Thượng đỉnh G7 diễn ra trong ảm đạm và đầy thách thức

26/05/2017 19:15

Các vòng đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng giới lãnh đạo của các nước giàu trên thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G7 đã diễn ra trong hôm 26/5, và được xem là mang yếu tố “thách thức” trong bối cảnh ông Trump chỉ trích đồng minh NATO và lên án các chính sách thương mại của Đức một ngày trước đó.

Bài phát biểu đầy cứng rắn mà ông Trump đưa ra tại Brussels trong hôm 25/5, trước khi đến tham dự hội nghị G7 tại khu nghỉ dưỡng Taormina (Sicily, Italy), dường như đã làm nản lòng các đối tác của Mỹ vốn hy vọng sẽ làm dịu quan điểm của ông về vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh G7 đã chính thức khởi động bằng một buổi lễ tổ chức tại một di tích cổ của người Hy Lạp xây dựng trên một vách đá nhìn ra biển. Sau đó, lãnh đạo các nước Anh, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ đã tổ chức các cuộc hội đàm về vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố, Syria, Triều Tiên và kinh tế toàn cầu.

“Không nghi ngờ gì khi cho rằng đây sẽ là kỳ hội nghị G7 thách thức nhất trong nhiều năm qua” - ông Donald Tusk, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), nhận định ngay trước khi các vòng họp bắt đầu.

Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Gary Cohn, dự đoán rằng các vòng thảo luận về thương mại và biến đổi khí hậu tại G7 sẽ diễn ra một cách sôi động.

Tổng thống Trump, người từng bác bỏ các cảnh báo về tình trạng nóng lên toàn cầu do con người gây nên trong chiến dịch tranh cử của mình, đã tuyên bố sẽ rút nước Mỹ khỏi một thỏa thuận về biến đổi khí hậu lịch sử được ký kết tại Paris, Pháp năm 2015.

Giới lãnh đạo G7 hiện đang nỗ lực thuyết phục Tổng thống Mỹ tiếp tục duy trì hiệp định này. Ông Cohn cùng nhiều quan chức chính quyền Mỹ cho hay Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau kỳ hội nghị thượng đỉnh này.

Thượng đỉnh G7, được tổ chức gần ngọn núi lửa hoạt động mạnh mẽ nhất châu Âu trên núi Etna, là điểm đến cuối cùng trong chuyến công du kéo dài 9 ngày của Tổng thống Trump, bắt đầu từ khu vực Trung Đông.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức tại Brussels hôm 25/6, ông Trump đã chỉ trích các thành viên của khối này là đang nợ “một số tiền khổng lồ” đối với nước Mỹ và NATO - dù cho mức đóng góp của các nước thành viên là không bắt buộc. Phát biểu trên đã khiến cho giới lãnh đạo châu Âu nản lòng bởi họ từng mong muốn ông Trump tận dụng hội nghị này để tái cam kết Điều 5 của hiệp ước NATO, có nội dung về phòng thủ tập thể.

Theo các hãng truyền thông Đức, Tổng thống Trump cũng chỉ trích Đức vì áp dụng các chính sách “rất tồi tệ” trong một cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker, đánh tín hiệu rằng ông sẽ đưa ra biện pháp hạn chế số lượng xe hơi do Đức sản xuất trên thị trường Mỹ.

Đây là lần đầu tiên ông Trump đến dự một hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn với tư cách Tổng thống, tuy nhiên ông không phải gương mặt mới duy nhất trong hội nghị này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni và Thủ tướng Anh Theresa May cũng là những người lần đầu tới tham dự hội nghị thượng đỉnh G7.

Bà May được dự kiến sẽ rời khỏi hội nghị sớm hơn so với các lãnh đạo khác, do phải xử lý tình hình trong nước sau vụ tấn công khủng bố tại Manchester hôm đầu tuần.

Giới lãnh đạo G7 cũng dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố riêng rẽ liên quan tới vấn đề khủng bố, trước khi đưa ra tuyên bố chung chính thức. Giới chức Italy đã đề nghị rằng tuyên bố chung cuối cùng nên được rút ngắn xuống còn 10 trang. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 lần trước tổ chức tại Nhật Bản, tuyên bố chung mà các nước đưa ra dài tới 32 trang.

Được biết, năm nay Italy lựa chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Sicily là để thu hút sự chú ý từ các nước châu Phi, chỉ cách họ có 225 km. Hơn nửa triệu người di cư, phần lớn đến từ vùng cận Sahara, đã đổ tới Italy bằng đường biển, tính từ năm 2014 đến nay, tận dụng tình hình hỗn loạn ở Libya để dùng nước này như một bàn đạp để thực hiện hành trình vượt biển đến châu Âu.

Lãnh đạo các nước Tunisia, Ethiopia, Niger và Kenya cũng tham gia vào các cuộc hội đàm tổ chức trong hôm 27/5 để bàn về việc khuyến khích đầu tư tại châu Phi, như một biện pháp hạn chế dòng người di cư.

Chỉ có một nền kinh tế quan trọng nhưng không xuất hiện trong thượng đỉnh G7 là Nga, sau khi họ ra khỏi nhóm này trong năm 2014. Tổng thống Trump từng kêu gọi cải thiện mối quan hệ với Moscow, tuy nhiên do các cáo buộc can thiệp bầu cử đang dấy lên trong nước Mỹ mà kế hoạch của ông phải tạm ngừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thượng đỉnh G7 diễn ra trong ảm đạm và đầy thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO