Thuỷ Nguyên (Hải Phòng): Biến đất rừng thành nghĩa trang

Hải Dương 18/11/2021 14:04

Theo đánh giá của UBND huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), hiện tượng phá rừng phòng hộ, rừng trồng để xây dựng nghĩa trang gia đình, đặt lăng mộ trên địa bàn huyện đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng, phức tạp.

Sôi động “thị trường” đất cho người đã khuất

Chúng tôi được một số “cò đất” giới thiệu, muốn mua đất cho người đã khuất chỉ việc sang khu vực Núi 2, xã Thủy Đường (huyện Thuỷ Nguyên), gặp ai cũng có thể đặt vấn đề mua đất. Theo “quảng cáo” những “cò đất” cho người đã khuất, khu vực này nằm ngay thị trấn Núi Đèo, trung tâm huyện Thủy Nguyên, nơi sẽ trở thành thành phố Thủy Nguyên trong tương lai không xa.

Khu vực là những vạt đất đồi rừng có lợi thế liền kề Công viên nghĩa trang cát táng Vĩnh Hằng - Thuỷ Nguyên, “giá chuyển nhượng” chỉ bằng 1/10 giá đất trong công viên.

Theo chân “cò”, đến khu vực quán nước đầu thôn 2 (xã Thuỷ Đường) chỉ vài câu xã giao, chị chủ quán nước gọi điện cho N., người trong thôn ra bán đất.

Dẫn chúng tôi nên Núi 2, vừa đi N. vừa chỉ vào những khu đất trống trên sườn núi đã được cắt tầng theo triền núi, mỗi “tầng” có chiều rộng từ 15-20m, được xây kè thành bậc thang nối, những “vạt đất” này đã được người từ nội thành Hải Phòng sang mua từ nhiều năm trước, giờ mỗi “vạt” đất rộng khoảng 300 m2 cũng có giá giao dịch từ 400-500 triệu đồng.

Khu đất rừng rộng gần 9.000 m2 ở khu vực Núi 2 được rao bán làm đất nghĩa trang.

Giữa lưng chừng núi, N. chỉ vào khu đất rộng gần 100 m2 đã được san phẳng, kè đá chống sạt lở. N. “phát” giá 80 triệu đồng, nếu thiện chí mua, người này sẽ thuê thợ xây tường vây, làm cổng…

Thấy chúng tôi tỏ vẻ không đồng ý với diện tích hẹp, N. tiếp tục dẫn đến khu vực gần ngôi đền nhỏ trên núi giới thiệu, khu đất rộng khoảng 300 m2, được mua với giá 20 triệu đồng từ nhiều năm trước đây. Giờ nếu “khách” có nhu cầu sẵn sàng chuyển nhượng với giá gần 500 triệu đồng.

Bà T. chủ một cửa hàng tạp hóa ngay ngã 4 Thủy Đường dẫn chúng tôi vào sâu trong khu vực Núi 2 “tham quan” đất cho người đã khuất. Bà T. cho biết, để có được diện tích gần 9.000 m2 “lục lạc” trải dài cả mấy vạt rừng. Từ năm 2018, mấy chị em góp tiền mua lại đất trồng rừng của 3 hộ dân.

Theo bà T. còn hộ dân ở trong khu vực nên để không ảnh hưởng, phải mở đường đi chung thành lối đi riêng vào khu đất. “Từ cuối năm 2020, đã có nhiều người vào hỏi mua. Tuy nhiên, mấy anh em đang muốn chuyển nhượng cả khu đất cho người khác kinh doanh, giá cả khu khoảng 10 tỷ đồng” - bà T. nói.

Chính quyền có làm ngơ?

Theo hồ sơ được lưu giữ tại UBND xã Thủy Đường, từ tháng 8/2020 đến nay, UBND xã đã ghi nhận ít nhất 5 trường hợp các hộ dân tự ý san gạt đất rừng phòng hộ, trong đó có cả diện tích đất rừng thuộc quyền quản lý của UBND xã tại khu vực Núi 2 để xây dựng khu mộ.

Để có thể san gạt, cắt tầng tạo mặt bằng trên đất rừng phòng hộ, các hộ dân sử dụng máy xúc đào với công suất lớn. Có trường hợp các hộ dân đã kịp lập lăng mộ, cây hương, xây tường bao ngay khi chính quyền vừa phát hiện vụ việc.

Ông Lê Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Thủy Đường thừa nhận, từ những năm trước đã có hiện tượng người dân được giao quản lý, trông coi rừng phòng hộ lại tự ý chuyển thành đất nghĩa trang tự phát. Chính quyền địa phương cũng chưa thống kê, xác định cụ thể diện tích đất rừng phòng hộ thành nghĩa trang gia đình.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Thủy Nguyên, những diện tích đất rừng phòng hộ bị biến thành đất nghĩa trang đều có một quy trình “khá lạ”. Cụ thể, vào 4 ngày liên tục trong tháng 5/2018, tại những khu vực rừng trồng, rừng phòng hộ tại khu vực Núi 2 (xã Thủy Đường), núi Đầu Hổ và núi thị trấn Núi Đèo (thị trấn Núi Đèo) thuộc dãy Sơn Đào liên tiếp xuất hiện tới 6 đám cháy nhỏ trên tổng diện tích 3,96ha đất rừng.

Các vụ cháy thiêu rụi rừng trồng và rừng phòng hộ, không được trồng lại. Những chủ rừng đưa ra lý do trồng rừng không hiệu quả, xin cải tạo bằng cách cắt tầng sườn núi, tạo mặt bằng để trồng cây ăn quả rồi xuất hiện rải rác các lăng mộ tại những khu vực rừng bị cháy.

Ông Trần Quốc Hồng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thủy Nguyên cho biết, từ năm 2015 tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, lập nghĩa trang trên đất rừng phòng hộ xảy ra tại nhiều xã, thị trấn.

Năm 2020, UBND huyện Thủy Nguyên cũng có báo cáo ghi nhận tình trạng phá rừng trồng để xây dựng nghĩa trang, đặt lăng mộ tại các xã có chiều hướng diễn biễn phức tạp. Theo đánh giá của UBND huyện Thủy Nguyên, để người dân tự biến đất rừng trồng thành đất nghĩa trang do UBND các xã chưa thực sự coi trọng công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp.

Theo chỉ đạo từ UBND huyện Thủy Nguyên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các xã tiến hành thanh, kiểm tra tình trạng lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng công trình lăng mộ, đề xuất UBND huyện xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo ghi nhận tại UBND xã Thủy Đường, một địa bàn “nóng” về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thành đất nghĩa trang thì sau kiểm tra, trên địa bàn vẫn liên tiếp xảy ra các vụ việc người dân san gạt đất rừng làm nghĩa trang và xuất hiện thêm nhiều khu lăng mộ mới.

Ông Lê Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Thủy Đường cho biết thêm, từ trước đến nay, địa phương chưa có quy hoạch nghĩa trang nhân dân nên người dân đành phải sử dụng đất trồng rừng làm nghĩa trang gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuỷ Nguyên (Hải Phòng): Biến đất rừng thành nghĩa trang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO