Thư viết cho con vào những ngày miền Trung nước lũ

Ngọc Anh 29/10/2020 11:00

Máu chảy ruột mềm, cả nước hướng về miền Trung từng giờ từng phút. Càng vào lúc khó khăn lại thấm thía tình nghĩa đồng bào.

Đồng bào cả nước hướng về miền Trung với cả tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp.

G. yêu quí!

Khi tôi viết cho G. những dòng này thì cơn bão số 8 lại đang diễn biến cực kỳ phức tạp ở ngoài khơi. Mà thật là nghịch lý, trước bão, tiết trời Hà Nội đẹp lạ lùng. Ở một dải đất miền Trung, nước lũ đã ngập sâu nhiều ngày, tan hoang hết cả nhà cửa ruộng vườn. Quê hương năm nào cũng hứng chịu mưa bão, lũ lụt, nhưng lũ như năm nay thì hiếm gặp, hậu quả nặng nề quá G. ạ.

Nỗi đau thời bình lớn quá! Hơn 100 người dân đã chết trong mưa lũ. Trong đó đau xót vô cùng khi 13 liệt sĩ hy sinh trên đường đi cứu nạn ở Huế có nhiều sĩ quan cao cấp, 22 liệt sĩ bị vùi trong đất đá ở Quảng Trị có những chiến sĩ mới chỉ tròn 20 tuổi.

Máu chảy ruột mềm, cả nước hướng về miền Trung từng giờ từng phút. Càng vào lúc khó khăn lại thấm thía tình nghĩa đồng bào.

G. ạ!

Hôm nay trong thư gửi G. tôi muốn cho G. xem một bức thư khác. Một bức thư tôi gửi cho con trai vào những ngày miền Trung nước lũ. Thư như thế này:

“Con trai yêu quí!

Sáng nay mẹ thực phiền lòng vì con đã mất 15 phút không chọn được bộ quần áo để mặc đi học. Những ngày không phải mặc đồng phục, chuyện mặc gì luôn làm mất thời gian vào buổi sáng của con. Mẹ thì muốn con phải mặc những bộ thật rộng rãi, giản dị để con ở trường cả ngày không bị khó chịu gò bó. Con thì không muốn vì như thế trông không thời trang. Rồi tiếp theo là đến chuyện ăn sáng. Con luôn luôn muốn trốn ăn sáng vì trăm ngàn lý do, vì không biết chọn xem ăn gì.

Hôm nay, khi con mất 15 phút để lựa quần áo thì mẹ thấy cần viết thư cho con. Bởi vì đêm qua mẹ mất ngủ. Đêm qua, hình ảnh những người dân miền Trung gồng mình chống lũ ám ảnh mẹ.

Mẹ muốn con biết rằng trong lúc con lựa giữa một tủ quần áo vì không biết mặc gì thì hàng ngàn bạn nhỏ miền Trung đang không có gì để mặc. Đói và rét. Có bạn bé tí một mình trông nhà giữa mênh mông nước, nhịn đói, nhịn khát tới mấy ngày liền. Nhiều bạn hàng tuần trời chỉ biết ăn sống mì tôm. Tối qua, con có nhìn thấy trên bản tin thời sự, có bạn sau nhiều ngày không được ăn cơm, đã cầm nắm cơm nắm vừa nhai vừa dàn dụa nước mắt. Con có nhìn thấy có những em nhỏ, cởi trần cởi truồng, mắt sáng ngời khi nhìn thấy hộp sữa.

Mẹ rất muốn con biết rằng, trong khi con không biết nên mặc gì, không muốn ăn gì thì rất nhiều bạn nhỏ đang không được đến trường và có nguy cơ không thể tiếp tục đến trường. Vì thiếu sách vở, vì nhà sẽ không còn gạo ăn và hết tiền để đóng học.

Không ai muốn trẻ em phải chịu thiệt thòi. Nhưng có những trẻ em đang phải chịu thiệt thòi. Và con cùng nhiều bạn khác đang may mắn được sống đầy đủ cần phải cảm nhận được điều đó. Mẹ muốn con không chỉ gom quần áo, sách vở gửi tới các bạn vùng lũ mà quan trọng hơn, con phải hiểu được giá trị của cuộc sống, của tình thương yêu, của sự sẻ chia.”

G. ơi, có đồng cảm tí nào với tôi. Tôi nghĩ là có, vì G. cũng thường có cách uốn nắn các con hướng về quê nhà. Tôi biết G. vẫn mong muốn các con duy trì tiếng Việt bằng cách khi ở nhà thì bắt buộc phải nói tiếng Việt. Tôi biết G. vẫn kể cho các con nghe chuyện quê nhà...

Tôi muốn những đứa trẻ thành thị như con tôi hay con G. phải hiểu về những đứa trẻ không phải chỉ bị thiếu cơm ăn, nước uống trong những ngày đỉnh lũ mà còn bị cuốn trôi hết sách vở và đồ dùng học tập rồi. Trường học cũng ngập sâu. Một trong những bức ảnh ám ảnh tôi nhất là hình ảnh một đứa trẻ ngồi bên cạnh đống sách vở đã bị ướt hết. Một ánh mắt trẻ thơ khắc khoải. Rồi đây các con sẽ trở lại trường học, trong gian khó và thiếu thốn. Đúng là không ai muốn trẻ em phải chịu thiệt thòi nhưng cuộc đời này vẫn có nhiều đứa trẻ phải chịu thiệt thòi.

G. ạ, miền Trung năm nào cũng gặp bão, gặp lũ. Nhưng lũ lụt nghiêm trọng như năm nay thì nhiều năm mới lặp lại một lần. Chúng ta sau mỗi lần gặp thiên tai thì đều nghĩ đến những bài học, những kinh nghiệm. Nhưng tôi nghĩ rằng ngay cả ở những nước phát triển nhất, cường thịnh nhất trên thế giới nếu gặp thiên tai cuồng nộ bất ngờ cũng không làm cách nào trở tay kịp. Ở mình lũ lụt thường xuyên nhưng không phải năm nào cũng lụt to như năm nay. Chúng ta không có cách nào làm cho bão ít đi hay lũ lụt ít đi. Nhưng đúng là chúng ta có thể phòng tránh, có thể có những giải pháp căn cơ để lũ lụt không gây lên những hậu quả đau lòng.

Trận lũ lụt miền Trung năm nay cho thấy cái chúng ta cần là phải có một lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp và hiện đại, đủ sức ứng phó với ngay cả những tình huống bất ngờ nhất. Chúng ta cũng cần hệ thống nhà cửa thoát lũ và chống lũ, mỗi một thôn xóm một làng quê phải có được những căn nhà kiên cố cao tầng mà nếu lũ dâng cao thì người dân có thể tập trung vào tránh lũ chờ lực lượng cứu hộ tới...

Tôi không đủ hiểu biết để bàn sâu hơn vấn đề này, nên tạm đưa ra vài ý kiến như vậy.

G. yêu quí!
Đồng bào cả nước hướng về miền Trung với cả tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp. Những người dân quê nổi lửa nấu bánh chưng để đem giúp người vùng lũ đang bị nước lũ cô lập. Các họa sĩ bán đấu giá tranh trên mạng, số tiền thu được chuyển giúp đồng bào 100%. Các ca sĩ, nghệ sĩ bỏ công việc đi làm cứu trợ. Ngay từ khi nghe tin Quảng Bình, Quảng Trị bị lũ dâng cao, ngập trong nước, sư thầy chùa Phổ Linh ở Tây Hồ (Hà Nội) đã lập tức lên đường. Hôm sau, tôi nhìn thấy ảnh nhà sư trên một tờ báo mà các đồng nghiệp chụp được. Chân dầm trong nước lạnh, sư bà tận tay gửi tới từng người dân những phần quà. Còn rất nhiều nghĩa cử cao đẹp mà chúng ta không thể nào liệt kê ra được hết. Những con số vật chất cụ thể cùng tấm lòng đồng bào cả nước có lẽ cũng làm đồng bào miền Trung cảm thấy ấm lòng, để trong hoạn nạn đồng bào vẫn thấy không lẻ loi đơn độc.

G. thân, trên mạng xã hội mấy hôm nay mọi người bàn nhiều về việc cứu trợ. Thôi thì mỗi người một ý. Cái được lớn nhất là chúng ta cùng chung tay, là đạo lý Việt Nam tương thân tương ái vẫn đang ngời sáng.

Có những thân phận con người trong bão lũ sẽ còn ám ảnh chúng ta rất lâu. Có những hình ảnh làm chúng ta đau xót. Con người dù công nghệ và khoa học kỹ thuật có phát triển đến thế nào vẫn thật là nhỏ bé trước thiên nhiên. Việc mỗi chúng ta tranh luận hơn thua nhau đôi khi cũng không mang lại ý nghĩa lắm. Khi mà có những người dân còn đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự chung tay của cả cộng đồng.

G. thân!

Trong những tấm lòng thiện nguyện hướng tới đồng bào lũ lụt có rất nhiều kiều bào ở nước ngoài. Còn một dòng máu Việt Nam ở trong huyết quản đồng bào còn hướng về Việt Nam với biết bao là trìu mến, thân thương! Thật là cảm động và đáng quý biết bao.

Rồi bão lũ sẽ qua đi, cuộc sống mới sẽ được tái thiết. Đấy là điều chúng ta cùng mong mỏi lúc này. Phải không G!

Chào G. nhé!

Hẹn gặp ở thư sau!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thư viết cho con vào những ngày miền Trung nước lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO