Thực hiện chương trình - Sách giáo khoa mới: Quan trọng là đội ngũ giáo viên

Thu Hương 19/09/2019 08:00

Đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên (GV), đáp ứng chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông mới được Bộ GDĐT coi là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Trong đó, chú trọng tăng cường kết nối giữa lý thuyết và thực hành cũng như phát triển năng lực dạy học theo hướng giúp cho học sinh (HS) có khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.

Thực hiện chương trình - Sách giáo khoa mới: Quan trọng là đội ngũ giáo viên

Ảnh minh họa.

Gắn kết đào tạo giáo viên với các trường phổ thông

Trong quá trình đổi mới, GV là đội ngũ trực tiếp triển khai thực hiện những giải pháp công việc cụ thể. Có chương trình mới, SGK mới và đội ngũ GV vẫn là những con người ấy nhưng cần thay đổi về mặt tư duy, phương pháp giảng dạy… để đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra.

Điều này đòi hỏi trước hết ở các trường sư phạm - nơi đào tạo nguồn GV của cả nước cần có những thay đổi từ chương trình đào tạo đến chuẩn đầu ra cho sinh viên (SV)… Hiện toàn quốc có 58 trường đại học (ĐH), 57 trường cao đẳng (CĐ), 40 trường trung cấp (TC) có ngành đào tạo GV (14 trường ĐH Sư phạm, 33 trường CĐ Sư phạm và 2 trường TC sư phạm). Hàng năm có khoảng 60.000 SV sư phạm tốt nghiệp.

PGS Lưu Trang- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng việc đào tạo GV ở mỗi ĐH hiện nay phải cung cấp cho các đơn vị tuyển dụng những GV sẵn sàng thích nghi, hội nhập. Họ không thể là những sản phẩm đầu ra cho giáo dục phổ thông (GDPT) lạc lõng, lúng túng trước Chương trình GDPT mới. Để làm được điều đó, nhà trường vừa nâng cao chất lượng và trình độ đội ngũ giảng viên, vừa chú trọng kết hợp với các trường phổ thông để nắm bắt thực trạng đội ngũ GV và việc giảng dạy ở trường phổ thông. Xây dựng và không ngừng mở rộng hệ thống thực tập thường xuyên (hay gọi là thực tập vệ tinh) của nhà trường ở các trường phổ thông đối với SV nhằm tạo điều kiện thực hành liên tục, phù hợp cho SV, trao đổi nắm bắt việc giảng dạy và nhu cầu của thầy cô giáo trường phổ thông được đầy đủ và sâu sắc hơn. Từ đó, những GV tương lai được vận dụng ngay những gì đã học vào trong trường để nâng cao kiến thức, nhuần nhuyễn thực hành.

Đồng tình với quan điểm này, theo ThS Lê Văn Thắng (Trường CĐ Sư phạm Nam Định), nhìn từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều điều. Chẳng hạn, ở Phần Lan, đào tạo GV nhằm mục đích phát triển cân bằng các năng lực cá nhân và năng lực chuyên môn của GV. Ngoài việc nghiên cứu sự phát triển trẻ em, học tập nội dung và phương pháp sư phạm đối với từng lĩnh vực kiến thức, mỗi SV hoàn thành một luận văn thạc sĩ trong đó nghiên cứu và giải quyết một vấn đề thực tế dạy học.

“Nhiều nơi trên thế giới, SV sư phạm dành nhiều thời gian hơn ở trường phổ thông trong các chương trình đào tạo so với một, hai thập kỷ trước. Khoảng thời gian này thường đi kèm với sự quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của trải nghiệm trong trường - chất lượng của các GV hợp tác được chọn, đào tạo cho vai trò của họ và tạo ra một chương trình giảng dạy thực hành - một chuỗi kinh nghiệm và bài học trong phần thực tập của chương trình”- ThS Lê Văn Thắng nêu quan điểm.

Cập nhật chương trình đào tạo mới

Theo GS.TS Thái Văn Thành- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, hướng tới đào tạo đội ngũ GV đáp ứng đổi mới CT-SGK, các trường sư phạm đã áp dụng nhiều mô hình đào tạo tiếp cận năng lực của các nước tiên tiến, trong đó có mô hình CDIO (Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành), do Viện Công nghệ Massachusetts Hoa Kỳ (MIT) khởi xướng.

Việc đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO sẽ đánh giá quá trình bao gồm các bài tập nhóm, hồ sơ học tập, các sản phẩm học tập liên quan đến môn học, kiểm tra giữa kỳ. Thông qua các hoạt động này, SV hình thành các năng lực thực hiện, học đi đôi với hành và có thể kiểm soát chất lượng đào tạo.

Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho biết một trong những giải pháp quan trọng của nhà trường đó là đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy theo yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Các chương trình đào tạo GV được cập nhật, điều chỉnh và bổ sung thường xuyên, từ 1 đến 2 năm một lần.

Từ năm 2013 đến nay trường đã chủ động 4 lần điều chỉnh chương trình: 2013, 2015, 2017 và 2018. SV trường được cập nhật chương trình, nội dung, phương pháp dạy học của Chương trình GDPT mới. Đồng thời họ được học tập và được trải nghiệm sử dụng phương pháp dạy học mới: dạy học STEM, dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp, liên môn, liên ngành…

Đổi mới công tác đào tạo GV trong các trường sư phạm hiện nay đã được chú trọng nhưng trên thực tế diễn ra chưa đồng đều. ThS Thắng lưu ý cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho những thay đổi lớn trong giáo dục và đào tạo. Từ thực tế đổi mới giáo dục của các nước tiên tiến cho thấy mọi sự thay đổi đều cần thử nghiệm và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định mới khẳng định được kết quả. “Cần có lộ trình phù hợp để công tác đào tạo GV vốn đòi hỏi nhiều thời gian và đào tạo bổ sung cho GV hiện tại cố số lượng lớn và bận rộn với công việc hàng ngày thực sự hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí”- ông Thắng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện chương trình - Sách giáo khoa mới: Quan trọng là đội ngũ giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO