Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính gỡ khó cho doanh nghiệp

Thuý Hằng 08/07/2020 08:15

Khó khăn thách thức phía trước còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tài chính cần tìm được lời giải để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN).

Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ để sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: Quang Vinh.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Theo Thủ tướng, cỗ máy tăng trưởng được ví như cỗ xe tam mã (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng). Do vậy, ngành tài chính sẽ đóng góp lực đẩy cỗ xe tam mã này như thế nào để kéo nền kinh tế. Đó là cần tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các cấp, các ngành phải phấn đấu cao nhất để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Bảo đảm dự toán thu chi ngân sách đã đề ra; bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối với các nền kinh tế.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 vào sáng 7/7, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo lời Thủ tướng, IMF cũng như nhiều nước trên thế giới đã liên tục đưa ra những gói kích thích tài khóa khổng lồ lên đến trên 11.000 tỷ USD, đưa mức thâm hụt ngân sách toàn cầu lên đến 13,9% GDP. Do vậy Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.

Đặc biệt lưu ý đến việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đã nhắc lại con số 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) vốn kế hoạch cần giải ngân trong năm 2020 và yêu cầu Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công.

Thu ngân sách gặp khó

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước biến động rất lớn do tác động của đại dịch Covid-19. Số liệu cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019; nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013”.

Dẫu biết kinh tế gặp khó, song có mặt tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương khẳng định, quyết tâm thu đủ ngân sách.

Theo ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 143 nghìn tỷ đồng, đạt 51,5% dự toán, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2020 là hơn 31.882 tỷ đồng (đạt 30,9% dự toán); chi thường xuyên thực hiện là 19.357 tỷ đồng (đạt 40% dự toán). Với kết quả thu chi như trên, cân đối ngân sách của TP. Hà Nội được giữ vững, đảm bảo nguồn lực kịp thời cho công tác phòng chống dịch, thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nên dù thành phố đã nỗ lực thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ nhưng GRDP của thành phố 6 tháng đầu năm chỉ tăng trên 2% (trong khi cùng kỳ tăng tới 7,86%).

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm trên địa bàn theo ông Trần Vĩnh Tuyến, đó là kết quả từ việc đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ năm 2019 là chủ yếu. 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN trên địa bàn thành phố đạt hơn 165 nghìn tỷ đồng (đạt 40,21% so với dự toán). Về chi ngân sách, 6 tháng thành phố đã thực hiện chi hơn 31.349 tỷ đồng (34% dự toán). Thành phố đã điều chỉnh giảm thu ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng để dành cho kiểm soát dịch và các chính sách an sinh xã hội.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đại diện lãnh đạo 2 địa phương lớn cho biết, sẽ quyết tâm phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu tài chính – ngân sách đề ra. Trong đó, sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khôi phục nhanh tình hình sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tập trung vào thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu… Ngoài ra tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo thu hút đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính gỡ khó cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO