Thừa Thiên - Huế: Lao đao vì cao su rớt giá

Lê Minh 25/08/2018 01:00

Cây cao su là nguồn thu nhập chính của người dân nhiều địa phương tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, tuy nhiên thời gian gần đây giá mủ cao su “lao dốc” khiến người trồng gặp nhiều khó khăn.

Hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 9.100 ha cao su. Diện tích cao su trồng từ năm 1993-1997 theo dự án 327 trồng rừng phủ xanh đất trống núi trọc, chủ yếu trồng các giống RRIM 600, GT1 và PN235.

Cây cao su được trồng nhiều trên địa bàn các huyện Nam Đông, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Đặc biệt tại huyện Nam Đông được xem là “thủ phủ” cao su của Thừa Thiên-Huế với diện tích khoảng 3.500 ha, đây là một trong những loại cây đã giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Người trồng cao su ở huyện Nam Đông cho biết, vào khoảng những năm 2000, một số diện tích đưa vào khai thác mủ bước đầu có hiệu quả, thị trường đầu ra ổn định, có thời điểm giá mủ cao su thô lên đến 50 ngàn đồng/kg, giúp huyện vùng núi Nam Đông nâng cao thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm, nhờ vậy mà cuộc sống của bà con có của ăn của để, người trồng cao su rất phấn khởi.

Vậy mà thời gian gần đây, khi nhắc đến loại cây này người dân tỏ ra ngán ngẩm bởi giá bán không được cao như trước nữa. Theo người trồng cao su ở xã Hương Phú (huyện Nam Đông) cho hay, hiện mủ cao su quá thấp chỉ 9.000 đồng/kg nên nhiều hộ bỏ bê không khai thác vì sợ lỗ tiền công, tiền phân bón. Nhiều xã khác tại Nam Đông cũng rơi vào cảnh lao đao vì mủ cao su bán ra không được giá.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Trần Quốc Phụng, trước tình hình giá cao su giảm mạnh như hiện nay chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống từng địa bàn, trực tiếp động viên bà con nông dân không nên nóng vội, không được chặt bỏ cây cao su và tiếp tục chăm bón chờ đến thời điểm tăng giá. Đối với diện tích cao su đã già cỗi thì khuyến khích nông dân chuyển sang trồng cây cam.

Cùng chung cảnh ngộ với nhiều hộ dân trồng cao su ở huyện Nam Đông, hàng ngàn hộ nông dân của huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà cũng lao đao khi cao su rớt giá thê thảm.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, giá mủ cao su xuống thấp là do tác động của thị trường, cung lớn hơn cầu. Hiện nay, cao su của Việt Nam được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch do vậy người trồng bị thương lái ép giá. Trong khi đó, cao su chế biến thành các sản phẩm trong nước thì cung lớn hơn cầu.

Trước tình trạng cao su có giá thấp, sau khi Bộ NNPTNT chỉ đạo, Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tuyên truyền vận động người dân trồng cao su trên địa bàn tỉnh hạn chế tối đa việc chặt bỏ cao su. Đồng thời hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và khai thác cao su, có biện pháp để nông dân duy trì bảo vệ vườn cây, nhất là trong giai đoạn giá cả cao su thấp.

Sở NNPTNT cũng đã kiến nghị ngành cao su Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng tiêu thụ trong nước để chủ động đối phó với mức giá cao su thấp, giảm dần sự lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thừa Thiên - Huế: Lao đao vì cao su rớt giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO