Tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19: Ngăn chặn lây lan biến chủng mới

Th. Anh 01/07/2022 19:10

Theo GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Vì vậy cần thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để ngăn chặn dịch, tránh lây lan cho những người có nguy cơ cao.

Củng cố miễn dịch cộng đồng

Tại tọa đàm “Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19 trong bối cảnh hiện nay?”, diễn ra hôm nay (ngày 1/7) do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, GS Phan Trọng Lân chia sẻ: Ở Việt Nam, đến tháng 12/2021, thậm chí đến tháng 2/2022, các mũi cơ bản gần như được phủ hết.

Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Nhưng miễn dịch đối với những người này đã giảm nên cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân.

Yếu tố thứ hai là cần thiết phải tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu, bởi đây cũng là những người có nguy cơ cao. Khi các biến thể mới có mức độ xâm nhập, lây lan mạnh thì có thể ngăn chặn, giảm được mức độ lây nhiễm sang cho các đối tượng khác, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.

“Chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao như những người trên 50 tuổi trở lên, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng. Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng…

Tiêm mũi 3, mũi 4 củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Nếu có nhiễm đi nữa thì cũng sẽ nhẹ hơn” - ông Lân nói.

Nói về lo lắng nếu tiêm mũi 3, mũi 4 thì phản ứng phụ sẽ mạnh hơn và để lại hệ lụy lớn cho những người tiêm, GS Lân cho hay: Tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 chưa bao giờ lớn như vậy, ở tất cả các độ tuổi trong thời gian ngắn tiêm rất nhiều. Đối với vaccine, các nước phát triển họ nghiên cứu rất đầy đủ và thấy rằng trong 4 mũi tiêm thì tiêm mũi 3, mũi 4 có ý nghĩa nhắc lại lần 1, lần 2 nên ở giữa mức phản ứng của mũi 1, mũi 2.

Ví dụ như vaccine Pfize thì tiêm mũi 2 phản ứng hơn mũi 1 còn mũi 3, mũi 4 ít phản ứng hơn mũi 2. Đấy là những nghiên cứu bài bản và có công bố quốc tế thường xuyên, có kiểm tra giám sát.

“Do đó, những người đi tiêm yên tâm và cứ sống vui vẻ, ăn thức ăn có miễn dịch là yên tâm. Đặc biệt, bên cạnh chúng ta có cả thế giới, các tổ chức quốc tế, cán bộ y tế Việt Nam… chắc chắn tất cả đều vì sức khỏe người dân, làm thế nào bảo đảm miễn dịch tốt nhất để phòng dịch. Tôi phải nói rằng, không phải chỉ bây giờ mà kể cả những biến thể tương lai nếu có thì tiêm vaccine sẽ giúp giảm nhẹ rất nhiều” - ông Lân chia sẻ.

Bảo vệ trẻ em khi mắc MIS-C

Với những thông tin còn hạn chế về biến chủng mới, câu hỏi cũng được đặt ra là trẻ em có nhiễm biến chủng BA.4, BA.5 hay không? PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương trả lời: Tỉ lệ trẻ em Việt Nam chiếm khoảng 25-27% dân số. Theo Cục Y tế dự phòng, tỉ lệ mắc của trẻ em trong thời gian qua, từ lúc bắt đầu dịch đến giờ, cũng tương đương với tỉ lệ mắc trên người lớn, tức là khoảng 20-25% trẻ em mắc Covid-19.

Vừa rồi chúng ta mới bắt đầu có thuốc tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, còn nhóm dưới 5 tuổi chúng ta chưa có thuốc tiêm. Do vậy, nếu biến chúng BA.4, BA.5 lây lan nhanh sang cộng đồng, thì trẻ em có khả năng lây lan và có tỉ lệ mắc bệnh nặng. Đặc biệt trẻ em là nguồn lây sang cho người già, người lớn khác dễ dàng hơn.

Cũng theo BS Điển: Biểu hiện bệnh học của trẻ em mắc Covid-19 và ở người lớn có sự khác biệt cơ bản. Đó là ở người lớn thì có biểu hiện biến chứng suy hô hấp nguy kịch (tức là biến chứng suy hô hấp nguy kịch dẫn đến tử vong).

Còn với trẻ em, sau khi mắc Covid-19 từ 4-6 tuần có biểu hiện là hội chứng viêm đa cơ quan. Đây là biểu hiện liên quan đến miễn dịch giữa trẻ em và người lớn có sự khác nhau. Sau khi mắc Covid-19, người lớn là suy hô hấp, trẻ em là nguy cơ nặng, chính là MIS-C.

Hội chứng mắc suy đa cơ quan này chính là tình trạng đáp ứng viêm quá lên của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của virus. Việc này ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, trong đó có hệ thống tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận… Hiện chúng ta đã có phác đồ điều trị rồi nhưng không chẩn đoán được sớm, không phát hiện kịp thời thì ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

“Chúng tôi đã tra cứu các y văn và thấy rằng vaccine không những có tác dụng giúp tránh mắc MIS-C mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ mắc MIS-C. Với trẻ từ 12-18 tuổi, theo nghiên cứu từ Hoa Kỳ cho thấy, ước tính hiệu quả của 2 liều vaccine Pfizer chống lại MIS-C là 91%. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những bệnh nhân mắc MIS-C mức độ nặng cần phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ, hầu như là các cháu chưa tiêm. Với nhóm trẻ từ 5-17 tuổi, theo nghiên cứu lớn tại Đan Mạch, khi tiêm vaccine sẽ bảo vệ trẻ tránh khỏi MIS-C khoảng 94%.

Điều này cho thấy, nếu cho trẻ đi tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ mắc MIS-C và nếu như có mắc MIS-C thì bệnh sẽ nhẹ đi. Đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ chính con mình, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc Covid-19” - BS Điển nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19: Ngăn chặn lây lan biến chủng mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO