Thuận lợi cho dân

Bắc Phong 20/06/2022 07:15

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 721 (ngày 16/6/2022) phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhất là trong lĩnh vực nhà đất. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục cũng như góp phần rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục so với hiện nay.

Theo Quyết định 721, đối với với thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở; bổ sung thêm cách thức nộp thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến tùy thuộc điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai đang quản lý tại địa phương. Hình thức này dựa trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu, liên thông điện tử giữa các cơ quan thuế, tài nguyên và môi trường, kho bạc, bộ phận một cửa, ngân hàng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để cho phép cá nhân, tổ chức thanh toán trực tuyến.

Từ đó giúp cắt giảm thủ tục, chi phí, thời gian đi lại liên hệ với cơ quan thuế, ngân hàng cùng các cơ quan liên quan, thuận lợi cho người dân.

Thực tế cho thấy, thủ tục mua bán, sở hữu nhà, quyền sử dụng đất là khó nhất, phức tạp nhất, mất nhiều thời gian nhất so với các thủ tục hành chính khác. Chính vì sự phức tạp của nó đã dẫn đến kéo dài, kể cả khiếu kiện. Để hoàn thành một giao dịch về nhà, đất cần đầy đủ rất nhiều khâu, chỉ thiếu (hoặc sót) một khâu thôi là cũng đủ ... rách chuyện.

Cũng chính vì thế đã phát sinh nhiều tiêu cực trong lĩnh vực mua bán nhà, đất; dẫn tới việc nhiều người phải thuê “cò” đứng ra móc nối, thuê người của đơn vị công chứng hoàn tất thủ tục theo kiểu khoán. Nhiều khi, chỉ để yên tâm đã phải mất một khoản tiền khá lớn.

Có thể nêu dẫn chứng: Báo cáo tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2019, khiếu nại, tố cáo vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai. Nhiều đoàn đông người và công dân của một số địa phương thường xuyên tập trung lên các cơ quan Trung ương khiếu nại, tố cáo dài ngày. Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt.

Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (67,7%).

Nhiều năm qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ. Việc mua bán, sang nhượng nhà, đất vì thế cũng tăng mạnh. Tới đây, xu hướng này chắc chắn vẫn chưa giảm. Vì thế, để ngăn ngừa tranh chấp, khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm này thì rất cần những quy định pháp luật rõ ràng, thuận tiện. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng do tính chất phức tạp của vấn đề thì sự đơn giản ấy phải mang tính vừa bao trùm vừa chi tiết, nếu không muốn phát sinh khiếu kiện.

Việc chính phủ ban hành Quyết định 721 về việc thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở, bổ sung thêm cách thức nộp thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến... khi liên thông sẽ thuận lợi trong việc xác định tính hợp pháp của tài sản giao dịch, tránh được tối đa tranh chấp hoặc phức tạp nảy sinh. Chia sẻ dữ liệu, liên thông điện tử giữa các cơ quan liên quan là cốt lõi của quá trình này. Đây cũng chính là một trong những việc cụ thể góp phần vào việc sửa đổi Luật Đất đai để sát với thực tế, phù hợp với tình hình mới có tính đến thời gian nhiều năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuận lợi cho dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO