Thủ tướng Anh ra 'tối hậu thư' về Brexit

Khánh Duy 04/10/2019 01:00

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 3/10 dường như đã đưa ra “tối hậu thư” cho Liên minh châu Âu (EU) khi công bố thỏa thuận cuối cùng cho Brexit, đưa ra hy vọng về một hiệp ước vào phút chót. Ông cũng cảnh báo rằng Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/10 mà không cần thỏa thuận, trong trường hợp xấu nhất.

Thủ tướng Anh ra 'tối hậu thư' về Brexit

Tiến trình Brexit ngày càng trở nên rối ren (Nguồn: Reuters).

“Tối hậu thư”

Ông Johnson đã đưa ra một giải pháp mới cho vấn đề đang gây chia rẽ nhất là các trạm kiểm soát tại đường biên giới của 2 miền Ireland. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã hoan nghênh “những thay đổi mới” trong thỏa thuận của ông Johnson, như việc đồng nhất quản lý tại một khu vực đối với tất cả các mặt hàng của hai miền Ireland, nhưng vẫn cẩn trọng nêu lên một số vấn đề.

“Vẫn còn một số điểm khúc mắc cần được giải quyết trong những ngày tới, đặc biệt liên quan tới vấn đề biên giới của 2 miền Ireland- Văn phòng của ông Juncker cho hay – “Phía EU mong muốn một thỏa thuận. Chúng tôi luôn đoàn kết và sẵn sàng làm việc ngày đêm để việc này trở thành hiện thực, như đã làm suốt 3 năm qua”.

Phía Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết thỏa thuận mới của ông Johnson không đáp ứng đủ các yêu cầu của nước này nhưng hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục nghiên cứu và thảo luận cùng EU.

Phía Ngân hàng Đức Deutsche Bank nhận định vẫn có 50% khả năng xảy ra Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng này. Điều này ­­­sẽ khiến các thị trường tài chính trở nên hỗn loạn, đồng thời tạo nên nhiều dư chấn với kinh tế đôi bên. Nhiều chuyên gia của Anh nhận định rằng thỏa thuận này vẫn là chưa đủ để thuyết phục được EU.

Việc Quốc hội Anh thông qua luật yêu cầu Chính phủ xin gia hạn Brexit nếu không đạt thỏa thuận với EU đang là thách thức rất lớn với mục tiêu của vị lãnh đạo luôn ủng hộ Anh rời EU. Liên tiếp gặp thất bại trong các bước đi nhằm thúc đẩy Brexit, Thủ tướng Johnson được cho là đang ở tình thế khó khăn, trong đó có nguy cơ phải từ chức hoặc bị bãi nhiệm nếu Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ do ông thành lập.

Hiện Quốc hội Anh đã ra luật - mang tên nghị sĩ Hilary Benn của Công đảng, gọi là “Đạo luật Benn” - buộc Thủ tướng Boris Johnson phải đạt thỏa thuận Brexit với EU trước 19/10. Nếu không, ông Johnson sẽ phải xin EU cho gia hạn Brexit đến ngày 31/1/2020. Điều mà các nhà bình luận không thể dự báo được là bản thân ông Johnson cho đến ngày 27/9 vẫn cương quyết nói Anh chia tay EU vào ngày 31/10 tới.

Rất có thể một thỏa thuận Brexit mới của Anh sẽ được đưa ra sớm nhất vào tuần tới để kịp thời gian cho các Chính phủ EU khác xem xét trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 17 và 18/10. Kế hoạch này sẽ đưa ra những giải pháp về vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland hậu Brexit - vốn là tranh cãi gây cản trở các cuộc đàm phán “li dị” suốt 2 năm qua.

Không từ chức

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ không từ chức để tránh phải tuyên bố trì hoãn việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, dự kiến vào ngày 31/10 tới. Trong bối cảnh đảng Bảo thủ cầm quyền và đất nước ở vào thời điểm khó khăn, ông khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện công việc với niềm tin đó là trách nhiệm.

Lý do Anh có thể trì hoãn rời EU sau tháng 10 một phần là do Quốc hội Anh thông qua “Đạo luật Benn” - buộc Thủ tướng Boris Johnson phải đạt thỏa thuận Brexit với EU trước 19/10. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10, nhiều khả năng ông Johnson sẽ lựa chọn từ chức sau chưa đầy 100 ngày cầm quyền thay vì chịu sức ép yêu cầu EU tiếp tục gia hạn.

Trong trường hợp được gia hạn, ông Johnson hay nhà lãnh đạo nào đó của đảng Bảo thủ có thể tiếp tục các nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận Brexit sửa đổi mà có thể được Quốc hội thông qua. Nếu không có sự đột phá nào như vậy diễn ra trong năm 2020 thì Brexit “không thỏa thuận” có thể là lựa chọn mặc định đối với EU khi một hoặc cả hai bên kết luận rằng các cuộc đàm phán đã ở mức giới hạn cuối cùng. Lập trường của EU gồm 27 nước thành viên đã trở nên cứng rắn hơn.

Trường hợp nữa có thể là sự ra đi không thỏa thuận dưới chính quyền không thuộc đảng Bảo thủ - có khả năng nhất là Công đảng hoặc có thể là Chính phủ đoàn kết dân tộc lâm thời. Do các đảng đối lập phản đối mạnh mẽ Brexit “không thỏa thuận”, nên kịch bản này ít có khả năng xảy ra hơn so với kịch bản một, tuy nhiên nó vẫn có thể diễn ra nếu quan hệ giữa Anh với EU tan vỡ.

Dù có hay không một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2019, lý do giải thích tại sao đảng Bảo thủ có thể mất quyền điều hành trong những tuần tới là do ông Johnson không có được sự ủng hộ đa số trong Quốc hội. Nếu ông từ chức trước hoặc sau ngày 31/10, hay thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, một chính quyền không thuộc đảng Bảo thủ có thể được thành lập và ngay sau đó có thể diễn ra một cuộc tổng tuyển cử nếu Brexit được gia hạn đến năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng Anh ra 'tối hậu thư' về Brexit

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO