 15/3/2019 của UBND tỉnh Đồng Nai quy định về giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cụ thể: Bãi bỏ phụ lục II, III quy định về đơn giá cây trồng… Đây được xác định là một trong những khó khăn trong việc thu hồi đất của công ty.

Cùng với đó, việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm quản lý đất theo mô hình Quốc doanh của công ty hiện tại đang gặp những khó khăn như đã nói. Đó là việc người dân lấn chiếm đất có dấu hiệu bất hợp tác, đối phó, gây áp lực với chính quyền địa phương và công ty nhằm mục đích được canh tác lâu dài trên đất của công ty. Một số hộ dân bị thu hồi đất gửi đơn thư tố cáo, tụ tập lôi kéo các hộ dân lấn chiếm đất khác chống đối, nói xấu cán bộ công ty, nhằm mục đích gây khó khăn, cản trở quá trình thu hồi đất và làm giảm uy tín của công ty.

Để khắc phục triệt để những khó khăn trên, công ty đã đưa ra nhiều giải pháp như: tiếp tục mời các hộ dân đến văn phòng đơn vị, các Đội làm việc thỏa thuận mức hỗ trợ để thu hồi đất, chi tiền hỗ trợ thu hồi đất; Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi đối thoại, tuyên truyền vận động, mời các hộ dân lấn chiếm đất hợp tác làm việc để thu hồi đất. Đối với các trường hợp không hợp tác làm việc hoặc không chấp thuận với mức hỗ trợ để thu hồi đất, công ty đề nghị chính quyền địa phương phối hợp mời đồng thời cùng làm việc với người dân lấn chiếm đất. Trường hợp hộ dân cố tình không hợp tác thì lập đầy đủ hồ sơ khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Định Quán đề nghị xử lý theo quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch huyện Định Quán cho hay, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã rất kiên quyết và xử lý mạnh tay, tương đối quyết liệt đối với việc người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp. Huyện còn đề ra nhiều biện pháp cứng rắn như xử lý kỷ luật, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giữ rừng với việc đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo các địa phương.

Riêng các trường hợp lấn chiếm rừng thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà, huyện đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng trước là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Nếu các trường hợp nào không hợp tác thì chỉ đạo kiên quyết xử lý giải tỏa, thu hồi để đơn vị chủ rừng tổ chức trồng cây phân tán với mục đích chống lấn chiếm; đồng thời, vận động các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm, chặt phá cây rừng, cây phân tán trên diện tích giáp ranh (trong bản cam kết xác định tọa độ ranh giới, diện tích, hiện trạng cây trồng) để làm cơ sở kiểm tra sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm: Cần giải pháp căn cơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO