Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

H.Vũ 02/06/2023 07:36

Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực tế lãng phí ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều lĩnh vực khác nhau đã được các đại biểu Quốc hội chỉ ra, yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp, ngày 1/6. Ảnh: Quang Vinh.

Lãng phí cơ hội phát triển

ĐBQH Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) đề nghị Chính phủ cần báo cáo, đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành những quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công” - bà Lan nhìn nhận.

Theo phân tích của bà Lan: Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ. Việc chậm trễ này đã gây lãng phí cơ hội thực hiện chương trình, cũng là lãng phí cơ hội của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong việc thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.

Từ đó, bà Lan kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giảm thiểu lãng phí trong sắp xếp tổ chức bộ máy, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để nâng cao hơn nữa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) cho rằng công tác xây dựng pháp luật trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết vẫn còn tình trạng chậm, nợ đọng, phản ứng chính sách chưa kịp thời. Việc này đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế.

Bà Lam chỉ rõ, việc chậm, nợ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng trong thực thi chính sách cho các nhóm đối tượng. Chưa kể, ở cấp cơ sở phải đối mặt với nhiều bất cập trong thực tiễn, khó trong bố trí nguồn lực để thực thi. “Việc chậm và nợ chính là chướng ngại vật làm tắc con đường chính sách của Nhà nước đến với người dân, không chỉ là lãng phí mà còn là đạo đức chức nghiệp” - bà Lam lo ngại.

Chính vì lẽ đó, bà Lam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương tổ chức rà soát lại các ý kiến, kiến nghị đã được nêu tại các báo cáo giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như kết quả thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành. Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thiện nhanh các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, quản trị xã hội và tổ chức thực hiện một cách thực chất.

Theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, mặc dù đã có định hướng xây dựng pháp luật 2021-2026 nhưng có dự án luật không kịp tiến độ, không đảm bảo chất lượng. Một số cơ chế bất cập đã được phát hiện nhưng chậm được sửa đổi bổ sung thuộc lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản, văn bản có “đời sống” khá ngắn phải sửa đổi sau vài năm, gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp (DN). Có văn bản chậm đến 8 năm.

“Có bất cập là trong tờ trình ban hành văn bản đều nhấn mạnh đến sự cấp thiết, nếu không ban hành ngay sẽ không đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đến khi luật có hiệu lực thì 8 năm sau vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Nhất là những vấn đề để gỡ khó cho người dân và DN, gây lãng phí rất lớn về tiền của, thời gian, công sức cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước, người dân, DN. Đây là lãng phí về cơ hội phát triển, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội” - bà Hoa nói.

Không thể để “lãng phí niềm tin”

“Ở TP Hồ Chí Minh, trong năm 2022 trong số 584 văn bản gửi hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có bao nhiêu văn bản thuộc thẩm quyền của thành phố mà không giải quyết? hỏi để né việc, đẩy việc nên cấp trên? có bao nhiêu văn bản có nội dung về việc những quy định của pháp luật chưa rõ, không khả thi, chồng chéo?” - ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đặt vấn đề và cho rằng vẫn còn hạn chế về công tác đầu tư công, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Đây là lãng phí niềm tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền. Do đó cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng phải tập trung cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Ông Khải đề nghị, từng cấp, từng ngành, từng địa phương phải xây dựng quy trình, cá nhân hóa trách nhiệm từng công việc, từng lĩnh vực, lấy hiệu quả thực sự làm cơ sở đánh giá cán bộ. “Khi mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương đều quan tâm, kiên quyết thực hiện cá thể hóa trách nhiệm, chắc chắn sức mạnh của hệ thống chính trị sẽ ngày càng được củng cố. Đề nghị Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường thực hiện chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn và yêu cầu giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo” - ông Khải nêu.

ĐBQH Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) thì cho rằng, báo cáo của Chính phủ mới chủ yếu tập trung tổng hợp, đánh giá công tác tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực công là chính. Còn trong lĩnh vực tư có đề cập nhưng “còn khiêm tốn”, chưa đầy đủ, chưa thấy được thực trạng những khó khăn, hạn chế cũng như đề ra được giải pháp khắc phục.

Ông Vận chỉ rõ: Đó là những chậm trễ, hạn chế, vướng mắc về một số chính sách không tốt trong công tác quy hoạch, kế hoạch, trong hoạt động công vụ của bộ máy. Mặc dù các vấn đề này đã được quan tâm khắc phục và có nhiều cải thiện, tuy nhiên vẫn đang ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh của người dân và DN. Người dân và DN ở một số nơi, một số lĩnh vực vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận chính sách.

“Còn khó khăn, chậm trễ trong việc triển khai đầu tư dự án. Nhiều dự án đang hoàn thành đầu tư nhưng không thể đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh được, dẫn đến gây thiệt hại lớn cho người dân và DN, gây lãng phí cho xã hội, ít nhiều làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ở đây không chỉ lo lắng về lãng phí mang tính vật chất và tiền bạc mà nguy hiểm hơn là lãng phí về niềm tin ví dụ như các dự án điện tái tạo và một số dự án khác” - ông Vận nói và đề nghị cần tổng hợp, đánh giá kỹ về những vấn đề này từ đó phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước). Ảnh: Quang Vinh

Làm rõ trách nhiệm

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng, tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau. Nhất là trong đầu tư công, phân bổ giải ngân, thanh quyết toán vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong quản lý ngân sách, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công. Nhiều thủ tục hành chính còn gây phiền hà, cản trở người dân, DN, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Theo bà Sang, qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy tình trạng lãng phí đất đai rất lớn. Đó là tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương. Trong khi nhu cầu tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn, nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ sở pháp lý. Cùng với đó là lãng phí trong quản lý đất đai, tài sản của các dự án do chậm thi hành án, trong thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm tra và chưa có giải pháp khắc phục dứt điểm.

“Việc phân bổ chi ngân sách nhà nước cũng còn chậm nhất là các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi chương trình mục tiêu quốc gia, giao chi tiết các nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2022 của một số bộ, ngành, địa phương và việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến mục tiêu chung của chương trình. Mặt khác, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia cũng làm giảm hiệu quả của chương trình. Đây cũng là nguyên nhân lãng phí dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra” - bà Sang chỉ rõ và kiến nghị, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm rõ những hạn chế, tồn tại cơ bản nguyên nhân và trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận ngày 1/6. Ảnh: Quang Vinh.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Giải trình về sự chậm trễ trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần; năng lực của Ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu cũng như trách nhiệm và sự vào cuộc của người đứng đầu còn hạn chế.

Năm 2023, quy mô vốn đầu tư công năm 2023 lớn hơn các năm, các yếu tố phát sinh về giá, nguyên nhiên vật liệu đầu vào trực tiếp ảnh hưởng đến xây dựng, tình trạng một số bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, làm cho các thủ tục kéo dài.

Từ đó, về giải pháp, ông Dũng cho biết sẽ rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn, sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác và đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh. Điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO