Thực trạng di cư: Những con số nhói lòng

Hà Anh 01/12/2022 07:03

Theo báo cáo mới được Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) công bố, tính từ năm 2014 đến nay, số người di cư trên toàn thế giới thiệt mạng trong hành trình tìm kiếm cuộc sống nơi vùng đất mới đã vượt 50.000 người.

Người di cư trên tàu nhân đạo Ocean Viking ở Biển Địa Trung Hải. Ảnh: AP.

Gia tăng nguy hiểm

Hơn 30.000 trường hợp người di cư được IOM cho là đã thiệt mạng không rõ quốc tịch, đồng nghĩa hàng chục nghìn gia đình trên thế giới vẫn đang tìm kiếm người thân mất tích.

Trong số những người di cư mất tích có thể xác định danh tính, hơn 9.000 đến từ các quốc gia châu Phi, hơn 6.500 người đến từ các nước châu Á và 3.000 người đến từ châu Mỹ. Ðáng chú ý, những nước xảy ra tình trạng bạo lực nghiêm trọng trong những năm gần đây, như Afghanistan và Syria, có số người di cư tử nạn cao nhất. Hơn một nửa trong số những trường hợp người di cư tử vong được IOM ghi nhận là trên các tuyến đường tìm đến châu Âu và cả bên trong Lục địa già.

Bà Kamil Lekoz - nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Di cư – cho rằng, ngoài lạm phát hoặc khủng hoảng năng lượng, dòng người di cư cũng có thể liên quan đến các yếu tố khác, chẳng hạn như thiếu cơ hội việc làm, bất ổn trong nước, biến đổi khí hậu và tác động của bạo lực leo thang.

Riêng các tuyến đường trên Ðịa Trung Hải đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 25.100 người. Châu Phi là khu vực có đông người di cư, với khoảng 9.000 người tử vong trong hành trình di cư tại lục địa này kể từ năm 2014.

Trong khi đó, gần 7.000 người di cư thiệt mạng tại châu Mỹ, mà hầu hết là trên các tuyến đường hướng đến Mỹ. Chỉ riêng biên giới Mỹ-Mexico, hơn 4.000 người di cư thiệt mạng kể từ năm 2014. Tại châu Á, 6.200 trường hợp người di cư xấu số được ghi nhận, trong đó trẻ em chiếm hơn 11% số ca tử vong, tỷ lệ cao nhất so với các khu vực trên thế giới.

Sự thật đáng buồn là dù hàng nghìn trường hợp tử vong được ghi nhận trên các tuyến đường di cư mỗi năm, song dường như có rất ít nỗ lực được thực hiện để giải quyết hậu quả của những thảm kịch này, chứ chưa nói đến việc ngăn chặn chúng. Các tác giả bản báo cáo của IOM nêu rõ, dù số người thiệt mạng ngày càng tăng, chính phủ ở các quốc gia xuất phát, quá cảnh và điểm đến của những người di cư đã hành động rất ít để giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra.

IOM nhấn mạnh, để cứu sống và giảm rủi ro đối với người di cư cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, trong đó quyền được sống phải luôn được tôn trọng. Các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, cải thiện và mở rộng các lộ trình di cư thường xuyên và an toàn cần được ưu tiên. Dù người dân lựa chọn di cư vì bất kể lý do nào, thì cũng không ai đáng phải bỏ mạng trong hành trình tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Yếu tố tác động

Theo báo cáo của IOM, nhiều yếu tố đã định hình các “hành lang” di cư trong những năm qua. Dữ liệu dài hạn cho thấy, di cư quốc tế không đồng nhất trên toàn thế giới mà được định hình bởi các yếu tố kinh tế, địa lý, nhân khẩu học và các yếu tố khác dẫn đến các mô hình di cư khác biệt, chẳng hạn như các “hành lang” di cư được phát triển trong nhiều năm.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 trở nên căng thẳng vào cuối tháng 12/2020, các sắc lệnh hạn chế di chuyển, xuất nhập cảnh đã ảnh hưởng đến việc di cư của người dân và vai trò của các tổ chức nhân đạo. Chỉ riêng trong khoảng từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, có khoảng 105 ngàn lệnh hạn chế di chuyển đã được áp dụng trên toàn thế giới. Cùng lúc đó, tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng thời cũng đưa ra khoảng 795 các trường hợp ngoại lệ được miễn hạn chế di chuyển.

Trong khoảng từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2020, ước lượng không có sự gia tăng số người di cư quốc tế. Những người di cư sang Canada, Australia hay Mỹ, cụ thể là những người có công việc được trả lương thấp, sẽ đồng thời bị ảnh hưởng và tổn thương bởi đại dịch. Những người lao động di cư cũng làm việc trong các ngành nghề quan trọng nhằm phòng chống đại dịch ở nhiều quốc gia.

Trong khi đó, Dữ liệu do Cơ quan tị nạn EU cho thấy, trong tháng 7 năm nay, số đơn xin tị nạn tại EU là hơn 70.000 trong tháng thứ ba liên tiếp. Một số nước EU thậm chí còn đưa ra những con số lớn hơn, trong đó, có nhiều người tị nạn đến từ Ukraine.

Số lượng ngày càng tăng người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu năm 2022 đang gợi nhớ đến năm 2016. Vào thời điểm đó, EU đã trải qua cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất trong lịch sử do cuộc nội chiến ở Syria. Và giờ đây, đến tháng 7/2022, hơn 155.000 người đã nhập cư trái phép vào châu Âu, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cơ quan Biên phòng EU (Frontex).

Sự gia tăng số lượng người nhập cư bất hợp pháp một mặt là do cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, mặt khác là do các cuộc xung đột trong khu vực. Hầu hết những người di cư bất hợp pháp dọc theo tuyến đường Balkan đến từ Syria và Afghanistan, nơi trước đây đã có xung đột trong nhiều năm.

Trong khi người di cư từ khắp nơi trên thế giới đến châu Âu để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, thì người châu Âu lại đang lo ngại về một mùa Đông khắc nghiệt giữa cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, điều đó vẫn không ngăn được dòng người nhập cư, có lẽ vì họ không nắm được tình hình, hoặc vì cuộc khủng hoảng ở quê hương họ còn tồi tệ hơn ở châu Âu.

Số lượng người di cư quốc tế đã tăng lên trong 5 thập kỷ qua. Hiện nay, khoảng 281 triệu người (tương đương 3,6% dân số toàn cầu) sống ở một quốc gia không phải là quốc gia nơi họ sinh ra, cao hơn 128 triệu so với năm 1990 và gấp 3 lần con số ước tính vào năm 1970.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực trạng di cư: Những con số nhói lòng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO