Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các tổ chức tôn giáo

Quốc Định 30/08/2022 14:35

Chúc mừng những thành tựu, đóng góp tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Ngày 30/8, tại Hội trường Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Thành, Quận 1, TP HCM), Bộ Nội vụ tổ chức “Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đăng Huy.

Tham dự hội nghị còn có ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; bà Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM... cùng hơn 100 vị chức sắc lãnh đạo đại diện của các tổ chức tôn giáo và chức sắc các tôn giáo; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương…

Hội nghị nhằm khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức tôn giáo và mọi người; thúc đẩy đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc. Đồng thời, ghi nhận những giá trị tích cực và đóng góp của các tổ chức tôn giáo đối với đời sống xã hội; phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội nghị. Ảnh: Đăng Huy.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tính đến nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với khoảng 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, trong đó có trên 54 ngàn chức sắc, trên 135 ngàn chức việc và gần 30 ngàn cơ sở thờ tự.

Dù mỗi tôn giáo có hệ thống giáo lý, giáo luật và đường hướng hành đạo khác nhau, nhưng cùng có điểm tương đồng ở tinh thần hòa hợp dân tộc, truyền thống yêu nước. Giáo lý của các tôn giáo đều chứa đựng những giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái góp phần lưu giữ và phát huy nhiều giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo ông Vũ Chiến Thắng, hiện phần đông các tín đồ tôn giáo đang trong độ tuổi lao động chính là lực lượng sản xuất đông đảo tham gia vào tất cả các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, đã và đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, cùng với các thành phần xã hội khác đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, những năm qua, các tổ chức tôn giáo đã phát huy thế mạnh của mình tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội với những mô hình cụ thể, như trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật; đào tạo lao động nông thôn; phòng thuốc phước thiện, xe cứu thương miễn phí; xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; xây cầu, làm đường nông thôn... góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo cho người có công và giúp đỡ người nghèo, người yếu thế trong xã hội “để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quà cho các đại biểu. Ảnh: Đăng Huy.

Ở lĩnh vực giáo dục, cả nước có khoảng 300 trường và 2000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề do các tổ chức tôn giáo thực hiện. Nhiều tổ chức tôn giáo còn thành lập các đội tình nguyện hỗ trợ xóa mù chữ cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; lập chi hội khuyến học, khuyến tài hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học. Bên cạnh đó, cả nước có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập.

Trong các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội, hiện nay cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo được cấp phép hoạt động, đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội.

Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân bằng những nghĩa cử cao đẹp, với nhiều đóng góp to lớn về con người, vật chất và tinh thần, góp phần cùng chính quyền và nhân dân cả nước sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và ổn định lao động, sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu trao quà cho các đại biểu. Ảnh: Đăng Huy.

Chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho Quỹ vaccine, hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ phòng, chống Covid-19 ở Trung ương và địa phương; cử trên 3.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch; tặng 24 xe cứu thương, nhiều trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng dịch và triển khai hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội; những mô hình "Siêu thị 0 đồng", "Gian hàng 0 đồng", "ATM gạo", "Bếp yêu thương"… cùng hàng triệu suất ăn miễn phí cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân có hoàn cảnh khó khăn đã lan tỏa tình yêu thương và tiếp thêm sức mạnh để đất nước vượt qua đại dịch.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong các giai đoạn lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều vị chức sắc các tôn giáo đã được Bác Hồ mời làm cố vấn cho Chính phủ. Từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá I đến khoá XIV, đã có 58 chức sắc, chức việc tiêu biểu của các tôn giáo được bầu vào Quốc hội và hàng nghìn chức sắc tôn giáo tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; hàng chục nghìn chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia các đoàn thể, tổ chức xã hội…

Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Dinh Thống Nhất .Ảnh: Đăng Huy.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, với trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, các chức sắc tôn giáo đã thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa ý Đảng và lòng Dân; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng và tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân.

“Trên tinh thần nhân văn, bác ái trong giáo lý của mình, các tổ chức tôn giáo đã chung tay cùng chính quyền các cấp, tham gia hiệu quả vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, đào tạo nghề, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các hoạt động cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh… với trị giá lên tới hàng ngàn tỉ đồng, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Biểu dương, chúc mừng những thành tựu, đóng góp tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Đồng thời, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tham gia hiệu quả các hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo; góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, đồng thời khẳng định Chính phủ luôn sẵn sàng lắng nghe, nỗ lực tạo ra những điều kiện phù hợp để huy động sức mạnh đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, chức năng liên quan tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất, nhằm phát huy mọi nguồn lực của tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước; tiếp tục chăm lo phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào tôn giáo, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Giao Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ tập hợp các tham luận, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hội nghị; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các tổ chức tôn giáo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO