Thực lực đâu chỉ là tấm bằng

Lê Anh Đức 02/08/2018 14:00

Mấy ngày qua, dư luận xã hội đang “nóng” lên với việc gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Giang và một số tỉnh khác. Việc “phù phép” nâng điểm tạo ra bất bình đẳng đối với nhiều học sinh khác khi xét tuyển đại học. Tất nhiên, khi ra đời thì thực lực của mỗi người đâu chỉ dựa vào tấm bằng đại học, nhưng trong xã hội trọng bằng cấp như hiện nay việc cạnh tranh một suất vào đại học là rất khốc liệt.

Thực lực đâu chỉ là tấm bằng

Bằng cấp là bảo hiểm cuộc đời

Trong xã hội hiện nay, nếu thực sự ai đó không có tấm bằng đại học trong tay thì khó mà xin được việc làm. Thực tế đó khiến không chỉ các phụ huynh mà bản thân các học sinh cũng phấn đấu “bằng mọi giá” để có thể bước chân vào các trường đại học, dù đó không phải là ngành học các em yêu thích. Nhiều bậc phụ huynh “phát sốt, phát rét” với việc thúc ép con em học hành, chạy vạy “cửa nọ, cửa kia” để chúng có thể dễ dàng bước qua ngưỡng cửa đại học, nhằm có một tương lai tươi sáng. Không ít người do thúc ép con cái học hành quá vô tình đã tạo ra áp lực đối với các em khiến chúng nghĩ quẩn dẫn đến những vụ tự tử đau lòng. Thực tế trong những năm qua không phải hiếm những trường hợp như vậy.

Còn một vấn đề khác cũng khiến “người người, nhà nhà” mong muốn con em mình phải có tấm bằng đại học, đó là việc xếp thang bảng lương của bậc đại học bao giờ cũng cao hơn cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc dạy nghề. Nhiều người còn bị nặng tư duy nếu cho con cái học nghề chỉ có thể làm những công việc tay chân nặng nhọc mà lương thấp, trong khi nếu có tấm bằng đại học thì sẽ có việc làm nhàn nhã, lương cao. Đây hoàn toàn là một cách nghĩ sai lầm, bởi trong thực tế xã hội hiện nay đang rất thiếu thợ nhưng lại khá thừa thày. Rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp không thể tuyển được thợ lành nghề dù hậu đãi thu nhập khá cao, trong khi nhiều người tốt nghiệp đại học xong cũng không xin được việc làm phải đi bán cà phê, bán quân áo thuê... với mức lương khá thấp.

Thậm chí ở một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập... có nhiều người không chuyên tâm vào công việc được giao mà chỉ nhăm nhăm xin... đi học. Việc xin đi học của một số người không phải xuất phát từ việc mong muốn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để phục vụ tốt hơn cho công việc, cho xã hội. Đơn giản họ muốn “sưu tầm” thật nhiều bằng cấp để thể hiện cái oai, để khoe khoang và cũng để thăng tiến. Có người chỉ đơn giản là một anh phụ trách văn phòng nhưng trong tay có tới hàng chục tấm bằng đại học, đủ cả từ kinh tế tới kỹ thuật và luật. Có người thực tế chuyên môn rất kém nhưng lại sở hữu tấm bằng tiến sĩ trong tay. Hay có người chưa từng có một giờ giảng dạy đại học, chưa từng có công trình nghiên cứu vẫn muốn xin phong hàm giáo sư, phó giáo sư...
Theo cảnh báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện lực lượng sản xuất của Việt Nam đang có hình chóp ngược, nghĩa là có quá nhiều người tốt nghiệp đại học, trên đại học, trong khi đội ngũ công nhân lành nghề thì khá khan hiếm. Điều này cũng dễ hiểu bởi chẳng ai muốn con cái họ sau khi tốt nghiệp THPT lại phải đi học nghề thay vì bước chân vào giảng đường các trường đại học, nhất là các trường đại học danh tiếng. Chính từ thực tế trên mà có nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học buộc phải làm trái ngành nghề được đào tạo, vừa không phát huy được sở trường và kiến thức đã trau dồi suốt 4 năm ròng rã, ngược lại năng suất lao động của họ ở nơi đảm nhận công tác không cao nếu không muốn nói là rất thấp. Đây chính là lý do chỉ số đo lường năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp so với trong khu vực chứ chưa dám so với thế giới.

Lọt top dẫn đầu nhờ... gian lận

Đương nhiên với việc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp coi trọng bằng cấp trong tuyển dụng nhân sự, với cách nghĩ đã thành lối mòn trong xã hội là cứ có tấm bằng đại học thì cuộc đời sẽ “lên tiên”... thì việc bất chấp thủ đoạn để có thể ngồi trên ghế các trường đại học là không thể tránh khỏi. Đó chính là lý do dẫn tới việc gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang. Có những thí sinh trong quá trình học tập tại các trường THPT học lực trung bình, thậm chí là yếu, nhưng khi thông báo kết quả thi thì điểm lại khá cao, thậm chí thuộc top dẫn đầu cả nước. Tất nhiên là khi có thắc mắc thì cơ quan chức năng phải vào cuộc tìm hiểu để có câu trả lời thỏa đáng cho các học sinh và phụ huynh. Và thế là Bộ GD-ĐT đã phải thành lập tổ công tác khẩn cấp lên Hà Giang để chấm thẩm định lại toàn bộ các bài thi.

Kết quả thật bất ngờ khi có tới 330 bài thi của 114 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang đã bị can thiệp, sửa chữa. Trong số đó có 3 trường hợp sau khi chấm thẩm định điểm số tụt xuống rất thấp chứ không còn nằm trong top dẫn đầu cả nước nữa. Chẳng hạn điểm thi môn tiếng Anh của thí sinh N.V.A khi thông báo là 9,6 nhưng khi chấm thẩm định chỉ đạt 3,2 điểm; môn toán điểm thông báo cũng là 9,6 nhưng điểm chấm thẩm định chỉ là 7,4; môn ngữ văn điểm thông báo là 9,75 nhưng điểm chấm thẩm định lại chỉ có 6,25. Hay trường hợp thí sinh T.K.TT khi thông báo điểm môn toán là 9,6 nhưng thực chất chỉ đạt điểm 6,2...

Đáng nói, sau Hà Giang, một loạt các tỉnh khác như Lạng Sơn, Sơn La, Bạc Liêu... cũng đã xuất hiện nghi vấn điểm thi THPT quốc gia của một số thí sinh có điểm cao bất thường. Điều đó không khỏi khiến dư luận xã hội băn khoăn và đặt vấn đề: Liệu còn bao nhiêu tỉnh, thành phố có sự can thiệp nâng điểm như ở Hà Giang? Với việc gian lận điểm cho một số thí sinh tại một số địa phương không chỉ tạo ra tiền lệ xấu trong xã hội, mà còn quá bất công với những thí sinh chăm chỉ học hành khác trên cả nước. Những học sinh học tốt sẽ vì sự gian lận điểm của một số người mà rất có thể sẽ không có cơ hội bước chân vào các trường đại học, để rồi đường đời sau này sẽ vô vàn khó khăn khi đi xin việc. Đó há phải là sự bất công quá lớn sao?

Đó chính là lý do mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Công an nghiêm túc rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm minh những người vi phạm gian lận điểm. Và cái gì phải đến đã đến. Ngày 20-7, cơ quan ANĐT (Công an tỉnh Hà Giang) dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của Tổng cục An ninh (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) Vũ Trọng Lương về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tới đây, trong quá trình điều tra mở rộng sẽ tiếp tục có những người khác phải vướng vòng lao lý. Âu cũng là cái giá phải trả cho hành vi gian lận của họ.

Tuyển dụng cần căn cứ vào thực lực

Trong nhiều năm qua, rải rác ở đâu đó, trong kỳ thi này hay kỳ thi kia vẫn phát hiện được những hành vi gian lận trong thi cử. Song, tới năm nay nhờ phản ánh của dư luận mà cơ quan chức năng mới phát hiện việc gian lận trong thi cử ở diện rộng với mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điều đó không chỉ cho thấy các lỗ hổng “con voi chui lọt” trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, mà còn thêm lần nữa chứng minh việc mang nặng tư duy bằng cấp đã gây tác hại ghê gớm đến thế nào. Nếu như những người tài thực sự được trọng dụng, dù họ vì một lý do nào đó không có bằng cấp trong tay, hẳn đã không nên nỗi cơ sự đáng tiếc vừa qua tại Hà Giang và một số tỉnh khác.

Có thể thấy trên thế giới có không ít vĩ nhân xuất thân bần hàn, cơ cực, không được học hành đến nơi đến chốn nhưng cuối cùng họ vẫn thành đạt, nổi tiếng, chẳng hạn như Thomas Edison, Albert Einstein, Abraham Lincoln...

Không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam cũng có không ít người dù chẳng có bằng cấp gì nhưng lại hết sức nổi tiếng với những thành tựu khoa học ứng dụng xuất sắc. Chẳng hạn như “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy mặc dù chỉ học hết lớp 4 nhưng lại có khả năng di dời những tòa nhà nặng đến 3.000 tấn, hoặc những công trình có chiều dài, rộng cồng kềnh qua một quãng đường dài. Hay như lão nông ở Tây Ninh chẳng được đào tạo gì lại vẫn có thể chế tạo xe bọc thép, máy bay trực thăng. Hoặc một doanh nghiệp ở Thái Bình đã sáng chế ra những chiếc tàu ngầm khá hữu dụng...

Nói như vậy không có nghĩa khuyến khích các em học sinh bỏ bê học hành, không thường xuyên trau dồi kiến thức. Đương nhiên sự học là mênh mông, học bao nhiêu cũng không thừa, càng học càng thấy hiểu biết của mình là nông cạn. Theo đó thì đại bộ phận những tấm bằng đại học, trên đại học, học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư... đều là thực lực của người sở hữu chúng. Song, cũng không ít trong số đó là những tấm bằng “giả”, giả theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa là mua bằng hoặc học kém nhưng vẫn tốt nghiệp. Đưa ra những ví dụ trên để minh chứng một điều là thực lực đôi khi không đi đôi với bằng cấp, những người không có bằng cấp chưa chắc đã là không giỏi và ngược lại. Vậy nên, hãy thay đổi tư duy để xã hội ngày càng phát triển theo hướng tích cực hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực lực đâu chỉ là tấm bằng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO