Tiêm liều tăng cường: Mất công bằng vaccine?

Hà Anh (tổng hợp) 25/08/2021 06:30

Cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu đang có những diễn biến phức tạp bởi sự xuất hiện của các biến chủng mới. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng vaccine vẫn có sự mất cân bằng đáng kể giữa các nước giàu và nghèo. Việc triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường có xoáy sâu hơn thực trạng trên?

WHO liên tục kêu gọi hoãn tiêm tăng cường

Ngày 24/8, trong chuyến thăm Hungary, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các nước nên hoãn tiêm liều tăng cường để ưu tiên nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho những quốc gia mới triển khai vaccine cho 1% hoặc 2% dân số.

Ông Tedros cảnh báo, những biến chủng nguy hiểm hơn của Covid-19 sẽ xuất hiện nếu không tăng tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu. Tổng Giám đốc WHO cho rằng số vaccine dự định dành cho kế hoạch tiêm tăng cường nên được tặng cho các nước có nhiều người dân chưa tiêm được liều đầu tiên.

WHO tuần trước cho biết dữ liệu hiện tại không cho thấy tiêm liều tăng cường là cần thiết, những người dễ tổn thương nhất trên toàn cầu nên được tiêm chủng đầy đủ trước khi những nước giàu triển khai tiêm mũi bổ sung cho dân số của họ.

Đây không phải lần đầu tiên WHO kêu gọi điều này, bởi trong các tuyên bố trước đó, các chuyên gia hàng đầu của WHO đã nêu quan điểm rằng, chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy cần phải tiêm vaccine liều tăng cường để ngừa Covid-19.

Theo WHO, các loại vaccine trong danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của cơ quan này đều có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2 nếu người đó đã được tiêm đầy đủ.

Do đó, WHO khẳng định các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine phòng Covid-19 để tiêm nhắc lại cho những người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh nhiều nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.

Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus nhận định, khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vaccine Covid-19 là rất không đồng đều và không công bằng. Một số quốc gia và khu vực đang đặt mua hàng triệu liều tăng cường, trước khi các quốc gia khác có nguồn cung vaccine để tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.

Người đứng đầu WHO cũng chỉ ra rằng, các nhà sản xuất vaccine Pfizer và Moderna là những công ty đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại ở những quốc gia đã có mức độ tiêm chủng cao. Theo ông Tedros, thay vào đó, họ nên chuyển liều lượng vaccine của mình sang chương trình chia sẻ vaccine COVAX, chủ yếu dành cho các nước có thu nhập trung bình và nghèo hơn.

Tuy nhiên, từ việc dè dặt cấp phép tiêm liều vaccine tăng cường cho những người có hệ miễn dịch yếu từ các quốc gia giàu có như Mỹ, Israel, Anh, Đức, Pháp, đến nay, nhiều nước đã bắt đầu kế hoạch tiêm liều tăng cường cho mọi người dân có nhu cầu.

Hungary đã bắt đầu tiêm mũi nhắc lại cho bất kỳ ai đã tiêm đủ hai mũi vaccine trước đó 4 tháng. Mỹ cũng thông báo cho phép tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường cho toàn dân từ ngày 20/9 với những người đã tiêm đủ liều vaccine được 8 tháng.

Mất cân bằng tiếp cận vaccine

Trên khắp nước Mỹ, nhiều người đã tìm kiếm mũi tiêm bổ sung khi lo sợ lớp bảo vệ hiện tại chưa đủ giúp họ chống lại biến thể Delta. Hiện chưa có tổng số người Mỹ tiêm liều tăng cường. Tuy nhiên, riêng với những người đã tiêm Pfizer và Moderna, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ước tính có 1,1 triệu người đã tiêm mũi thứ ba, theo một tài liệu nội bộ được ABC News đưa tin.

Bà Christy Foreman, một giảng viên đại học ở Baton Rouge, bang Louisiana, Mỹ cũng từng cân nhắc rất nhiều về tiêm liều tăng cường, nhưng cuối cùng vẫn quyết định thực hiện. Bà đã tới một cửa hàng tạp hóa của Albertson để tiêm một liều Pfizer bổ sung.

Bà Foreman không bị suy giảm miễn dịch, nhưng bà lo lắng hàng rào bảo vệ của cơ thể không đủ sức chống virus. Bà không muốn mạo hiểm với sức khỏe và không muốn công việc bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, ở châu Phi, tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh châu lục này đang thiếu vaccine phòng Covid-19. So với các khu vực khác trên thế giới, châu Phi đã bị tụt lại khá xa trong chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi đang ở mức thấp đáng kinh ngạc, chỉ có 18 triệu người/1,3 tỷ dân đã được tiêm chủng đầy đủ.

Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết, châu Phi đang rất cần vaccine để ứng phó với làn sóng Covid-19 lần thứ 3. “Vaccine đến từ COVAX hay từ nơi khác đều không thành vấn đề. Tất cả những gì chúng tôi cần là được nhanh chóng tiếp cận vaccine” - ông Nkengasong nhấn mạnh.

Để giải bài toán thiếu hụt vaccine, châu Phi cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc các nước giàu chia sẻ nguồn vaccine dư thừa hoặc tăng cường cung cấp vaccine thông qua cơ chế COVAX.

Theo nhiều chuyên gia y tế toàn cầu, ngoài vấn đề đạo đức, việc tiêm liều tăng cường cho những người đã tiêm chủng ở nước giàu là một chiến lược tệ hại cho mục tiêu chấm dứt đại dịch toàn cầu, bởi hàng tỷ người ở các nước nghèo hoàn toàn chưa được bảo vệ.

“Nếu các nước như Đức, Mỹ, và Anh chọn triển khai liều tăng cường trước khi chúng ta đảm bảo tất cả cộng đồng trên thế giới được tiếp cận với liều vaccine đầu tiên, chúng ta thực sự không giải quyết được vấn đề này” - bà Andrea Taylor, nhà nghiên cứu y tế toàn cầu nói với CNN.

Kể từ khi bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, Covid-19 đã khiến hơn 206 triệu người nhiễm và hơn 4,3 triệu người chết trên toàn cầu. 4,59 tỷ liều vaccine đã được tiêm chủng trên thế giới, với trung bình 36,63 triệu liều mỗi ngày. 30,7% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều với 16% đã tiêm đủ mũi. Trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở các nước giàu dao động từ 60-90%, chỉ 1,2% người dân ở nước thu nhập thấp tiêm ít nhất một mũi.

“Hiện tại, số phận của chúng ta phụ thuộc vào việc phân phối vaccine trên toàn cầu để dịch bệnh không tiếp tục lây lan. Chúng ta không muốn cứ mãi chạy sau các biến chủng mới” - ông Nahid Bhadelia, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm chia sẻ.

Ngày 24/8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech, quyết định được chờ đợi nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở Mỹ. Đây cũng là loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được FDA cấp phép đầy đủ trong bối cảnh các vaccine phòng Covid-19 khác đến nay đều mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiêm liều tăng cường: Mất công bằng vaccine?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO