Tỉ lệ trẻ em phạm tội gia tăng

Khanh Lê 06/07/2021 08:06

Theo Bộ Công an, tình trạng phạm tội trong thanh thiếu niên có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Trong đó, nhiều vụ đối tượng gây án trong độ tuổi vị thành niên.

Quá trình tiếp nhận, xử lý, những đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hầu như không có sự theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ của gia đình.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ án hình sự cướp của, giết người với thủ đoạn dã man, gây ra những vụ án thương tâm, khiến dư luận bức xúc. Ðiều đáng nói là thủ phạm lại là những thanh, thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ song hành vi lại cực kỳ tàn bạo, không phải do sự bồng bột, thiếu hiểu biết, mà trước khi gây án, các đối tượng đều có động cơ phạm tội và thủ đoạn được tính toán kỹ lưỡng. Nhiều vụ việc, các đối tượng chủ ý xuống tay giết chết bị hại để thực hiện bằng được hành vi cướp tài sản. Không chỉ khiến xã hội rúng động bởi những vụ án có tính chất tàn bạo, số trẻ vi phạm Luật An toàn giao thông ngày càng đáng báo động.

Theo số liệu thống kê, số người vi phạm an toàn giao thông trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 35 tuổi chiếm gần 70% so với các lỗi vi phạm như sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện, chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông, tai nạn giao thông của nhóm tự đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất (khoảng 0,5 vụ/học sinh). Trong đó, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của thanh thiếu niên lên tới 7,39/1000 em.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, hàng loạt tai nạn giao thông chết người đã xảy ra, nguyên nhân là do các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi cho phép. Điển hình là vụ việc hồi tháng 2 tại Gia Lai, một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 4 em học sinh chưa đến 16 tuổi, nguyên nhân là điều khiển xe máy trên 50 phân khối chạy tốc độ cao.

Theo Bộ Công an, tình hình tội phạm do thanh, thiếu niên gây ra có diễn biến rất phức tạp, số trẻ em phạm tội đang “gia tăng và trẻ hóa”. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội. Việc gia tăng các vụ án có bị cáo là thanh, thiếu niên phạm tội không chỉ tăng về số lượng các bị cáo, mà tuổi đời phạm tội của các bị cáo là người chưa thành niên cũng trẻ hóa.

Qua điều tra và xét xử các vụ án, cơ quan chức năng cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm. Đó là xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi lên thành phố kiếm sống, bị các đối tượng xấu lôi kéo, tụ họp thành những nhóm đi trộm, cướp để có tiền tiêu xài. Đó là từ việc gia đình tan vỡ, các em bị khủng hoảng tâm lý, ít được quan tâm, dạy bảo nên rơi vào con đường tội lỗi.

Trước thực trạng trên, theo TS Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, giải pháp quan trọng vẫn là nâng cao nhận thức để trẻ nhận diện và phân biệt được hành vi sai trái pháp luật không cho phép. “Tôi cho rằng hiện chương trình đào tạo quá nặng nề về lý thuyết, kỹ năng học ở trường hạn chế, chưa có bộ sách riêng về tâm lý sống để đưa chính thức vào chương trình học hàng ngày. Đào tạo kỹ năng phải rõ ràng, có chương trình rõ ràng thì mới trang bị cho các em kỹ năng tốt được. Kỹ năng sống tốt sẽ giúp các em nhận diện và tránh xa trước những cám dỗ của tội phạm”, TS Báu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, đã có rất nhiều vụ việc đau lòng gây bức xúc xảy ra nguyên nhân do các em học sinh thiếu kiến thức về pháp luật. “Một số học sinh có hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật không chỉ do tuổi trẻ nông nổi mà còn vì chưa được giáo dục pháp luật đến nơi đến chốn.

Bên cạnh đó, có không ít giáo viên cũng bị “hổng” kiến thức pháp luật trầm trọng hậu quả là đã bị động, thậm chí “làm ngơ” trước những hành vi sai trái của học sinh. Vì vậy, bổ sung kiến thức về bảo vệ trẻ em trong trường học cần phải là mạnh mẽ hơn nữa và bắt đầu từ giáo viên để giáo viên truyền đạt hoặc tác động biện pháp đối tượng học sinh”, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tỉ lệ trẻ em phạm tội gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO