Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Cần chính sách trợ lực dài hơi

Lê Bảo 28/09/2021 06:51

Bất chấp tình hình dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 9 tháng đầu năm vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để phục hồi kinh tế đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương nắm bắt tình hình để có giải pháp thu hút và giữ vững dòng vốn FDI.  

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh: Đẩy mạnh chuỗi cung ứng

Để thu hút đầu tư từ nước ngoài, công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và trực tuyến rất được tỉnh quan tâm. Về lâu dài sẽ đẩy mạnh chuỗi cung ứng giữa DN trong nước và DN FDI. Với mục tiêu Phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hướng đến năm 2030 Bắc Ninh trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 295/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025. Đây là một trong những giải pháp, chiến lược để thu hút đầu tư nước ngoài bền vững, kết hợp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho các DN, dự án trong nước, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Điểm đến hấp dẫn

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).

Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC mới công bố gần đây cho rằng, Việt Nam là điểm đến tăng trưởng hấp dẫn, đầu tư tốt nhất trong khu vực.

Theo đó, mặc dù là tỉnh chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 lần thứ 4 song 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Long An vẫn tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ. Long An đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 41 dự án, với tổng vốn đăng ký là 3.271,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước giảm 23 dự án, nhưng số vốn tăng 2.952,4 triệu USD. Bên cạnh đó có 31 dự án tăng với tổng số vốn tăng 90,9 triệu USD.

Một trong những giải pháp được tỉnh Long An thực hiện để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đó là cơ chế mở, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp (DN). Trong 9 tháng đầu năm nay, Long An đã tổ chức đoàn công tác của tỉnh với Tổng Lãnh sự Nhật Bản, các tổ chức, DN Nhật Bản đi khảo sát và làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; tổ chức thành công nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa DN trong nước và nước ngoài...

Ở phía Bắc, Bắc Ninh là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng đầu tiên trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, tuy nhiên việc thu hút đầu tư nước ngoài lại không hề bị ảnh hưởng. Số liệu thống kê cho biết, tỉnh đã cấp mới cho 97 dự án FDI, điều chỉnh vốn cho 64 dự án; 9 tháng đầu năm tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 8 cả nước về quy mô vốn thu hút đầu tư.

Có được kết quả trên theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, tỉnh đã hoàn thiện về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng “hỗ trợ và phục vụ”. Cùng với đó đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia, tạo thương hiệu cũng như chất dẫn suất hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác tới tỉnh Bắc Ninh theo định hướng “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng”. Định kỳ tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với DN; tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với từng DN nhằm kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc.

“Nhân tố quan trọng nhất để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đó là đảm bảo an ninh chính trị, tiếp đến cơ chế, chính sách và hạ tầng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 16 khu công nghiệp và 21/30 cụm công nghiệp đang hoạt động hiệu quả” – ông Xuân cho hay.

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) khẳng định, Việt Nam có thể đón một làn sóng FDI mới nếu tiếp tục duy trì và phát huy các thành tích cải cách như những năm qua. Khi Covid-19 được kiểm soát trở lại, EU và Việt có cơ hội đáng kể để tăng cường thương mại và đầu tư nhờ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Vốn FDI vào Việt Nam tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hút đầu tư

Chiều ngày 27/9, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng”. Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, khi cả nước đang gồng mình chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, đến môi trường đầu tư, chú trọng cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Tại tọa đàm, các chuyên gia đã bàn luận và đưa ra nhiều giải pháp để tạo môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn từ đó phát huy tiềm năng, lợi thế nổi bật của Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư

Dù có nhiều điểm nổi trội từ việc thu hút FDI song nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, làn sóng dịch Covid- 19 lần thứ 4 với sức tàn phá dữ dội có thể làm gia tăng tâm lý phân vân, e ngại của giới đầu tư. Chính vì vậy, việc cải thiện môi trường đầu tư, linh hoạt trong giải pháp phòng, chống dịch là nhiệm vụ căn cơ lúc này.

Trao đổi với báo chí về giải pháp để DN phục hồi sản xuất, ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Heineken Đà Nẵng kiến nghị, nên cho phép các DN được chủ động mô hình riêng để vừa chống dịch, vừa sản xuất an toàn. Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng, ông Kim Jinmo cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay dù không muốn song cần phải xác định “sống chung” với dịch. Do đó quá trình kiểm soát dịch không cần thiết phải “đóng băng” việc di chuyển. Bởi vậy, cần có những chính sách kiểm soát phù hợp.

Phân tích về kịch bản mở cửa lại nền kinh tế, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là đòi hỏi bắt buộc để phục hồi và tăng trưởng. Trước hết, có thể nới lỏng và tổ chức lại hoạt động kinh doanh tại “vùng xanh”, khu vực an toàn, không có F0 trong cộng đồng trong 2, 3 tuần. Những người quay trở lại sản xuất, kinh doanh nên được tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine và kèm theo đó là bảo đảm 5K. Ông Thịnh cũng nhận định, khi nhiều DN trở lại hoạt động bình thường, đặc biệt là những DN lớn có hàng chục nghìn công nhân thì lực lượng lao động này không phải đến từ một vùng, mà có thể đến từ “vùng xanh, vàng, đỏ” nên phải phân loại kỹ lưỡng.

Cùng với đó, các chuyên gia kinh tế đều nhất quán, kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế cần phải thực hiện từng bước, hài hòa với các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.

Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông: Việt Nam là nơi tốt nhất để các doanh nghiệp số đầu tư

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid -19 đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng DN nước ngoài. Những dữ liệu đó cho thấy các DN FDI đã chọn Việt Nam để đầu tư lâu dài.

Đáp lại niềm tin của cộng đồng DN, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các DN,...

Trong khó khăn, dịch Covid-19 cũng giúp chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là kinh tế số đóng góp 20% GDP, và có 100.000 DN công nghệ số, Việt Nam sẽ là nơi tốt nhất trong khu vực để các DN số tới kinh doanh và thành công. Việc Chính phủ Việt Nam đang tích cực tập trung thúc đẩy chuyển đổi số cũng là một yếu tố quan trọng thu hút các DN nước ngoài. Chuyển đổi số không chỉ thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, mà còn giúp giảm nhiều chi phí sản xuất cho DN. Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành quốc gia số.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Triển vọng thu hút FDI rất sáng

Sự cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần lưu ý một số vấn đề. Đó là các nhà đầu tư FDI mới và FDI dịch chuyển. Làn sóng dịch chuyển FDI khiến các nước phải có phương án giữ chân, mời chào. Cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài và thu hút dòng vốn dịch chuyển hết sức quyết liệt. Để tận dụng dòng vốn ngoại, Việt Nam cần có khả năng cạnh tranh, hiệu suất cao hơn trong sản xuất để duy trì lợi thế, giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp giãn cách làm hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và triển khai dự án tại Việt Nam, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng chỉ giảm nhẹ (2,1%) so với cùng kỳ năm ngoái; đặc biệt, vốn đăng ký mới vẫn tăng mạnh (16,3%), vốn giải ngân vẫn đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2020, điều đó càng chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn rất sáng.

Với niềm tin của cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả để phát huy nội lực, tận dụng ngoại lực cho phát triển kinh tế.

H.Hương(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Cần chính sách trợ lực dài hơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO