Thường trực nỗi lo thiếu điện

H.Hương-P.Vân 03/06/2023 07:00

Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao. Việc hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu, nhưng dường như nguồn năng lượng này đang bị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãng quên.

Công nhân điện làm việc vất vả trong nắng nóng.

Nơm nớp lo bị cắt điện

Những ngày qua, thời tiết miền Bắc và khu vực Bắc Trung bộ nắng nóng kéo dài. Nền nhiệt nhiều địa phương duy trì ở ngưỡng 35-39 độ C, thậm chí có thời điểm hơn 40 độ C. Nắng nóng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và gia tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát. Vì vậy, nỗi lo cúp điện luôn thường trực đối với các gia đình.

Chị Nguyễn Thanh Huyền (Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, tối ngày 1/6, lúc 21 giờ bỗng dưng bị mất điện. Cả làng, từ trẻ con đến người già nháo nhác ra đê ngồi cho mát.

Tương tự cũng vào tối ngày 1/6, nhiều phường ở TP Hà Tĩnh bỗng dưng bị mất điện.

Ở Hà Nội, khoảng gần 3 tuần qua, tình trạng mất điện vài giờ trong ngày cũng diễn ra tại một số nơi giữa thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, khiến người dân bức xúc. Chị Hoàng Tâm Như (đường Tam Trinh) cho biết vào tối 17/5, nhiều khu vực trên địa bàn quận Hoàng Mai bị cắt điện. Điện bị cắt trong khoảng 1,5 tiếng đồng hồ từ chiều tối, đúng lúc cơm nước khiến các gia đình nháo nhác. Nhiều khu chung cư thì hỗn loạn vì mất điện, bộ phận an ninh không cập nhật được thông tin xe cộ ra vào nên nhiều người phải ngồi ngoài sân trông xe…

Chị Như cho biết: Đúng lúc đi làm về đến nhà thì mất điện, thức ăn không chế biến được, tủ lạnh không chạy nên cả nhà phải ra ngoài ăn. Trẻ con thì quấy khóc vì nóng bức. Đến hơn 19 giờ điện mới có trở lại. Việc bị cúp điện vào giờ nào trong ngày cũng gây bức bối, nhưng đúng vào giờ cơm nước khiến nhiều gia đình bấn loạn.

Ngày 1/6, chị Phan Hải Hương (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) cho biết: Nhà tôi bị cắt điện từ 7 giờ sáng mà không rõ lý do. Nắng nóng đỉnh điểm lại không có điện, trẻ em, người già ở nhà rất mệt mỏi, bức bối.

Anh Trần Hùng trú tại đường Nguyễn Đức Cảnh (quận Hoàng Mai) cũng cho hay: Khu chung cư nhà anh bị cắt điện suốt cả ngày 1/6 với lý do sửa chữa hệ thống. Người già, trẻ nhỏ đều rất khó chịu. “Tôi được biết năm nay thiếu điện nhưng ngày nắng nóng đỉnh điểm như thế, nhiệt độ trên 37 độ C mà cắt điện để sửa chữa hệ thống là không hợp lý” - anh Hùng nói.

Thông tin về tình hình cấp điện trên địa bàn thành phố Hà Nội, sáng 2/6, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, sản lượng tiêu thụ điện trên toàn quốc nói chung và tại Hà Nội nói riêng liên tục tăng cao trong những ngày qua. Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã làm nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Mặc dù chưa phải là đợt nắng nóng cao điểm và kéo dài nhưng mức độ tiêu thụ điện toàn hệ thống điện quốc gia đã ghi nhận ngày 19/5 vừa qua đã tăng lên mức rất cao là hơn 924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

Trong tháng 6/2023, dự báo miền Bắc tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục.

Được biết do nắng nóng kéo dài đã làm các hồ thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của ngành Điện lực, đến ngày 11/5, đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước về mực nước chết, hoặc gần mực nước chết. Đối với các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn, có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua.

Vì sao điện gió, điện mặt trời không được hòa mạng?

ĐBQH Tạ Thị Yên cho rằng, trong khi EVN kêu lỗ và tăng giá điện thì việc đàm phán giá bán điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có sự ngã ngũ, vô hình chung đã tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn. Cần có cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện.

“Tôi cho là rất lãng phí khi hàng trăm dự án năng lượng tái tạo đã được Nhà nước thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, thế nhưng khi xây dựng xong lại không thể đấu nối, phát điện, trong khi nền kinh tế thiếu điện, phải tăng cường mua điện của nước ngoài” - bà Yên bức xúc.

Tương tự, tại phiên thảo luận tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ông Đinh Ngọc Minh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đặt vấn đề tại sao phải đi nhập khẩu điện trong khi báo chí thông tin 4.600 MW điện gió, điện mặt trời không được hòa mạng, không được đấu nối lên lưới.

Thảo luận tại hội trường, ngày 1/6, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc thay đổi đột ngột về mặt chính sách đã gây lãng phí các nguồn điện tái tạo khi đang trong tình trạng thiếu điện. Ông Hiển cũng cho biết, cùng với Nghị quyết số 55-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về định hướng “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản có tính đột phá về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển điện gió, điện mặt trời. Vì vậy, thiếu điện là khó chấp nhận.

Vẫn theo ông Hiển, cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo lớn đã được sản xuất nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng; có giải pháp đồng bộ, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, theo nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, hiện nay cũng có một số nghịch lý là nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp, vì thế, muốn sử dụng hệ thống điện này phải đầu tư khá lớn cho truyền tải lưu trữ điện. Mặt khác, để duy trì thường xuyên, an toàn hệ thống điện, phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo, ông Diên khẳng định phải có một nguồn điện nền ổn định.

“Ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí sinh khối, thủy điện cũng được xem là điện nền bởi vậy dù có đắt hơn, phát thải cacbon có nhiều hơn, trong ngắn hạn chúng ta chưa có nguồn, giải pháp khác thay thế, thì các nguồn điện truyền thống vẫn được duy trì để bảo đảm an toàn hệ thống điện” - ông Diên nhấn mạnh và cho biết thêm than, dầu khí là những nguyên liệu sơ cấp, được thị trường thế giới ấn định giá. Những năm qua, do đứt gãy nguồn cung, giá cao dẫn đến giá thành điện năng, dầu và khí thường cao hơn nếu chưa tính đến phí truyền tải. Điện gió, mặt trời không tốn tiền mua, giá thành điện năng chỉ phụ thuộc vào giá cả công nghệ, thiết bị. Về lâu dài, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn rẻ nhất nếu chưa tính chi phí truyền tải, lưu trữ điện.

Phát triển năng lượng tái tạo được cho là giải pháp nhanh chóng và thích hợp nhất để giải quyết vấn đề thiếu điện. Vì thế, trong dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đặt mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo biến đổi (gió và mặt trời) cao. Năng lượng tái tạo với định hướng đạt tỷ trọng khoảng 70% trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2050, và thúc đẩy đầu tư điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng với mục tiêu phủ kín 50% mái các tòa nhà công sở và nhà dân. Quy hoạch điện VIII nêu rõ, phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực. Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế.

Theo ĐBQH Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh), việc tăng giá điện do nguyên nhân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ lớn, tổn thất điện năng là chưa phù hợp, chưa minh bạch. Đề nghị Bộ Công thương chủ trì đánh giá, xem xét lại phương pháp tính giá điện theo hướng rút gọn hoặc áp dụng thống nhất một mức giá thay vì 6 bậc như cách tính hiện tại để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

"Cử tri đề nghị xem xét bảo đảm công khai, minh bạch, tính phù hợp của cách tính giá điện sinh hoạt, đồng thời báo cáo việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện tinh giản biên chế thế nào, giải pháp cắt giảm chi phí, giá thành điện sản xuất, giải pháp cung cầu điện có đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hay không" - bà Lan nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thường trực nỗi lo thiếu điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO