Thu phí ngàn tỷ, cảng biển vẫn tắc

Đoàn Xá 17/04/2021 07:42

Mặc dù đã chính thức thông qua việc thu phí cảng biển, với dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm từ các doanh nghiệp (DN) vận tải nhưng nhiều đường dẫn vào cảng biển lớn như Cát Lái, Hiệp Phước, Phú Hữu... đều là điểm đen ùn tắc giao thông suốt nhiều năm. Dù đã nhìn được tình trạng này nhưng thực tế chính quyền TP HCM vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết.

Đường vào cảng Cát Lái thường xuyên ùn tắc.

Khó như vào cảng biển!

Theo dự kiến, trong thời gian từ tháng 7-8/2021, toàn bộ các thùng container xuất và nhập khẩu qua hệ thống cảng biển nằm trên địa bàn TPbHCM sẽ chịu một mức phí là “phí cảng biển”, bên cạnh các chi phí mà DN đang chi trả.

Phí cảng biển có mức cao nhất là 4,4 triệu đồng/container 40 feet và thấp nhất là 15.000/tấn với các loại hàng lỏng, rời không đóng trong container. Theo tính toán, với hệ thống cảng biển như hiện nay, mỗi năm TP HCM sẽ thu được khoảng 3.000 tỷ đồng.

Mặc dù có mức thu lớn nhưng thực tế đường sá di chuyển vào các cảng lớn, quan trọng ở TP HCM đều rất nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc. Thậm chí nhiều nơi còn cấm xe container, xe tải di chuyển ở các khung giờ thông thường khiến việc vận tải, chi phí nhân công, luân chuyển hàng hóa của DN vừa tốn kém, vừa khó khăn.

Cụ thể, như cảng Phú Hữu (quận 9, Thủ Đức) dù là cảng nước sâu chuẩn quốc tế, có thể đón tàu hàng chục ngàn tấn với diện tích 24 ha cùng nhiều kho trữ nhưng đường vào lại vô cùng chật hẹp. Tuyến đường Nguyễn Duy Trinh độc đạo kết nối cảng này với tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hay xa lộ Hà Nội hay tỉnh Bình Dương, Tây Ninh... nhiều năm qua được gọi là “cung đường tử thần”.

Có chiều dài gần chục cây số nhưng tuyến đường này nhiều khúc cua, cầu hẹp. Đường hiện hữu gần như chỉ vừa đủ 2 xe container ngược chiều tránh nhau nên các phương tiện như xe cá nhân, xe gắn máy rất vất vả khi lưu thông. Tình trạng ùn tắc gần như xuất hiện hàng ngày, có nhiều điểm đen về tai nạn.

Ngoài ra, để hạn chế xe container, xe tải nên đường này có 3 khung thời gian cấm các phương tiện trên 3,5 tấn là khung giờ 6h-8h; 11h-13h và 16h-20h. Hậu quả là nhiều xe tải, container từ nơi khác tới đây nếu không kịp khung giờ trên, tài xế buộc phải đậu ở các khu vực đường lân cận như Võ Chí Công, Nguyễn Thị Tư khiến các đường này cũng bị ùn tắc, kẹt xe cùng.

Từ hàng chục năm trước, dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đã được đề xuất nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Vài năm trở lại đây, khu vực này (trên địa bàn quận 2, quận 9) bùng nổ các dự án chung cư, nhà ở, khu dân cư nhưng tuyến đường này vẫn vậy khiến đường vào cảng biển ngày một khó hơn.

Tương tự, cảng Cát Lái (quận 2, Thủ Đức) là cảng nước sâu lớn nhất cả nước với khoảng 90% số container xuất nhập khẩu phía Nam đi qua đây. Tuy có một số dự án hạ tầng đã được triển khai nhưng tới hiện nay, tình trạng xe container xếp hàng dài ùn tắc ở đây vẫn thường xuyên xảy ra. Trục chính ra vào cảng là đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống hay xa lộ Hà Nội vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vận tải của doanh nghiệp.

Với lưu lượng khoảng 20.000 lượt xe mỗi ngày, hạ tầng hiện hữu khu vực này gần như không đáp ứng nổi. Tương tự, cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), cảng lớn thứ 2 ở TP HCM và rất quan trọng cũng thường xuyên ùn tắc ở đường dẫn vào đường Nguyễn Hữu Thọ. Điều đáng nói, khu vực cảng hiện nay đều khá trung tâm, dân cư đông đúc khiến việc mở rộng đường dẫn vào cảng đã khó càng thêm khó.

Ì ạch dự án “giải cứu”

Sở GTVT TP HCM mới đây có văn bản kiến nghị UBND TP HCM xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện một số dự án hạ tầng giao thông nhằm kết nối cảng biển trong giai đoạn 2021-2025. Tổng số vốn của hàng loạt dự án này lên tới 27.000 tỷ đồng. Cụ thể, các dự án đó gồm dự án đoạn 1 (thuộc Vành đai 2) đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội bao gồm nút giao Bình Thái (Thủ Đức) có tổng mức đầu tư 9.047 tỉ đồng.

Dự án này đã được trình đề xuất chủ trương đầu tư, có quy mô xây dựng 2 đường song hành hai bên cho 6 làn xe. Giai đoạn 2 (thuộc Vành đai 2) đoạn từ ngã tư Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức) với tổng mức đầu tư 5.569 tỉ đồng, quy mô 6 làn xe. Dự án đã được trình xin chủ trương đầu tư.

Tiếp đó là đề xuất mới dự án xây dựng hoàn thiện tuyến vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (Thủ Đức) mở rộng đường lên 67m theo quy hoạch được duyệt. Dự án dài 2,9 km này có tổng mức đầu tư 1.219 tỉ đồng. Dự án mở rộng, hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía Đông, đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - Vành đai 2 (Thủ Đức) dài 2,2km với tổng mức đầu tư 1.018 tỉ đồng.

Dự án đầu tư hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (quận 7, huyện Nhà Bè) với tổng mức đầu tư 7.013 tỉ đồng. Dự án dài 6,7 km này có quy mô nâng cấp thêm 2 làn xe nhằm phù hợp theo quy hoạch đường rộng 60 m cho 6 làn xe. Cuối cùng, sớm hoàn thành dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư 3.622 tỉ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành các công trình của giai đoạn 1, tuy nhiên còn một số hạng mục chưa hoàn thiện do vướng mặt bằng.

Rất dễ nhận ra, các dự án trên đều rất thiết thực và quan trọng nhưng thực tế không dễ thực hiện. Ngoài nút giao Mỹ Thủy (dẫn vào cảng Cát Lái) đang thi công và đã hoàn thành một số hạng mục thì nhiều dự án mới trong giai đoạn lên kế hoạch.

Theo một chuyên gia về hạ tầng giao thông, trong khi nhu cầu của DN vận tải thay đổi từng ngày thì hạ tầng đường dẫn vào cảng nhiều năm không thay đổi, cũng không đáp ứng được. Việc ùn tắc không phải bây giờ mới xảy ra mà xuất hiện từ hàng chục năm trước. Ngoài ra, chuyên gia này cảnh cũng cảnh báo dù có vị trí tự nhiên thuận lợi nhưng nếu tiếp tục không đáp ứng được nhu cầu DN, các cảng biển ở TP HCM sẽ thất thế trước các cảng địa phương khác.

Đơn giản như cảng quốc tế Long An nằm trên luồng Soài Rạp ở địa bàn huyện Cần Giuộc (Long An) với quy mô tới gần 150 ha đang có nhiều lợi thế cạnh tranh. Do xây dựng, hệ thống đường vào cảng cũng như tính kết nối với nhiều cao tốc cũng thuận lợi hơn mà chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Có thể nói, dù có vị trí thuận lợi, có lịch sử giao dịch lâu dài cũng như hệ sinh thái hỗ trợ rất tốt cho việc xuất và nhập khẩu hàng hóa nhưng nếu không có những chế độ thích hợp với doanh nghiệp, lợi thế cạnh tranh của cảng biển ở TP HCM sẽ thụt lùi so với những cảng khu vực khác. Bởi cuối cùng, chi phí vận tải là điều quan trọng nhất quyết định chọn lựa của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu phí ngàn tỷ, cảng biển vẫn tắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO