Ngày 26/2, lần đầu tiên vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất được tiêm thử nghiệm giai đoạn trên hàng trăm tình nguyện viên ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đây là bước quan trọng trước khi đưa vào tiêm đại trà.
Sáng 26/2, tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (tỉnh Long An), Bộ Y tế đã tiến hành tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine ngừa Covid-19 Nanocovax.
Đây là loại vaccine hoàn toàn do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất với mục đích làm chủ công nghệ và an ninh sức khỏe. Đợt thử nghiệm này có khoảng 300 tình nguyện viên ở trên địa bàn tỉnh Long An.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ (Bộ Y tế) cho biết, hôm nay tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 có tên Nanocovax (Công ty CP Công nghệ sinh học Dược Nanogen sản xuất) trên người giai đoạn 2 ở TP Hà Nội và tỉnh Long An.
Với sự kiện này, Việt Nam đang tiến một bước trong hành trình cho ra lò các lô vaccine ngừa Covid-19 "Made in Việt Nam" trong tương lai.
Theo ông Quang, kết quả giai đoạn 1 cho thấy vaccine Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn và cho kết quả đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể chống virus SARS-CoV-2 cao trên 60 người tình nguyện tham gia nghiên cứu.
Ngoài ra, ông Quang còn cho biết, giai đoạn 2 được thiết kế mù đôi, ngẫu nhiên, so sánh giả dược nhằm đánh giá an toàn và đáp ứng miễn dịch của 3 liều vaccine Nanocovax 25mcg, 50mcg và 75mcg. Tổng cộng có 560 tình nguyên viên tham gia ở TP Hà Nội và tỉnh Long An.
Trong đó dự kiến sẽ tiêm thử nghiệm trên 300 người tại tỉnh Long An.
Giai đoạn 2 này, Bộ Y tế phân tầng thành 2 nhóm tuổi, nhóm từ đủ 18 tuổi đến 60 tuổi và nhóm trên 60 tuổi. Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 2 sẽ được tiêm bắp 2 liều vaccine hoặc giả dược (tá chất nhôm AIP04). Khoảng cách giữa 2 liều tiêm là 28 ngày.
Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 12 kể từ liều tiêm đầu tiên.
“Trên cơ sở hồ sơ đề cương nghiên cứu được Hội đồng đạo đức nghiên cứu y sinh học quốc gia thông qua Bộ Y tế sẽ chỉ đạo và tổ chức đoàn công tác theo dõi giám sát toàn bộ quy trình triển khai nghiên cứu của nhóm nghiên cứu nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu”, ông Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, một tình nguyện viên (xin được giấu danh tuổi, danh tính) cho biết ông hoàn toàn tin tưởng vào năng lực sản xuất vaccine của các nhà khoa học, bác sỹ Việt Nam.
Ông được kiểm tra sức khỏe, cũng như khuyến cáo một số tác dụng phụ đơn giản có thể gặp phải khi tiêm nhưng ông hoàn toàn đồng ý.
Ngoài mục đích đẩy nhanh quá trình hoàn thiện vaccine của Việt Nam, ông cũng mong muốn vaccine sớm đưa vào cuộc sống để dịch bệnh không còn là nỗi lo chung của nhiều người.