'Thức dậy' Phiêng Luông

Ma Huy 25/02/2018 10:30

Trong tỉnh Bắc Kạn, huyện Pác Nặm là huyện nghèo nhất. Ở huyện này, nếu nói về nghèo, người ta sẽ nghĩ ngay đến thôn Phiêng Luông, xã Công Bằng. Thế nhưng với những quyết sách mang tính đột phá, nay đến Phiêng Luông, người ta thấy rất nhiều đổi khác.

'Thức dậy' Phiêng Luông

Xuống nơi ở mới người dân Phiêng Luông đã có nhiều thay đổi.

Khu tái định cư Phiêng Luông có lẽ là khu tái định cư lạ nhất trong các khu tái định cư. Với diện tích chưa đầy 20ha nhưng là nơi “tụ hội” cho tới 6 dân tộc, với 67 nóc nhà và gần 400 nhân khẩu. Đây là những mảnh đời, những gia đình “đầu thừa, đuôi thẹo” và khó khăn nhất của toàn huyện được đưa về đây và “nằm” cách huyện không xa lắm.

Đến với Phiêng Luông, đối diện với những thay đổi mới thấy cái cách gom dân để xóa nghèo này có sức thuyết phục vô cùng. Trước, mỗi nhà 1 núi, có muốn tiếp cận thì cán bộ phải khoác túi đi cả ngày. Đi được hết hơn 60 nóc nhà sống tản mát, rải rác khắp 1 huyện này cũng phải hết 1 năm. Quay lại, những gì cần triển khai đã lạc hậu, thậm chí dân không còn nhớ nữa. Nay về 1 nơi, cán bộ cần tuyên truyền gì, chỉ cần bắc loa mà a – lô, lúc sau dân có mặt hết. Cứ thế mà triển khai, mà truyền đạt, đỡ tốn cán bộ, dân nghe và nhớ ngay. Về một chỗ, các thứ cần đầu tư như điện thắp sáng, sóng ti vi, sóng điện thoại cũng “bò về” dễ dàng hơn nhiều, chi phí lại không phải “rải đường, rải chợ”. Từ phát kiến này, 67 hộ tương đương với 67 nhà nghèo dường như được thêm lần nữa hồi sinh.

Đi giữa những luống đậu tương, cây truyền thống của huyện miền núi này, trưởng thôn Dương Thị Hồi cứ tấm tắc: Không có sự di dân ra đây để dậy cách làm ăn và đầu tư theo kiểu trọng điểm thì chẳng biết đến bao giờ các hộ dân mới có một ngày đi lên. Theo chị Hồi, vì được “gom về một mối” nên nước đã được chặn dòng, đưa về để cải tạo những mảnh đất cằn cỗi. Cùng với sự “dẫn thủy… nhập đồi” này mà hiện tại Phiêng Luông đã có “trong tay” gần 13ha ruộng nước, cái thứ “công cụ” mà bao đời nay nếu không về bản tái định cư Phiêng Luông thì chưa chắc 67 hộ dân kia đã được làm quen. Cùng với số lượng ruộng này, cùng với mùa vàng là sự “ấm bụng” dần lên của người dân.

Đến Phiêng Luông, có “ngược lại lịch sử xuất phát” của các hộ dân, mới thấy đang có cuộc sống mới đến gõ cửa nhà họ. Vì xuất phát điểm là những hộ hết sức nghèo, chưa được làm quen với bất cứ một cách sản xuất hiện đại nào nên cái đói, cái nghèo chưa thể xóa bỏ nhanh chóng. Nhưng sau 2 năm về nơi tái định cư, được nhà nước đầu tư, được cán bộ chỉ dậy, khái niệm về “xóa nghèo” đã được người dân ý thức.

Với vài chục hộ đã thoát nghèo trong một thôn có tới 100% hộ nghèo ngày mới thành lập đã khẳng định mô hình “gom dân dậy cách thoát nghèo” ở đây đã thực sự có hiệu quả. Vài chục hộ thoát nghèo với nơi khác có thể được coi là “muối bỏ bể”, không hề hấn và không có gì dữ dội nhưng với Phiêng Luông nó lại cả là một sự trỗi dậy cần ghi nhận. Vài năm nữa thôi, Phia Thấu, Phiêng Luông sẽ “sáng lên” cùng với những mô hình vườn rừng, trang trại quy mô với những tên các ông chủ trẻ có họ Nông, họ Giàng, họ Ma….

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Thức dậy' Phiêng Luông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO