Thứ tồn tại duy nhất

Minh Anh 06/04/2021 19:00

Cả tuần nay khi người ta bàn tán về đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng chuẩn bị tái khởi động sẽ rơi vào địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, vậy nên đi chỗ nào thì chuyện cũng xoay quanh giá đất.

Bình minh trên cầu Long Biên. Ảnh: ITL.

Chị Ngọc thân,

Hà Nội những ngày này đang là cuối Xuân. Mưa phùn vẫn còn giăng mắc khắp trên những con đường từ làng đến phố. Mấy bà đầu phố em xì xào: Mưa này mà đi đặt cọc tiền nhà là lộc lắm đấy.

Cả tuần nay khi người ta bàn tán về đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng chuẩn bị tái khởi động sẽ rơi vào địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, vậy nên đi chỗ nào thì chuyện cũng xoay quanh giá đất.

Rằng hôm nay có mấy nhà nhận hợp đồng đặt cọc? Cụ Tính không biết có chia đất cho con cháu không, hay vẫn giữ khư khư để mang theo, tám mươi mấy rồi còn gì nhỉ…

Nhà em cũng không ngoại lệ. Thú thật, hôm nay em mới có thời gian hồi âm thư chị, cũng vì tối nào nhà cũng họp, họp để bàn về mảnh đất hương hỏa. Đương yên đương lành, hai ông anh lại muốn “đón” bố mẹ về ở chung để tiện bề chăm sóc, khu vườn và căn nhà của ông bà sẽ bán đi. Ông trưởng bảo, gần chục tỷ đấy, có bao giờ giá đất lên cao thế đâu. Ông thứ lại động viên, ông bà già rồi, giờ thích đi du lịch, nghỉ dưỡng ở đâu để chúng con lo…

Bố mẹ em thì nhất quyết không đồng ý. “Mảnh đất này là hương hỏa của ông cha. Chúng mày ích kỷ lắm, chỉ nghĩ đến tiền thôi, bán đi rồi thì giỗ chạp, lễ tết về đâu?” - bố em sa mặt kết thúc cuộc họp thứ 4 và cấm cửa luôn hai ông anh!

Đúng là thành phố vừa có đồ án thì nhà em cũng có chuyện. Giờ chẳng biết đến khi nào cả nhà mới quây quần được như xưa.

Câu chuyện nhà em có lẽ cũng đang là nỗi buồn của nhiều gia đình khác. Ngõ bên cạnh vừa tuần trước bán chỉ 35 triệu đồng/mét, tuần này đã lên 50 triệu đồng, vợ chồng hục hặc đổ lỗi cho nhau. Có nhà nhận cọc rồi bỏ, chấp nhận đền bù. Rồi bên cụ Tính cũng vậy, mấy hôm nay ngày nào cụ cũng ra vườn hái khế đem chia cho bọn trẻ con rồi lẩm bẩm, khế đất Bắc Biên ngọt lắm, chả ở đâu bằng.

Còn chị bạn em vừa tuần trước mời ra khu vườn nhà hái rau sạch. Hai vợ chồng cứ sung sướng mãi từ khi mua được mảnh đất bãi ven sông Hồng, không giấy tờ nhưng vẫn có thể quây rào trồng rau, nuôi gà, quả ngọt cũng trĩu trịt. Anh chồng còn bảo, chả thiết tha gì đến phố thị, rảnh là ra vườn cho thư thái đầu óc.

Thế rồi cũng đùng một cái, chị bảo chị hái nốt rau đợt này rồi sang tên cho họ. Năm ngoái mình mua có hơn 3 trăm triệu, giờ hơn 1 tỷ đồng không bán người ta bảo hâm. Anh chồng trách vợ tham, ôm tiền tỷ rồi ngồi nhà cho mụ mị đầu óc.

Chị ạ,

Đây không phải lần đầu giá đất Hà Nội nhảy múa vì liên quan đến vấn đề quy hoạch. Từ việc các huyện lên quận, đến thông tin Hòa Lạc trở thành đô thị vệ tinh có quy mô lớn nhất Thủ đô. Hay chuyện sốt đất ở Vân Đồn, Phú Quốc và nhiều địa phương khác bao lần làm dậy sóng nhà đầu tư. Thế nhưng chỉ sau một thời gian người ta nhận ra, tất cả chỉ là do cò thổi giá. Giá trị thực sau khi bong bóng xẹp khiến nhiều nhà đầu tư vỡ mộng.

Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, hiện tượng tăng giá bất động sản tại các địa phương có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị...gây nhiễu loạn thông tin để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính.

Nhưng thôi, mình không bàn đến những chuyện to tát, vĩ mô. Em chỉ xót xa cho cuộc sống của không ít gia đình ngày càng rối rắm khi vướng vào vòng xoáy của đất đai. Giá đất tăng nhanh và tình người cũng nhanh sụt giảm. Người trẻ thích hưởng thụ, người già thích ấm cúng, sum vầy. Thế là mâu thuẫn xảy ra. Rồi cả những bi kịch đau lòng.

Vì sao nên nỗi này? Tại sao mỗi đợt sóng nhà đất thì sức đề kháng của con người lại kém đi? Tại sao những đứa con luôn luôn có tư tưởng đòi hỏi từ phía cha mẹ mình, rằng phải lo cho chúng có đủ nhà cửa, tiền bạc chứ không phải tự chúng gây dựng nên. Theo em, có lẽ cũng một phần do cách cư xử trong mỗi gia đình. Nhiều ông bố, bà mẹ luôn tâm niệm rằng mình phải có trách nhiệm lo cho con cái, mỗi đứa phải có nhà cửa để yên bề gia thất thì mới yên tâm, rồi chết mới nhắm mắt…

Chính vì suy nghĩ ấy vô hình trung biến những đứa con trở nên ích kỷ, hẹp hòi, ỷ lại, thậm chí tham lam và vô trách nhiệm. Chúng chỉ biết đòi hỏi và hưởng thụ mà không nghĩ đến cảm giác của những bậc sinh thành. Thử hỏi có những ông bà nào đang sống vui vẻ ở làng xóm, hòa mình vào cộng đồng thôn quê mà lại thích lên chung cư, hay nhà phố để hưởng thụ?

Em rất thích quan điểm của Phó Giáo sư Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học khi ông cho rằng cần phải giáo dục về sự yêu thương, sự chia sẻ, về các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Nếu những anh chị em ruột thịt yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ, chăm sóc nhau, tôn trọng nhau trên nền tảng của đạo lý và pháp lý sẽ khó xảy ra những tranh đoạt, tị hiềm, xung đột. Nếu được thường xuyên giáo dục đạo đức, văn hóa, các qui tắc ứng xử văn minh và sự hiểu biết pháp luật thì chắc chắn sự bình yên sẽ đến với mỗi gia đình.

Trở lại câu chuyện của nhà em. Cũng chẳng biết đến bao giờ bố nguôi giận để chấp nhận bữa cơm sum vầy vào mỗi dịp giỗ chạp hay lễ tết. Cũng chẳng biết đến bao giờ mấy ông anh em sẽ hết bức bối khi thấy bố mẹ khư khư ôm đất tiền tỷ trong khi họ phải đôn đáo mưu sinh ngoài xã hội.

Thế nhưng Ngọc ạ, thời gian trôi chảy, em tin sau cơn địa chấn này, bình tâm lại họ sẽ nhận ra, chỉ có gia đình mới là thứ tồn tại bền vững nhất, nếu đánh mất nó mọi thứ khác sẽ chẳng có ý nghĩa gì, kể cả đó là tiền tỷ hay chục tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thứ tồn tại duy nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO