Thượng tướng Phùng Thế Tài: 'Vị tướng tài ba của quân đội ta'

NSND - Đạo diễn Lê Thi 13/11/2020 14:00

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “...Thượng tướng Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của quân đội ta. Trọn một đời đi theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia cách mạng và kháng chiến. Thượng tướng Thế Tài là một Đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện trưởng thành từ chiến sĩ trở nên một vị tướng có tài của quân đội ta...”

Vợ chồng Thượng tướng Phùng Thế Tài thời trẻ.

Đó là lời khẳng định chính xác nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày tháng 6 năm 2013, những người làm phim của điện ảnh Quân đội đã vinh dự ghi lại những hình ảnh về thượng tướng Phùng Thế Tài. Ông đã nói với chúng tôi: “Mình yếu quá rồi, nhưng rất nhớ Bác Hồ và cũng không thể về nơi đã ghi dấu ấn của cuộc đời mình”.

Chúng tôi ai nấy đều xúc động.

Đang làm công tác bảo vệ Bác, đầu năm 1945, Phùng Thế Tài xin phép Bác Hồ đi chiến đấu. Bác đồng ý. Đồn Thất Khê là trận đầu tiên do Tiểu đội trưởng Phùng Thế Tài chỉ huy đánh chiếm công đồn. Sau 70 năm, dấu tích đồn Thất Khê không còn nhiều, chỉ còn in đậm trong ký ức của một vài người dân vùng Thất Khê - Cao Bằng.

Cụ Đường Thị Kim năm nay trên 90 tuổi tham gia cách mạng từ năm 1940, là Tiểu đội trưởng nữ du kích đã dẫn đường cho đội quân của Phùng Thế Tài chỉ huy đánh trận ở đèo Kheo Khắt, đồn Cây Đa, đường Tam Lung ở Lạng Sơn. Cụ đã kể nhiều chuyện về thời gian ấy, về Phùng Thế Tài.

Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên tư lệnh Quân khu Thủ đô, ông trở lại sân bay Bạch Mai, hôm nay một phần đất đã là Bảo tàng Phòng không - Không quân. Ở đây, đêm 17 rạng ngày 18 tháng 1 năm 1950, với 30 chiến sĩ đã bí mật đột nhập phá hủy 25 máy bay, 60 vạn lít xăng, 32 tấn vũ khí của quân Pháp. Ông nhớ lại: “Đêm ấy, sương mù dày đặc, 30 chiến sĩ Tiểu đoàn 108 đã bí mật lọt qua hàng rào lần lượt leo lên đặt mìn vào các máy bay và cắm kíp nổ chậm. Quả mìn cuối cùng được cài xong cũng là lúc lính gác phát hiện quân ta tập kích và nổ súng báo động. Các chiến sĩ theo đường rút ra ngoài cũng là lúc mìn nổ dữ dội, kho xăng bốc cháy sáng rực cả bầu trời. Đại bác địch ở Xuân Tảo, Văn Điển bắn tới tấp xung quanh sân bay. Xe tăng, xe bọc thép, ô tô cảnh sát địch bịt chặt các ngả đường nhưng các chiến sĩ ta đã rút lui an toàn.

Trận đánh đạt hiệu quả cao đã cho thấy sự chỉ huy táo bạo, tài tình của Chỉ huy Mặt trận Hà Nội trong đó Phùng Thế Tài làm Chỉ huy trưởng cũng như sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo tuyệt vời của các chiến sĩ Tiểu đoàn 108. Trận đánh sân bay Bạch Mai đã gây tiếng vang lớn, mở ra những cách đánh địch trong lòng địch làm nức lòng quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Độc lập, thống nhất đất nước là sự nghiệp lớn của cách mạng. Việc xây dựng quân đội chính quy để đánh bại đế quốc Mỹ và tay sai là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài. Phùng Thế Tài - người cận vệ của Bác Hồ được bổ nhiệm làm Đại đoàn trưởng Pháo binh 351, sau đó là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh, kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh.

Chỉ một thời gian ngắn, vấn đề bảo vệ vùng trời được đặt ra. Bác Hồ chỉ thị thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân, người lính cận vệ của Bác Hồ là Đại tá Phùng Thế Tài được giao trọng trách là Tư lệnh.

Để nâng cao sức chiến đấu của lực lượng Phòng không - Không quân, Trung đoàn không quân tiêm kích đang được học tập tại Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc. Tư lệnh Phùng Thế Tài cùng Chính ủy Đặng Tính đề nghị cho máy bay cùng phi công về nước. Máy bay Mig 17 đầu tiên hạ cánh là phi công Phạm Ngọc Lan bay số 2. Số 1 là Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện. Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Ngọc Lan nhớ lại: “Khi chúng tôi sang Trung Quốc nhận những chiếc máy bay đầu tiên trở về Việt Nam anh em phi công ai cũng đều rất vinh dự, tự hào và xúc động. Được bay trên vùng trời Tổ quốc càng ý thức sâu sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của người chiến sĩ. Tư lệnh Phùng Thế Tài lập tức có mặt động viên anh em và chỉ đạo những công việc phải làm ngay. Lực lượng bộ đội không quân lớn mạnh thần tốc có công rất lớn của Tư lệnh Phùng Thế Tài”.

Mỹ răn đe sẽ “biến Hà Nội về thời kỳ đồ đá”. Để nghiên cứu cách đánh B52, ta đưa tên lửa vào tuyến lửa Vĩnh Linh. Công sức của mọi người kể cả máu để có cuốn cẩm nang đánh B52 chỉ dày 30 trang đánh máy.

Hà Nội có truyền thống văn hóa, ngàn năm lịch sử đã quyết tâm đánh Mỹ. Hà Nội là trái tim của cả nước, là niềm tin yêu và hi vọng, là niềm tự hào của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Hà Nội đã sẵn sàng cho trận đánh lớn đi vào lịch sử, nhưng rất ung dung tự tại, tâm hồn như hòa vào những âm thanh nặng nghĩa, nặng tình da diết của người Hà Nội.

Phùng Thế Tài - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp chỉ huy lực lượng Phòng không - Không quân. Các phương án, bố trí các cụm điểm của từng trận địa rada, pháo, tên lửa, tất cả đều sẵn sàng trừng trị các loại máy bay của Mỹ, trong đó có B52.

Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" trong đó có công sức của bộ đội không quân rất ý nghĩa khi chúng ta đã sớm thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ.

Năm 1969, Bác Hồ đã ra đi, để lại nỗi tiếc thương cho toàn dân tộc. Bộ Chính trị quyết định xây dựng Lăng Bác, để giữ gìn thi hài Bác. Trưởng ban là đồng chí Đỗ Mười, phó ban là người cận vệ Phùng Thế Tài.

Người học trò, người cận vệ của Bác Hồ trước khi nghỉ hưu là Trưởng ban phòng chống bão lụt, Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng. Ông về hưu, về với người vợ hiền là bà Bùi Thị Yến, một người cả cuộc đời đã qua nhiều cơ cực và đảm đương gánh vác việc gia đình, nuôi các con khôn lớn để ông tham gia việc nước. Khi được ở bên nhau hôm sớm, bà mái đầu bạc trắng, tay run run, ông thì sắp về cõi vĩnh hằng.

Phùng Thế Tài là người quyết đoán, sống nghĩa tình, các thế hệ tiếp nối ông luôn nghĩ đến người thầy, người thủ trưởng đáng kính. Ngày nay họ đến với ông với một tấm lòng biết ơn công lao đào tạo, gây dựng từ những thuở khó khăn thiếu thốn ban đầu trong sự nghiệp đánh Mỹ trên mặt đất cũng như bầu trời của Việt Nam.

Thượng tướng Phùng Thế Tài được nhiều người quý trọng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Lâm nói về ông: “Đối với thế hệ chúng tôi luôn rất kính trọng các bậc tướng lĩnh như: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Phùng Thế Tài… Các ông vừa là những tướng lĩnh tài ba đồng thời cũng là những học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch. Cuộc đời và sự nghiệp của Thượng tướng Phùng Thế Tài như một câu chuyện huyền thoại đã cho chúng tôi những bài học quý giá làm người.

Phùng Thế Tài tên thật là Phùng Văn Thụ. Ông sinh năm 1920 tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, nay là thành phố Hà Nội. Nhà nghèo, quê nghèo ông không được học hành phải lang thang xa xứ đi kiếm sống ở Vân Nam, Trung Quốc.

Ông luôn dạy các con cháu khi đã thành đạt, nên người trước hết hãy nghĩ đến nguồn cội, quê hương. Dù con cháu ở đâu, đi đâu sống nhưng phải về quê hương thắp những nén tâm nhang cho tổ tiên. Ông khuyên dạy các con cháu, nếu thiếu quê hương, thiếu tình nghĩa hàng xóm sẽ mất gốc rễ và nhân cách một con người. Cả cuộc đời ông Phùng Thế Tài đau đáu về quê hương, Tổ quốc. Ông ra đi đã để lại cho con cháu cái tình, cái nghĩa và lòng tiếc thương của người dân quê hương ông.

Năm 1933, Phùng Thế Tài khi lưu lạc ở Vân Nam, Trung Quốc đã gặp đồng chí Vũ Anh giác ngộ cách mạng, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi làm bảo vệ Bác Hồ. Cuộc đời ông trưởng thành là nhờ Bác và Cách mạng.

Những đơn vị ông đã từng trải qua, bước đầu còn khó khăn thiếu thốn, ở đó ông đã để lại dấu ấn trong học tập, xây dựng và chiến đấu, như các đơn vị Bộ binh, Pháo binh, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Ngày nay, việc bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo, trách nhiệm người lính rất nặng nề với Tổ quốc, với nhân dân. Chúng ta tin tưởng các Binh chủng, Quân chủng, nơi mà Thượng tướng Phùng Thế Tài đã sống và chiến đấu, sẽ phát huy truyền thống, phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thượng tướng Phùng Thế Tài: 'Vị tướng tài ba của quân đội ta'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO