Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần ‘3 không và 5 thật’

H.Hương 27/09/2021 06:00

Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh Covid-19.

Đây là lần thứ 2 trong hơn một tháng qua, Thủ tướng tổ chức đối thoại cùng cộng đồng DN cả nước, với mục tiêu không để kinh tế suy giảm nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, chống dịch bệnh trong sản xuất kinh doanh và ổn định dân sinh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự buổi đối thoại. Ảnh: Đoàn Bắc.

93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ rất quan tâm đến tình hình DN bởi DN có khỏe thì nền kinh tế mới mạnh. Chính phủ mong muốn có thêm nhiều hơn nữa những chính sách sát thực tế để hỗ trợ cộng đồng DN một cách hiệu quả hơn.

Nêu lên những khó khăn mà cộng đồng DN đang gặp phải đến từ nguyên nhân khách quan là dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới, Thủ tướng khẳng định, không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển.

Báo cáo về Nghị quyết 105/NQ-CP hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Việc triển khai một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.

Tỷ lệ DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các DN tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để DN có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

Trước những khó khăn nêu trên, Bộ KH-ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 105/NQ-CP. Đặc biệt, Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất.

Báo cáo tại buổi đối thoại, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài đã khiến tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng, 93,9% DN chịu tác động tiêu cực. Trong đó, 3 ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.

Theo phản ánh từ các hiệp hội DN, ngành hàng sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do thực hiện được phương án “3 tại chỗ”, còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng sản xuất. Khảo sát của VCCI cũng cho biết, trung bình có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 DN thì có 9 DN phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan.

Vì vậy, đối với các giải pháp cấp bách, cộng đồng DN kiến nghị với Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng, chống dịch trong tình hình mới; huấn luyện thực hiện “Y tế tại chỗ”; khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh Covid-19”, thống nhất sử dụng một nền tảng/ứng dụng… để tạo điều kiện ổn định nguồn nhân lực lao động, chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi DN, VCCI đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giải quyết các thủ tục hành chính liên quan tới DN theo phương thức điện tử, không tiếp xúc; rút ngắn 1/3 các thời hạn quy định cho các thủ tục này, tiếp tục miễn giảm, hạ lãi suất…

Doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể

Lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng DN, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ tiếp tục các giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn.

Thủ tướng cho biết, với phương châm DN, doanh nhân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể nên Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân, gần DN hơn, để DN đến với chính quyền nhanh hơn. Cùng với đó đẩy mạnh hợp tác công - tư để các DN, doanh nhân nghiên cứu tham gia sâu hơn, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực y tế... trên tinh thần những gì người dân làm được, DN làm được và làm tốt hơn, thì người dân, DN thực hiện, Nhà nước chỉ làm những gì cần kiểm soát về mặt an ninh, quốc phòng và các cân đối lớn, vĩ mô...

Thủ tướng đề nghị các DN, doanh nhân tiếp tục đóng góp ý kiến cùng Chính phủ thực hiện đột phá về thể chế; tham gia nhiều hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện, tăng năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số; tái cấu trúc lại DN; tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để Việt Nam đủ năng lực ứng phó với các vấn đề nảy sinh.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của DN, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với DN, trên tinh thần “3 không và 5 thật”. “3 không” là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; “5 thật” là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và DN được thụ hưởng thành quả thật”. Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” có sự tham gia ý kiến của DN. Đặc biệt, tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho DN; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các DN để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền trên quan điểm “lợi ích thì hài hòa; rủi ro thì chia sẻ”.

Trong 8 tháng năm 2021, cả nước có 81.600 DN đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 DN rời khỏi thị trường. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 DN rời khỏi thị trường. Các chỉ tiêu về số DN thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8/2021 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần ‘3 không và 5 thật’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO