Thử thách du lịch

Bắc Phong 03/12/2020 14:00

Năm 2020 là năm đầy khó khăn do đại dịch Covid-19 hoành hành, và cũng là năm thiên tai dữ dội tới tận cuối năm vẫn không dứt. Trong tình thế đó, du lịch gặp muôn vàn khó khăn, sụt giảm nghiêm trọng cả khách quốc tế cũng như khách nội địa. Vượt khó, hồi phục và trỗi dậy là vấn đề khó, không thể xoay chuyển trong một sớm một chiều. Vậy, phải làm gì?

Hội An trước thời gian cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19.

1. Ngày 19/11, Tổng cục Du lịch mở Hội nghị tái cơ cấu thị trường khách du lịch.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ: Ngay từ đầu năm, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong đó, du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Kể từ tháng cuối tháng 2, nước ta tạm dừng đón khách quốc tế. Thị trường nội địa cũng bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội cũng như đợt dịch lần 2.

Theo ông Khánh, dự báo trong năm nay khách quốc tế đến Việt Nam sẽ sụt giảm khoảng 80%, khách nội địa sụt giảm 50% so với năm 2019 mặc dù toàn ngành và hầu hết các địa phương đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu, quảng bá du lịch. Thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam năm 2020 dự báo là 23 tỷ USD.

Trước khó khăn quá lớn ấy, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu vấn đề: Sau những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, đây là lúc các bên liên quan cùng nhau tìm giải pháp cho sự phát triển của ngành du lịch thời gian tới, đặc biệt là việc cơ cấu lại thị trường khách quốc tế, nội địa. “Du lịch Việt Nam phải sớm sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới sau đại dịch Covid-19 với những thách thức đi kèm, do đó phải chủ động những phương án tốt nhất”- theo ông Khánh.

Cơ cấu lại thị trường du lịch là gì trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu? Đó chính là trở lại kích cầu nội địa, khai thác mạnh mẽ và “tôn trọng” du khách nội khi mà du lịch nội địa có vai trò duy trì sự ổn định của toàn ngành khi chưa mở cửa trở lại với du khách quốc tế.

Đáng chú ý, nhiều năm qua du lịch nước nhà quá chú trọng tới khai thác thị trường khách quốc tế (cũng có nghĩa là khách nội địa lép vế), trong đó đặc biệt lại phụ thuộc quá nhiều vào lượng khách từ các thị trường truyền thống. Khi đại dịch bùng phát, thực hiện chủ trương “đóng cửa” để phòng chống và dập dịch, khi các thị trường quốc tế quen thuộc cũng “bế quan tỏa cảng” thì lập tức du lịch nước ta gặp khó. Thực tế cho thấy, việc tăng trưởng nóng thời gian qua của một số thị trường truyền thống đã làm quá tải nhiều điểm đến, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, môi trường, ảnh hưởng việc bảo đảm thương hiệu, chất lượng dịch vụ du lịch quốc gia. Tuy nhiên, cho đến trước đại dịch Covid-19 thực tế ấy đã không được xem xét một cách cần thiết để điều chỉnh. Mà không điều chỉnh thì rủi ro đương nhiên là lớn.

Hội An trong thời gian cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19.

2. Trở lại với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Trong nhiều năm, du lịch nước ta tăng trưởng mạnh, trung bình trong vòng 10 năm tới 15%. Du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dần thực sự là một ngành “công nghiệp không khói”. Ngành du lịch có đóng góp GDP quan trọng cho đất nước, điển hình năm 2019 đạt 9,2% trong GDP. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, phấn đấu năm 2025 đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu 1.700 - 1.800 tỷ đồng, đóng góp 12 - 14% GDP.

Cụ thể, năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%) và tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%). Đó là những con số rất phấn khởi được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2019, triển khai hoạt dộng của ngành du lịch năm 2020, vào ngày 23/12/2019, tại Hà Nội.

Cũng tại hội nghị, thông tin cho biết trong vòng 3 năm (từ 2017) tốc độ tăng trưởng trung bình của du lịch Việt Nam đạt 22%/ năm. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt qua Indonesia vươn lên vị trí thứ tư về lượng khách quốc tế đến. Tính đến ngày 15/12/2019, cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 phòng, trong đó có 171 cơ sở lưu trú 5 sao với 57.751 phòng và 295 khách sạn 4 sao với 39.347 phòng. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp du lịch bước đầu thành lập hãng hàng không, tạo sự liên kết, phát triển mạnh mẽ giữa hàng không và du lịch.

Cũng tại Hội nghị này, ngành Du lịch đặt mục tiêu năm 2020 đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỷ đồng.

Nhưng rồi, như đã nói, năm 2020 đầy khó khăn đã đẩy ngành du lịch vào chỗ thất bát. Lỗi không phải do ngành này mà đến từ nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, làm gì để vượt thoát khỏi khó khăn, chuẩn bị sức lực để bung ra khi thời cơ đến mới chính là việc phải bàn.

3. Từ giữa tháng 9 cho đến đầu tháng 11/2020, miền Trung liên tiếp chịu thiên tai, bão lũ. Đây cũng là khu vực du lịch trọng điểm với nhiều Di sản thế giới được UNESCO công nhận, và cũng là nơi có bờ biển dài, nhiều bãi biển, đảo, vịnh đẹp ngang ngửa những địa chỉ tương tự hàng đầu thế giới.

Nhưng đại dịch và thiên tai đã làm mất đi những lợi thế, không còn thời cơ.

Với đô thị cổ Hội An (được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới vào ngày 4/12/1999), chỉ trong vòng 1 tháng đã có tới 7 trận ngập lụt. Các hoạt động đình trệ, cuộc sống sinh hoạt của người dân đảo lộn. Quá sốt ruột, có người đề nghị lấy việc ngập lụt làm “sản phẩm du lịch” cho Hội An, bằng cách cho khách thuê thuyền để ngắm hai bên hàng phố chôn chân trong nước. Tiếc thay, nếu đó là cách giúp du lịch phố cổ Hội An vượt khó thì nó lại bất cập trên mọi phương diện. Nói điều này như một ví dụ để thấy nếu trong khó khăn mà chọn lựa sai thì sẽ không kết quả, mà còn để lại những hậu quả đáng tiếc.

Với Huế, du khách năm nay cũng sụt giảm mạnh. Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. “Thành phố đáng sống” là nơi bùng phát dịch Covid-19 giai đoạn 2, vào ngày 25/7. Trước đó, Đà Nẵng đã thu hút rất nhiều khách nội địa, những tưởng “và con tim đã vui trở lại” nhưng chỉ vài ca Covid-19 trong cộng đồng thôi thì mọi sự cũng lập tức thay đổi, xấu đi nhanh chóng.

Ở Nha Trang, thành phố biển cực kỳ hấp dẫn, ồn ã quanh năm ngày tháng khi đón tiếp khách cả trong nước lẫn ngoài nước thì cũng khó khăn không kém. Trước khi có dịch, khách nước ngoài khi đến Việt Nam luôn chọn Nha Trang, nhất là với khách du lịch Nga và Trung Quốc. Tại sân bay quốc tế Cam Ranh, khách nước ngoài lúc nào cũng đông, “lấn át” khách bay trong nước là chuyện… rất thường. Nhưng nay cũng vắng ngơ vắng ngắt…

Thực tế ấy cho thấy việc khôi phục du lịch trước mắt là rất khó khăn. Với riêng khách châu Âu, không thể hy vọng từ nay cho tới hết quý I/2021 vì tại thời điểm này hàng loạt nước EU đã ban bố tình trạng khẩn cấp chống dịch. Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Anh… là những nước du khách đến Việt Nam nhiều thì nay cũng đang căng thẳng vì dịch. Một số quốc gia đã ra lệnh giãn cách kéo dài cho tới hết tháng 1/2021. Còn với nước Mỹ, hiện vẫn dẫn đầu thế giới một cách không mong muốn về số ca lây nhiễm Covid-19. Chính quyền liên bang cũng như các tiểu bang quay quắt vì dịch, thì cũng không thể “xuất ngoại” đến Việt Nam để thưởng lãm.

Nói tóm lại cả thị trường châu Âu lẫn Mỹ đều chưa thể khôi phục, ít ra là trong vòng 5 tháng nữa.

Vậy thì chẳng lẽ bó tay?

Như đã nói, điều chỉnh, cấu trúc lại ngành du lịch là điều rất cần thiết. Nhưng nói thì dễ nhưng làm không dễ. Ví dụ như chuyện quay về với khách du lịch nội địa, cho dù có giảm giá sâu để khuyến mại với các tour thì cũng không dễ gì kéo được người dân ra khỏi nhà.

Vì thế, theo giới chuyên gia kinh tế, quan trọng nhất ở thời điểm này phải là tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế mới, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường quen thuộc cho dù từng thu được lợi nhuận cao. Du lịch chỉ có thể đông vui trở lại khi cả khách quốc tế lẫn khách nội địa cùng tăng lên, chứ không chỉ một đối tượng khách.

Năm 2020 là năm “ngủ đông” của ngành “công nghiệp không khói”, cũng mong mau qua và với chủ trương đúng đắn tái cấu trúc sẽ tạo đà cho năm sau và nhiều năm nữa. Đó mới là phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thử thách du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO