Thừa 5.175 giáo viên tiểu học, thiếu 48.718 giáo viên mầm non

Việt Thắng 25/02/2022 08:55

Các quy định về định mức học sinh/lớp và các định mức giáo viên/lớp của các bậc học đang thực hiện còn có những bất hợp lý.

Ngày 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19”.

Dự phiên giải trình có: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, cả nước có 43.205 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Trong đó, 15.041 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non; 12.961 trường tiểu học; 10.770 trường THCS; 2.858 trường THPT. Cả nước có 22.062.008 học sinh mầm non, phổ thông. Trong đó, 5.095.037 trẻ; 8.718.356 học sinh tiểu học; 5.599.918 học sinh THCS; 2.648.697 học sinh THPT.

Theo ông Độ, tính đến tháng 5/2021, cả nước có 1.190.443 giáo viên. Trong đó, công lập 1.108.391, ngoài công lập là 82.052; biên chế 1.059.729, hợp đồng trong các trường công lập 48.662.

Trong tổng số hơn 1 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, tỷ lệ giáo viên ngoài công lập chiếm 6,9% tổng số giáo viên của cả nước không hưởng lương từ ngân sách sự nghiệp.

Tính đến thời điểm hiện nay, ông Độ cho biết, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục thừa 10.178 giáo viên.

Trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT. Còn thiếu 94.714 giáo viên, trong đó thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT.

“Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán. Còn thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật” - ông Độ thông tin.

Lý giải về việc thừa giáo viên, ông Độ phân trần do việc bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, từng địa phương đặc biệt là ở cấp huyện, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh/thành phố trong việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vị toàn tỉnh do giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc quyền quản lý của từng quận/huyện/thị xã cũng như chưa giải quyết tốt vấn đề sắp xếp, điều chuyển giáo viên dẫn đến tình trạng dư thừa cục bộ ở một số cơ sở giáo dục. Việc dồn dịch, sáp nhập trường lớp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW chưa thực hiện triệt để.

Bên cạnh đó, đối với cấp THCS và THPT, do cơ cấu giáo viên phải bố trí theo từng môn học cũng dẫn đến tình trạng dư thừa giáo viên ở một số môn học, nhất là đối với các tỉnh vùng khó khăn, các trường có quy mô nhỏ, số lớp ít.

Trong khi đó cho biết về nguyên nhân của việc thiếu giáo viên, theo ông Độ, do tăng quy mô dân số hàng năm theo tỷ lệ tăng tự nhiên và bên cạnh đó tại các thành phố lớn, khu công nghiệp và các tỉnh Tây Nguyên thì di dân tự do cũng là nguyên nhân dẫn đến tính trạng thiếu giáo viên. Do huy động trẻ mầm non, học sinh phổ thông ra lớp tăng cao để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu về giáo viên của các địa phương chưa sát với thực tế hoặc chưa kịp thời.

Một nguyên nhân được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo nhắc đến là do trong những năm qua, hầu hết các địa phương không giao bổ sung biên chế giáo viên trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế trong bối cảnh quy mô học sinh tăng. Việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan và ngành Giáo dục ở một số địa phương trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp giáo viên chưa chặt chẽ, thống nhất.

Chưa kể, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thêm một số môn học và hoạt động giáo dục mới như: Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học trước đây là môn tự chọn, môn Nghệ thuật cấp THPT là môn học mới nên thiếu toàn bộ giáo viên để dạy các môn học này.

Ông Độ nói: “Các quy định về định mức học sinh/lớp và các định mức giáo viên/lớp của các bậc học đang thực hiện còn có những bất hợp lý cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, vùng, miền và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Đáng chú ý, một số địa phương thiếu nguồn tuyển giáo viên do chưa chủ động đặt hàng với cơ sở đào tạo; thông tin tuyển sinh chưa đầy đủ; chưa có chính sách thu hút trong tuyển dụng nên dẫn tới thiếu nguồn khi tổ chức tuyển dụng.

Đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, ông Độ cho biết, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng chính sách tiền lương mới, trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc và đặc thù nghề nghiệp và không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mặc dù trong xây dựng chính sách tiền lương mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.

Cùng với đó, có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên cống hiến và gắn bó với nghề, chú trọng hỗ trợ và trao quyền cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thông qua các cơ hội phát triển liên tục trong nghề nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thừa 5.175 giáo viên tiểu học, thiếu 48.718 giáo viên mầm non

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO