Thưởng thức văn nghệ online

Thư Hoàng 12/04/2020 08:00

Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ được thực hiện trực tuyến (online) đã mang tới cho công chúng những “bữa tiệc” thú vị. Điều này cũng cho thấy những nỗ lực của giới nghệ sĩ để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Thưởng thức văn nghệ online

Ca sĩ Tân Nhàn kịp thời ra mắt MV “Chơi vơi” giúp khán giả đi qua mùa dịch.

Âm nhạc “tiễu trừ” Covid-19

Rất nhiều các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã sáng tác, hoặc cover lại các ca khúc nổi tiếng cho phù hợp với nội dung chống đại dịch Covid-19. Trong đó có thể kể tới MV “Việt Nam sẽ chiến thắng” được đưa lên mạng khá sớm, đến nay đã thu hút được gần 4 triệu lượt xem. MV như là một lời kêu gọi toàn dân cùng chung tay, tiếp sức để đẩy lùi dịch bệnh. MV “Việt Nam sẽ chiến thắng” được sáng tác và hòa âm bởi nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và Phúc Bồ lấy cảm hứng từ thông điệp “Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng”. MV có sự tham gia thể hiện của dàn nghệ sĩ trẻ nổi tiếng của làng giải trí như Ninh Dương Lan Ngọc, Liên Bỉnh Phát, Jun Phạm, Trọng Hiếu, Hồ Quang Hiếu, Tạ Quang Thắng, Đinh Mạnh Ninh, Trung Quân Idol…

Trước đó, nhiều nghệ sĩ cũng hưởng ứng phong trào sáng tác ca khúc chống Covid-19. Sau thành công của “Ghen Cô Vy” (sáng tác: Khắc Hưng, Min và Erik trình bày), hàng loạt ca khúc được sửa lời hoặc sáng tác mới để phù hợp tinh thần phòng chống dịch bệnh như: “Ông bà anh thời Covid-19”, “Bao la những trái tim hồng”, “Sao anh chưa về nhà”, “Người mẹ áo trắng”, “Ước nguyện”...

Mới đây, ca khúc “Việt Nam ơi, cùng nhau đồng lòng” của Lã Phong Lâm cũng đã chính thức ra mắt. Với mong muốn dùng những lời ca tiếng hát để truyền tải đến mọi người sự lạc quan vào tương lai tươi sáng và phòng chống dịch bệnh Covid-19, ca sĩ Tuấn Hưng đã nảy ra ý tưởng kết hợp cùng các nghệ sĩ hài miền Bắc như Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền, Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung thực hiện một MV âm nhạc. Bên cạnh đó, Tuấn Hưng cũng mời những ca sĩ Minh Quân, Tô Minh Thắng, Quốc Anh tham gia…

Quan sát trên mạng xã hội thời gian gần đây cũng đã thấy sự vào cuộc khá mạnh mẽ của các lĩnh vực âm nhạc truyền thống. Trong đó có các nghệ sĩ đất chèo Thái Bình đã vào cuộc với việc giới thiệu nhiều bài mới như “Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid” do Trương Công Đỉnh soạn lời dựa theo làn điệu Đào Liễu, “Bài ca chống giặc dịch Covid” - theo làn điệu Xẩm Xoan của soạn giả Mai Văn Lạng. Bên cạnh đó, Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình còn thực hiện một ca cảnh chèo đặc sắc mang tên “Chống dịch như chống giặc”. Ca cảnh chèo “Chống giặc như chống dịch” có độ dài hơn 8 phút, hoàn toàn là lời mới liên quan đến việc chống dịch Covid-19.

Không chỉ chèo, các nghệ sĩ cải lương cũng vào cuộc. Bài ca cải lương có tên “Thiên thần áo trắng chiến thắng Corona” của soạn giả Lê Thế Song được NSƯT Hoàng Tùng (Nhà hát Cải lương Việt Nam) và nghệ sĩ Xuân Hồng thể hiện khi xuất hiện trên mạng, đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của công chúng. Dịp này, MV “Tiêu diệt Corona” của nhóm Xẩm Hà thành cũng đã kịp thời ra mắt với với nội dung: “Chính quyền kiên quyết/ Y tế tiên phong/ Truyền thông nối cánh/ Tin nhanh đến muôn nhà” hay “Doanh nhân chung sức/ Nghệ sĩ chung tay/ Nhân dân cùng góp/ Cảnh giác nêu cao/ Phòng dịch khắp nơi nơi/ Corona mà thò ra/ Là ta cùng diệt hết”…

Song song với những giai điệu, làn điệu của các nghệ sĩ, ca sĩ chung tay đẩy lùi Covid-19 là các chương trình âm nhạc được thực hiện mang tới thực đơn cho khán thính giả trong thời gian “ở nhà chống dịch”. Tối 7/4, ca sĩ Thanh Lam, nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Huy Tuấn… giới thiệu tới khán giả MV “Bình minh” được thực hiện tại nhà của các nghệ sĩ. Hình thức hát tại nhà livestream trực tiếp qua mạng xã hội cũng được nhiều ca sĩ thực hiện, như ca sĩ Cẩm Vân và Đức Tuấn. Ngay từ tuần thứ ba của tháng 3 ca sĩ Đức Tuấn đã bắt đầu thực hiện các buổi livestream vào tối thứ tư và thứ bảy hằng tuần. Trong những buổi livestream này, Đức Tuấn không quá cầu kỳ, anh vừa trò chuyện, vừa lắng nghe những yêu cầu của khán giả, và hát những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… một cách gần gũi, mộc mạc nhất. Ở những buổi livestream gần đây, khán giả còn được nghe Đức Tuấn hát những ca khúc khi hay tin ca sĩ Thái Thanh, nhạc sĩ Phong Nhã vừa qua đời.

Tương tự, công chúng yêu nhạc ngồi nhà cũng có thể nghe nhóm nghệ sĩ Trang Trịnh, Vũ Phương, Đỗ Phúc... qua các buổi nhạc trực tuyến với chủ đề “Hãy ở nhà, chúng tôi đàn cho bạn nghe” trên trang 24-hour music marathon. Nghệ sĩ Trang Trịnh cho biết: “Chúng tôi muốn phủ kín 24 giờ bằng âm nhạc để kết nối, chia sẻ, yêu thương cùng nhau vượt qua dịch Covid-19. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn truyền cảm hứng, thu hút mọi người tham gia”. Thông qua chương trình này, Trang Trịnh cũng như các nghệ sĩ mong muốn mọi người khi ở nhà được nghe nhạc, chơi nhạc để góp phần giảm tiếp xúc và lây nhiễm dịch bệnh, có thêm tinh thần tươi vui, khỏe khoắn để đối phó diễn biến phức tạp của dịch. Ðiều quan trọng hơn là mọi người cùng cảm nhận được sự đoàn kết và chia sẻ từ khắp mọi nơi…

Phim và sách “xoay trục”

Trong “thực đơn” phục vụ công chúng trong đại dịch Covid-19 không thể thiếu phim và sách. Đài Truyền hình Việt Nam đã khá nhanh khi phát sóng bộ phim “Những ngày không quên”. Tập đầu phát sóng tối 6/4 đã nhận dược nhiều phản hồi của công chúng. Đây được xem là phiên bản thời Covid-19 của “Về nhà đi con”. Theo NSƯT Đỗ Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC), bộ phim được sản xuất trong thời gian rất gấp. Việc lên ý tưởng, viết kịch bản và triển khai ghi hình được tiến hành trong khoảng thời gian ngắn nhưng vẫn làm nổi bật được những nội dung gắn liền với cuộc sống của người dân giữa thời đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, khán giả tỏ ra tiếc nuối khi mỗi tập phim phát sóng chỉ có thời lượng 25 phút thay vì 40-45 phút như thông lệ. Vậy mà trong 25 phút đó đã bao gồm thời lượng phần dành cho quảng cáo. Do đó, nội dung phim không còn được là bao.

Trong khi đó, thị trường sách cho thấy sự xoay trục rất sớm. Nếu Covid-19 khiến các cửa hiệu sách truyền thống vắng khách thậm chí phải thực hiện đóng cửa, thì các hội sách online lại khá rộn ràng. Từ đầu năm tới nay, các đơn vị như NXB Trẻ, NXB Phụ nữ, các công ty như Đông A, Fahasa, Tào Đàn, First News, Phanbook… đã triển khai nhiều hội sách online. Không chỉ bắt tay với các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Ladaza… các đơn vị này còn chủ động mở các hội sách trong các trang fanpage của mình trên mạng xã hội Facebook. Mới nhất, Tao Đàn mở hội sách sale 50% từ ngày 7 đến 12/4. Trên fanpage của Đông A cũng đang có các chương trình khuyến mãi - tặng quà hấp dẫn khi độc giả mua sách.

Cùng với hội sách online, các slogan như “Ở nhà đọc sách”, “Đọc đi cho khỏe” hay các game mini kiểu thi chụp ảnh với sách liên tục được các đơn vị xuất bản đưa ra đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều độc giả trẻ. Đặc biệt, từ ngày 5 đến ngày 18/4, Công ty Đông A còn mở chương trình “Đọc chay quên ngay - Review liền tay” để khuyến khích độc giả đọc sách và viết cảm nhận về sách.

Mới nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quyết định tổ chức Hội sách online chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 (ngày 21/4) trong suốt 1 tháng (từ ngày 19/4 đến 20/5). Theo đó, Hội sách online sẽ tổ chức tại sàn Book365.vn, gồm các gian hàng giới thiệu sách trực tuyến của các nhà xuất bản, công ty phát hành; phục vụ bán sách online; các sự kiện giới thiệu sách mới; giao lưu, tọa đàm với tác giả, diễn giả trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Hội sách online còn có nhiều hoạt động tri ân bạn đọc, ủng hộ chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Nỗ lực tìm cách vượt qua đại dịch không chỉ có ý nghĩa ở lợi nhuận thu về mà còn là cách lan tỏa các giá trị văn hóa đến với công chúng. Hơn lúc nào hết, ở thời điểm khi đại dịch đang hoành hành như hiện nay, những chương trình âm nhạc, các MV vui nhộn, hay những cuộc triển lãm tranh, ảnh cùng những cuốn sách hấp dẫn được phục vụ qua hình thức online sẽ giúp cho công chúng bớt đi cảm giác căng thẳng, nặng nề khi liên tục ở nhà. Sẽ thú vị hơn, khi trong tuần này, tuần tới các nghệ sĩ, ca sĩ, các nhà sản xuất, các đơn vị xuất bản… cho ra đời những “bữa tiệc” văn nghệ sinh động, hấp dẫn theo hình thức online để công chúng có nhiều lựa chọn thưởng thức…

Thưởng thức văn nghệ online - 1

Ở lĩnh vực mỹ thuật, triển lãm tranh với chủ đề “Lời thiên thu gọi” tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang được tổ chức bằng hình thực trực tuyến trên trang Duyên dáng Việt Nam đến ngày 30/4. Đây là triển lãm mỹ thuật sử dụng công nghệ thực tế ảo gồm 3 phòng trưng bày với 32 bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long, được vẽ từ các chất liệu như sơn dầu, màu nước, pastel…, điểm qua những dấu ấn âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mang thông điệp và có tính hệ thống dựa trên những tư liệu về cố nhạc sĩ.

* Sản xuất phim tài liệu Việt Nam đầu tiên về Covid-19
Ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Điện ảnh vừa cho biết, Cục Điện ảnh đã chính thức đặt hàng Công ty TNHH Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) sản xuất phim tài liệu về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã xây dựng kịch bản phim tài liệu “Cuộc chiến không giới hạn”. Đây là bộ phim tài liệu đầu tiên của hãng phim về việc phòng, chống dịch do Covid-19 và những nỗ lực của Việt Nam trên trận tuyến chống dịch. Đ.Lê

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thưởng thức văn nghệ online

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO