Tiền lương phải bù được tốc độ trượt giá

H.Vũ (thực hiện) 20/07/2015 09:10

Sắp tới, Hội đồng tiền lương quốc gia gồm đại diện ba bên: phía Chính phủ là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện cho phía sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ nhóm họp để bàn phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016. Trao đổi với ĐĐK, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng: Tăng lương còn phụ thuộc vào nguồn thu, năng lực hiệu quả hoạt động. Tiền lương phải bù đ

Tiền lương phải bù được tốc độ trượt giá

PV: VCCI vừa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 khoảng hơn 10%? Thưa ông dựa vào căn cứ nào mà VCCI đề xuất mức tăng trên?

Tiền lương phải bù được tốc độ trượt giá - 1

Ông Vũ Tiến Lộc: Mức tăng này sẽ đáp ứng được 3 yêu cầu chính đó là bù được sự mất giá của đồng tiền hiện nay, phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động và có một tỷ lệ phần trăm nhất định để rút ngắn mức sống hiện tại của người lao động và mức sống tối thiểu theo Nghị quyết của Đảng đề ra. Nếu tăng lương quá cao thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ mất đi, kéo theo người lao động mất công ăn việc làm, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm.

Còn ngược lại, nếu mức tăng quá thấp, người lao động không thể sống được thì cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và sự phát triển. Vài năm gần đây, điều chỉnh lương cao hơn chỉ số GDP và CPI từ 2 đến 3 lần gây khó khăn cho DN, tác động trực tiếp đến đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí công đoàn của doanh nghiệp.

Tăng lương còn phụ thuộc vào nguồn thu, năng lực hiệu quả hoạt động. Theo tính toán của chúng tôi chỉ khoảng hơn 10% một chút thôi. Ngay cả mức sống tối thiểu thế nào cũng là vấn đề không thể nào có con số cứng nhắc cả.

Nếu nói như vậy thì tất cả các cán bộ công chức đều sống dưới mức sống tối thiểu hết à? Mức lương tối thiểu trong khu vực Nhà nước giờ chỉ bằng 40% so với mức lương tối thiểu của DN hiện nay. Chính phủ cũng mong muốn nâng cao tiền lương của người lao động nhưng quan trọng nhất là năng suất lao động của chúng ta như vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức khỏe của DN như vậy.

Quan trọng là tiền lương phải bù được tốc độ trượt giá, mà tốc độ trượt giá hiện nay theo kiểm soát của Chính phủ theo mục tiêu Quốc hội đề ra là 5-6%/ năm. Như vậy tiền lương phải bù đắp được trượt giá là thứ nhất, nhưng thứ hai tiền lương phải phù hợp với tăng năng suất lao động chứ không thể nhiều hơn cái mình làm ra được. Năng suất lao động hiện nay trung bình tăng khoảng trên 3% một chút thôi thì tốc độ tăng lương phải phù hợp với tăng năng suất lao động. Như tính toán của tôi tăng khoảng hơn 10% thì nó sẽ phù hợp với việc bù trượt giá, và tỷ lệ 3% để nâng mức lương tối thiểu của người lao động lên theo lộ trình bám sát được mức sống tối thiểu.

Chúng ta nói tăng lương cho người lao động để đảm bảo mức sống tối thiểu. Vậy mức sống tối thiểu ở ngưỡng như thế nào là phù hợp, theo ông?

- Ngay quy định mức sống tối thiểu như thế nào cũng là vấn đề phải tính. Công chức nhà nước chỉ trông vào đồng lương thì rất khó khăn cho nên tính phải dựa trên cơ sở điều kiện thực tế. Song hiện 70% DN làm ăn không có lãi, trong khi đó mức đóng Bảo hiểm xã hội là rất lớn. Tiền lương tăng với tốc độ cao thì làm sao DN trụ được. Khi DN không trụ được thì người lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến tăng trưởng và nguồn thu của Nhà nước.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII thì tiền lương hiện tại của Bộ trưởng là hơn 14 triệu/tháng, ông nghĩ sao về con số này?

- Nói chung mọi cái đều không hợp lý. Nhưng tình hình ngân sách của đất nước như vậy, năng suất lao động như thế nên nguồn thu của ngân sách nhà nước không tăng lên thì làm thế nào được. Như tôi hưởng lương Bộ trưởng bậc 2 hệ số là 10,3; tức là lương Bộ trưởng gấp 10 lần lương tối thiểu. Như vậy lương Bộ trưởng được 11 triệu chứ chưa được 14 triệu. Lương Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gấp 13 lần lương tối thiểu; còn Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội là 12,5 lần.

Trong một nền kinh tế có năng suất lao động rất thấp, hiệu quả không cao cho nên Nhà nước buộc phải như vậy. Người lao động khó khăn ai cũng biết, nhưng Nhà nước cũng khó khăn chứ đâu phải ai cũng có thu nhập thêm. Cán bộ văn phòng cũng chỉ có hệ số lương theo mức lương tối thiểu. Việc tăng lương quá cao sẽ ảnh hưởng đến việc làm tốc độ tăng trưởng và nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Năm nay DN vẫn còn khó khi gần 70% làm ăn không có lãi, nếu dồn nhiều cái DN sẽ không chịu nổi.

Vậy theo ông đâu là giải pháp căn cơ để tăng lương cho người lao động, trong khi vẫn cân đối được ngân sách?

- Bây giờ tôi thấy rằng tăng khoảng hơn 10% đến 11% sau đó giãn ra và có lộ trình vì DN vẫn còn khó khăn. Tăng cũng phải phù hợp với nền kinh tế và sức của DN, ngay cả với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu ta tăng lương cao thì đầu tư nước ngoài họ sẽ chuyển đi hướng khác. Lúc đó lao động sẽ không còn là lợi thế của Việt Nam khi họ chạy hết, lúc đó đầu tư trong nước gặp khó khăn, DN khó khăn và đóng cửa vì đầu tư nước ngoài không vào nữa do lợi thế về tiền lương thấp của Việt Nam không còn, trong khi năng suất lao động không cao.

Điều đó sẽ làm cho nền kinh tế khó khăn. DN không mở rộng sản xuất thì người lao động mất việc làm, trong khi mỗi năm nước ta có 1,5 triệu người bước vào tuổi việc làm. Nếu DN không mở rộng sản xuất kinh doanh thì ai sẽ là người giải quyết số lao động ấy, chưa kể phát sinh các vấn đề xã hội. Do vậy phải nhìn ở góc độ chung khi xử lý vấn đề.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền lương phải bù được tốc độ trượt giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO