Thương mại điện tử 'vào mùa'

THANH GIANG 07/10/2022 08:01

Trong 3 tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm thương mại điện tử dự báo sẽ “bùng nổ”. Để đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng, một số trang thương mại điện tử đã nhanh chóng đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, rút ngắn thời gian giao hàng,...

Ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua sắm online.

Tăng khuyến mãi, giảm giá

Nhận định về thị trường thương mại điện tử (TMĐT), bà Nguyễn Cao Ngọc Dung – Quản lý cấp cao Công ty NielsenIQ – Vietnam SMB Lead khẳng định: “Mua bán qua TMĐT ở Việt Nam đang phát triển mạnh khi lượng tiêu dùng qua các hệ thống tăng trưởng đột biến. Dự báo, thời gian tới TMĐT tiếp tục tạo sức hút lớn do ngày càng nhiều người tiêu dùng chọn mua hàng online. Trong đó, ưu điểm là được dễ dàng so sánh giá cả, săn hàng giảm giá, giao hàng nhanh”.

Dự báo của một số chuyên gia lĩnh vực TMĐT, trong 3 tháng cuối năm, TMĐT sẽ “bùng nổ”. Dồn dập lễ hội cuối năm như như Black Friday, Lễ độc thân, Giáng Sinh, Tết... hứa hẹn tạo ra làn sóng mua sắm với dự kiến số lượng lớn đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm…

Đại diện Shopee cho hay, việc mua sắm trực tuyến vẫn tiếp tục được ưa chuộng. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng ngày càng có nhu cầu sử dụng TMĐT nhiều hơn. Đáp ứng nhu cầu thị trường, đơn vị này liên tục thực hiện các chương trình ưu đãi. Theo đó, Shopee có một số chương trình có thể kể đến như: Chuỗi sự kiện mua sắm cuối năm 9.9, 10.10, ... chuỗi ưu đãi “Ngày siêu thương hiệu” khi phối hợp thực hiện cùng các nhãn hàng để ra mắt độc quyền các sản phẩm với giá ưu đãi; chương trình siêu giảm giá ngành hàng mỗi tuần; siêu giảm giá mừng đại lễ,...

Ghi nhận, sự kiện bán hàng lớn nhất ngày 12/12 năm 2021 của Shopee đã công bố số lượng đơn hàng chính hãng tăng gấp 14 lần so với ngày thường. Tại sự kiện “siêu sale” ngày 9/9 mới đây, sàn Lazada cũng công bố doanh thu gấp 6 lần ở các ngành hàng “hot” như làm đẹp, bách hóa và điện tử.

Theo Bộ Công thương, sau 2 năm dịch bệnh hoành hành, TMĐT Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Người Việt dành đến 6,38 tiếng mỗi ngày truy cập internet, trong đó có 58,2% có giao dịch mua hàng qua mạng hàng tuần. Tốc độ tăng trưởng sẽ còn tiếp tục vì thói quen mua sắm thay đổi qua thương mại điện tử đã phổ biển với người dân đô thị, cùng với những tiện lợi trong việc thanh tóan trực tuyến. Dự báo, quy mô thị trường TMĐT sẽ đạt đến 16,4 tỷ USD vào năm nay.

Chạy đua rút ngắn thời gian giao hàng

Không chỉ đơn thuần là cung cấp một thị trường đa dạng sản phẩm, các sàn TMĐT còn “chạy đua” nhau để rút ngắn thời gian giao hàng. Các đơn vị tiếp tục mở rộng mạng lưới kho hàng và trung tâm điều phối giao hàng tại các thị trường, giúp người bán có thể tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng ở phạm vi rộng hơn.

Theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, thời điểm nhấn nút chốt đơn chính là lúc cuộc đua giao hàng của các nhà bán lẻ và sàn TMĐT bắt đầu. Nhiều đơn vị chạy đua giao hàng nội thành trong ngày kèm dịch vụ hỏa tốc 2 giờ, một số đơn vị còn có đội ngũ giao hàng riêng để giảm phụ thuộc vào bên hậu cần thứ ba. Khách hàng muốn được nhận hàng nhanh nhất có thể, tạo áp lực cho bước cuối cùng của hành trình đơn hàng – giao hàng chặng cuối.

Báo cáo nguồn cung nhà kho quý 2/2022, Cushman & Wakefield ghi nhận, tại TPHCM là 705.000 m2, với giá thuê trung bình 5,4 USD/m2 và Hà Nội là 180.000 m2, giá thuê 5,2 USD/m2. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của hai thành phố là 91%.

“Theo quan sát của chúng tôi, các nhà bán lẻ sẽ bắt đầu tìm kiếm kho hàng vào khoảng tháng 6 hàng năm và ký hợp đồng thuê ngắn hạn để chuẩn bị cho mùa lễ hội, ghi nhận tỷ lệ lấp đầy nhà kho mùa cao điểm có thể lên đến 100%” - bà Trang Bùi cho biết. Tuy nhiên, theo bà Trang, nguồn cung nhà kho chuyên nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp gần như không có đối với khu vực nội thành TPHCM và Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương mại điện tử 'vào mùa'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO